Chiều 15/9, Bộ KH&ĐT tiếp phiên hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là phiên hội nghị thứ 3 trong chuỗi hội nghị mà Bộ KH&ĐT kết nối với 3 vùng kinh tế Bắc - Trung - Nam.
Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao vai trò của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng, thu ngân sách, xuất nhập khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố phía Nam triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021 trong điều kiện bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cả nước, dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, thời gian giãn cách dài đã gây rất nhiều khó khăn cho mọi hoạt động của đời sống người dân.
Đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ của vùng Đông Nam Bộ và lĩnh vực nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 2 vùng.
Trong phiên hội nghị, các địa phương vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long lần lượt đóng góp ý kiến, đề nghị Bộ KH&ĐT tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ các địa phương.
Đại diện cho Tp.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM đã gửi 4 kiến nghị đến lãnh đạo Bộ KH&ĐT để tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ địa phương.
Theo ông Hoan, dịch bệnh Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của người dân Tp.HCM. Là trung tâm kinh tế lớn nhất, với mật độ dân số cao nhất cả nước đã và đang tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của Tp.HCM trong thời gian tới.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 trên địa bàn Tp.HCM ước tính lần 1 giảm 2,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,39%) và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%).
Trước tình hình này, ông Võ Văn Hoan đề nghị Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau đại dịch để đề ra những quyết sách tổng hợp mang tầm quốc gia.
“Quá trình phục hồi cần nguồn lực rất lớn, từng địa phương sẽ không thể tự làm. Chúng tôi ước tính riêng Tp.HCM cần khoảng 8 tỷ USD và 6 đến 9 tháng để phục hồi kinh tế”, ông Hoan nhấn mạnh.
Thứ hai, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM kiến nghị Bộ KH&ĐT tham mưu Chính phủ sớm thông qua đề án điều tiết ngân sách cho Tp.HCM ở mức 23%. Bởi khi Tp.HCM có nguồn lực để phục hồi nhanh sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Trung ương.
Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong y tế, giáo dục… thông qua việc cho phép Tp.HCM thí điểm việc đấu giá đất công đã có quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để có thêm nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống dịch.
Kiến nghị thứ tư, ông Hoan đề nghị ưu tiên bố trí vốn Trung ương cho 3 dự án trọng điểm mà Tp.HCM đã đề xuất. Theo Phó Chủ tịch Tp.HCM, nhiệm vụ trọng tâm của Tp.HCM trong năm 2022 là triển khai hiệu quả phòng chống, dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Tp.HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế nhằm xây dựng các kịch bản và giải pháp cho công tác phòng chống dịch, công tác an sinh xã hội, giải pháp phục hồi kinh tế và thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư.
Trong các nhóm giải pháp, Tp.HCM xác định nguyên tắc quan trọng nhất là mở cửa an toàn từng bước tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân Tp.HCM trên nguyên tắc “đảm bảo an toàn mới cho mở lại và cho mở lại phải đảm bảo an toàn”.
Quá trình phục hồi kinh tế theo hướng dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh với thông điệp “Sống khỏe trong môi trường có dịch”. Trong trung hạn, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết, Tp.HCM đang rà soát kế hoạch 5 năm 2021-2025 và xây dựng các kịch bản phù hợp.
Vùng Đông Nam Bộ gồm các tỉnh thành: Tp.HCM, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh thành: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Năm 2022, mục tiêu chung của 2 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là tiếp tục kiểm soát tốt tình hình Covid-19 để ổn định đời sống người dân và phục hồi sản xuất. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đảm bảo an sinh xã hội.
Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu 2022 của các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ (trong kịch bản tối ưu là kiểm soát dứt điểm được dịch bệnh trong năm 2021): Tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng dự kiến tăng khoảng 5 - 6,5%.
Cơ cấu kinh tế năm 2022 của vùng duy trì tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 80% trong GRDP toàn vùng; GRDP bình quân/người khoảng 141,36 triệu đồng; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến hơn 572,4 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với ước thực hiện năm 2021; Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 115,89 tỷ USD, tăng hơn 10% so với ước thực hiện năm 2021.
Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu năm 2022 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,17%; GRDP bình quân đầu người: 65,26 triệu đồng/người; Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp, thủy sản: 30,29%, Công nghiệp - xây dựng: 28,13%, Dịch vụ: 37,61%, thuế và trợ cấp sản phẩm: 3,97%; Tổng kim ngạch xuất khẩu: 21,512 tỷ USD; Thu ngân sách: khoảng 97.801 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 427.659,53 tỷ đồng.
Theo: Người Đưa Tin
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/tphcm-can-khoang-8-ty-usd-va-6-den-9-thang-de-phuc-hoi-kinh-te-a8201.html