Bác sĩ Nguyễn Thạc Dũng (sinh năm 1992) công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Hiện, anh tham gia chống dịch ở Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7, TP.HCM).
TP.HCM, ngày 16/9/2021.
Tính đến hôm nay, tôi đi chi viện chống dịch được 23 ngày. Trước khi có quyết định lên đường, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần.
Biết thời tiết Sài Gòn nắng nóng, lại phải mặc đồ bảo hộ liên tục, tôi quyết định cắt tóc để thoáng mát và thuận tiện trong quá trình làm việc. Là người chú ý về đầu tóc, tôi rất tiếc nuối nhưng hiểu đó là điều cần làm.
Từ lúc bước chân vào ngành y, tôi không biết đi chơi, nghỉ ngơi vào ngày lễ, Tết là gì. Bởi nếu không trực cấp cứu, tôi cũng đi làm thận nhân tạo. Ngày Quốc khánh năm nay lại khác, tôi đi làm, đi trực ở một nơi xa: Bệnh viện dã chiến số 16 ở quận 7.
Bác sĩ Dũng nhờ bạn cắt tóc trước khi lên đường vào TP.HCM chi viện chống dịch. |
Lằn ranh sinh tử
Tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19, tôi và đồng nghiệp làm việc theo mô hình 3 ca, 4 kíp. Cứ 2 hôm làm ca ngày, sau sẽ làm ca đêm.
Trong ca trực, tôi có nhiệm vụ điều trị, liên tục theo dõi 10 bệnh nhân thở máy.
Ở các bệnh viện, khoa Hồi sức cấp cứu là nơi người ta nhìn thấy ranh giới sinh tử rõ nhất và hiểu nó mong manh đến thế nào. Suốt 4 năm công tác, tôi từng chứng kiến rất nhiều trường hợp ở giữa lằn ranh đó.
Thế nhưng, khi vào đây, mọi thứ đều khiến tôi choáng ngợp.
Chỉ trong thời gian ngắn, tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân phải đấu tranh để được thở và sống tiếp. Dù biết cái chết vẫn luôn là một phần của cuộc sống, tôi thấy ở đây, phần đó không còn nhỏ nữa.
Rất nhiều người ngoài kia không hiểu được thế nào là dã chiến, là hồi sức tích cực trên bệnh nhân Covid-19.
Với tôi, đây thực sự là cuộc chiến.
Cuộc chiến không súng ống, không bom đạn và chiến binh là những người dùng chất xám làm vũ khí để chống lại kẻ địch giấu mặt Covid-19.
Đôi bàn tay nhăn nheo, khuôn mặt hằn vết khẩu trang của bác sĩ Dũng khi phải mặc đồ bảo hộ liên tục. |
Hàng ngày khoác trên mình bộ đồ bảo hộ cấp 4, kín và nóng đến mức khi mặc lên, tôi cảm giác một giờ trôi qua lâu như một ngày.
Giữa ca, tôi vẫn có vài cái ngáp, không phải vì buồn ngủ, mà đó là dấu hiệu của thiếu oxy lên não.
Bên trong đồ bảo hộ, những giọt mồ hôi chảy liên tục dọc sống lưng, bộ Scrubs ướt đẫm như tắm, bàn tay nhăn nheo như vừa đi bơi vì đeo găng tay nhiều giờ.
Vào đây phải đeo khẩu trang kín đến mức tôi có dấu hiệu thèm oxy, thèm hít thở và những vết hằn in rõ trên khuôn mặt sau khi được tháo bỏ.
Trong hoàn cảnh này, tôi mới thấy những ngày ở nhà, được ngồi ban công hít thở không khí thơm mùi cây cối, hoa lá mới quý giá biết bao.
Mọi thứ đều nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi, từ việc có rất nhiều F0 nặng đến những kiến thức mới, kinh nghiệm từ các thầy.
Ngơ ngác, ngỡ ngàng nhưng tôi vẫn đứng vững vì cuộc chiến còn dài.
Có hôm, nỗi buồn bất chợt đến khi biết tin quê nhà Bắc Ninh có F0 nhưng tôi không được cùng anh em đồng nghiệp chiến đấu.
Bác sĩ Dũng làm việc trong bệnh viện dã chiến hơn 20 ngày qua. |
Động lực từ những người không biết mặt
Làm hồi sức tích cực trong bệnh viện dã chiến có mỏi không? Mỏi chứ. Hết ca có oải ko? Oải chứ.
Hết ca, tôi chỉ muốn nằm ngủ, nhiều hôm nhìn cơm hôm còn không muốn nuốt. Nhưng vẫn có những người vất vả, mệt mỏi hơn và đang cần giúp đỡ.
Tôi khám cho F0, từng là F1 và đi cách ly tập trung nên hiểu rất rõ những khó khăn của người đang phải cách ly, ở khu vực bị phong tỏa.
Bởi vậy, hết ca trực ở bệnh viện, tôi cố gắng tư vấn online cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà các vấn đề về hồi sức cấp cứu nhanh nhất có thể, góp một phần chống dịch từ xa.
Ở các bệnh viện dã chiến, Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 là nơi tiếp nhận các F0 tiên lượng nặng và nguy kịch. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tôi không nhớ rõ mình tư vấn cho bao nhiêu người mỗi ngày. Chỉ biết làm việc với cường độ như thế, tôi luôn có cảm giác thèm ngủ.
Động lực của tôi chính là những lời cảm ơn dù không biết mặt bệnh nhân.
Còn trong cả quá trình tham gia chống dịch, tình thương có lẽ là điều giúp tôi trụ vững. Mỗi bệnh nhân đều là một người ông, người bà, người cha, người mẹ, người con của gia đình. Ở ngoài đó, người thân của họ cũng đang ngóng chờ từng tin tức.
Sau khi hết ca, tôi thường gọi video về nói chuyện với gia đình. Được nghe những lời động viên từ họ, tôi lại càng có động lực để nhanh hết dịch về với mọi người.
Khi dịch Covid-19 qua đi, có lẽ ký ức đọng lại sẽ là tôi đã góp một phần công sức chống dịch, có ích cho xã hội. Đó cũng chính là động lực lớn nhất để tôi nỗ lực hơn mỗi ngày.
Theo: Zing
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/lan-ranh-sinh-tu-o-noi-dieu-tri-f0-tai-tphcm-a8214.html