Làm việc tại nhà, dân chung cư ở TP.HCM đau đầu vì tiếng ồn

Tranh cãi tiếng ồn tại các chung cư ở TP.HCM vẫn chưa đến hồi kết. Việc thành phố giãn cách xã hội kéo dài khiến nhiều người liên tục phàn nàn về âm thanh từ hàng xóm.

tieng on o chung cu TPHCM anh 1

Từ ngày thành phố giãn cách, chị Hoàng Nguyên (cư dân Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh) đã phải nhiều lần nhờ bảo vệ lên nhắc nhở hàng xóm ở căn hộ tầng trên vì thường xuyên làm ồn, bật nhạc lớn, thậm chí cãi vã to tiếng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình chị.

“Ở nhà nhưng tôi vẫn làm việc, em gái tôi thì học online nhưng không cách nào tập trung được khi cả ngày hết nghe tiếng bằm thịt, xay đồ ăn cho đến cãi vã, mở nhạc ồn ào của hàng xóm tầng trên”, chị Nguyên bức xúc.

Dù chưa có thống kê toàn diện, nhưng trong các diễn đàn và hội nhóm chung cư ở TP.HCM, rất nhiều cư dân than phiền về tiếng ồn từ hàng xóm. Và đây cũng là vấn đề chung của các đô thị lớn trên thế giới.

Khổ vì chung cư cách âm kém

Câu chuyện stress vì tiếng ồn mùa dịch không phải điều xa lạ, trong các hội nhóm chung cư ở TP.HCM, cứ cách 2-3 ngày lại có cư dân đăng bài than phiền hàng xóm từ tầng trên cho đến ngay cạnh sinh hoạt ồn ào.

Trả lời phỏng vấn PV, chị Hoàng Nguyên chia sẻ mình đã trao đổi với hàng xóm để nhờ họ hạn chế tiếng ồn vào các khung giờ nhất định, tuy nhiên tình trạng trên vẫn không cải thiện được là bao.

“Sợ nhất là hôm nào cả nhà hàng xóm nổi hứng hát karaoke rồi cùng nhau nhảy múa, tôi ở tầng dưới nghe âm thanh đó như tra tấn vậy. Thế nên căn bệnh mất ngủ của tôi có phần trầm trọng hơn”, chị Nguyên cho biết.

tieng on o chung cu TPHCM anh 2

Cư dân ở nhà suốt mùa dịch, nhiều sinh hoạt tại chung cư có thể gây ảnh hưởng đến hàng xóm. Ảnh minh họa

Tương tự, anh Đăng Khoa (chung cư Masteri An Phú, TP Thủ Đức) cho biết từ ngày phong tỏa diện rộng, anh và vợ đều làm việc tại nhà. Tuy nhiên, nhiều tháng liền ở nhà cũng là lúc gia đình anh phải chấp nhận cảnh bị làm ồn liên tục. Anh Khoa thường xuyên nghe thấy rất nhiều tiếng động từ xê dịch bàn ghế, kéo lê đồ đạc cho đến tiếng rơi vỡ.

“Công việc của tôi đòi hỏi phải trao đổi với đối tác, từ lúc ở nhà những cuộc họp video hay bị cắt ngang bởi âm thanh lớn đột ngột khiến tôi rất khó chịu”, anh Khoa chia sẻ.

Ở tình huống ngược lại, gia đình chị N.P. (cư dân Vinhomes Central Park) lại có tới 3 con nhỏ trong tầm 3-7 tuổi nên từ ngày giãn cách, căn hộ chị đã không ít lần bị bảo vệ nhắc nhở phản ánh về vấn đề tiếng ồn.

Chị N.P. cho biết trẻ con mùa dịch ở nhà nhiều, hạn chế ra ngoài, lại khá hiếu động, nhà có 3 đứa trẻ nên lúc đùa giỡn có phần quá trớn. Khi bị hàng xóm phàn nàn chị cũng tìm cách xin lỗi, nhắc nhở và trông chừng lũ trẻ, song có những lúc vì phải làm việc nên còn lơ là.

Mặt khác, chị N.P. cũng cho rằng việc sinh hoạt gây nên tiếng động trong các khung giờ sáng và chiều là khá bình thường. Chỉ khi vào giờ trưa hoặc tối muộn nghỉ ngơi bị phản ánh thì mới hợp lý.

“Tụi nó còn nhỏ mà mình bắt ngồi yên một chỗ cũng khó, mình cũng không muốn con chỉ cắm cúi vào điện thoại nên nhiều lúc phải để các anh em tự chơi với nhau. Chủ yếu là không cho các con chạy nhảy vào buổi trưa hay tối muộn thôi”, chị P. bày tỏ.

Bên cạnh trường hợp của chị Hoàng Nguyên, anh Đăng Khoa hay chị N.P., trên hàng loạt các group cư dân chung cư như Masteri Thảo Điền, Masteri An Phú, Lexington Residence, New City... đều có nhiều tranh cãi gay gắt về vấn đề tiếng ồn.

Nhắc nhở cư dân

Không ít trường hợp hàng xóm mâu thuẫn về vấn đề tiếng ồn đã phải tìm đến sự can thiệp, giúp đỡ của ban quản lý, ban quản trị chung cư.

Chị Hoàng Nguyên cho biết ngoài việc nhờ bảo vệ lên nhắc nhở, chị cũng đang dự định sẽ báo lại với ban quản lý tòa nhà nếu hàng xóm tầng trên không hạn chế bớt tiếng ồn.

“Sinh hoạt bình thường thì tôi không có ý kiến, chứ việc bật nhạc từ sáng đến chiều thậm chí có ngày hát karaoke rồi nhảy nhót ầm ầm là việc không thể chấp nhận được”, chị Nguyên chia sẻ.

Trả lời phỏng vấn, đại diện Ban quản trị Vinhomes Central Park cho biết: "Do tình hình dịch bệnh, cư dân nhất là trẻ em ở nhà thường xuyên, việc con trẻ hiếu động, hay trong lúc vui chơi có vô tình gây nên tiếng ồn. Nhưng cũng vì lẽ đó mà cư dân nhất trí thông cảm cho nhau thời điểm này".

Ở chung cư Lexington Residence, sau khi nhận hàng loạt khiếu nại bức xúc liên quan đến tiếng ồn tại các tòa nhà, Ban quản lý chung cư đã gửi đến cư dân một số biện pháp cho vấn đề này.

Theo đó, để giảm tiếng động do việc di chuyển đồ đạc, cư dân có thể sử dụng miếng đệm, lót cao su, đính nút nhựa vào chân bàn, ghế. Đồng thời, khuyến khích các cư dân đi lại trong căn hộ bằng dép mềm hoặc chân trần trên nền nhà, hạn chế đi giày có gót, guốc. Việc ca hát, nhảy múa cũng cần được tiết chế về âm lượng, không hát karaoke, mở nhạc lớn vào các khung giờ nghỉ ngơi như buổi trưa và tối.

tieng on o chung cu TPHCM anh 3

Nhiều người bị rối loạn giấc ngủ vì những âm thanh ồn ào do hàng xóm gây nên mùa dịch. Ảnh: BBC.

Mặt khác, trong các bài đăng phàn nàn về chuyện tiếng ồn, không ít người lý giải vấn đề này một phần là do cách âm tại các chung cư kém, phần khác là do hiện tượng "búa nước" (Water Hammer Cushion) chứ không hoàn toàn từ sinh hoạt ồn ào của hàng xóm.

Theo chuyên gia của Forbes Marshall (công ty đa quốc gia chuyên về kỹ thuật hơi nước và thiết bị điều khiển), các thiết bị dùng nước (bồn cầu, vòi sen, máy lọc nước...) tắt/mở làm gia tăng đột ngột áp suất lên ống nước khiến chúng rung mạnh như búa đập. Lực này lại truyền vào trong các kết cấu của chung cư như tường, sàn... tạo nên các âm thanh khó chịu như tiếng kéo bàn ghế, tiếng bi rơi, tiếng chân chạy...

Phần lớn các âm thanh này bị khuếch đại vào ban đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của nhiều người.

Vấn đề chung của những đô thị lớn

Trong thời điểm dịch bệnh, không chỉ riêng tại Việt Nam có những phàn nàn, than vãn về tình trạng này. Theo tờ Los Angeles Times, đây là vấn đề của nhiều thành phố lớn trên thế giới như Seoul, Hong Kong, New York, Washington, D.C., London, Paris...

Thông tin từ Hội đồng môi trường Hàn Quốc công bố, khiếu nại về tiếng ồn trong thời điểm giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19 tăng hơn 60% thời điểm trước đó. Vấn đề bị phàn nàn nhiều nhất là chạy nhảy trên sàn nhà (61%), sau đó là kéo lê đồ đạc, đóng đinh vào tường, đóng cửa mạnh tay và mở nhạc to.

Thậm chí, theo Yonhap, Bộ Y tế nước này đã phải đã phải đưa ra lời xin lỗi khi tung video khuyến khích mọi người nên thư giãn bằng cách nhảy múa và ca hát trong căn hộ chung cư vào thời điểm dịch bệnh. Theo người dân Hàn Quốc, đoạn video này khiến họ khó chịu vì nghĩ đến những tiếng ồn mà các gia đình xung quanh phải chịu đựng.

tieng on o chung cu TPHCM anh 4

Tiếng ồn tại chung cư là vấn đề chung của nhiều đô thị lớn trên thế giới. Ảnh: Los Angeles Times.

Để hạn chế phần nào tình trạng khiếu nại, từ năm 2005 Hàn Quốc đã ra luật yêu cầu các tòa nhà có độ dày sàn ít nhất 21 cm để cách âm, trước đó con số này là 13,5 cm. Đây được xem là biện pháp quyết liệt của Chính phủ nước này nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho cư dân tại đô thị.

Trong khi đó, theo tờ BBC, tại nhiều thành phố lớn của Vương quốc Anh như London, Manchester, Leeds... số lượng phản ánh tiếng ồn tại các chung cư tăng vọt. Thậm chí, các chuyên gia trong Hiệp hội các nhà tư vấn tiếng ồn đã phải hỗ trợ xử lý gần gấp đôi các khiếu nại trong thời gian phong tỏa.

Còn báo cáo từ nghiên cứu của các giáo sư tại Đại học Texas chỉ ra rằng khi thành phố New York phỏng tỏa thời gian dài vì dịch bệnh, những âm thanh ồn ào từ hàng xóm, các gia đình có con nhỏ là nguyên nhân nhiều nhất dẫn đến việc khiếu nại về tiếng ồn tăng lên gấp nhiều lần.

Song, theo thông tin trên tờ The New York Times, hầu hết khiếu nại này sẽ được khuyến khích để các bên tự hòa giải với nhau. Ngoài ra, tòa án cũng có xu hướng xem tiếng ồn từ hàng xóm như một sự bất tiện không thể tránh khỏi của cuộc sống đô thị tại thành phố New York.

 

Theo: Zing

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/lam-viec-tai-nha-dan-chung-cu-o-tphcm-dau-dau-vi-tieng-on-a8275.html