Tình nguyện viên trẻ nơi “tâm dịch”
Hàng ngày Trúc trở về phòng chuẩn bị cơm tối cũng là 21h. Cô học viên lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ với Người Đưa Tin về 4 tháng qua là tình nguyện viên hỗ trợ “tâm dịch”.
Thời điểm cuối tháng 5, thành phố bùng phát dịch bệnh Covid-19, Trúc bước vào buổi học cuối cùng của lớp 10 em đã quyết định tham gia chống dịch.
Bạch Trúc ở quận Bình Thạnh nhưng khi hay tin Gò Vấp trở thành “ổ dịch” em đã âm thầm tìm cách tham gia đội tình nguyện chống dịch.
“Tôi vô tình nhìn thấy đường link tuyển tình nguyện viên của Thành đoàn Tp.HCM nên quyết định đăng ký tham gia, đến sáng hôm sau tôi được gọi. Tôi chỉ cảm thấy mình còn trẻ khoẻ thì nên đóng góp một chút nào đó cho đất nước”, nữ sinh chia sẻ. Khi đăng ký đi tình nguyện, nữ sinh gặp phải sự phản đối của gia đình. “Tôi chỉ nói với gia đình là đi công tác hậu cần, nhưng tôi đăng ký là bất cứ nhiệm vụ nào tôi cũng muốn tham gia. 5 ngày sau khi tham gia công tác hậu cần, gia đình tôi biết tôi vào “tâm dịch” Gò Vấp nên gia đình rất lo lắng, phản ứng gay gắt”, Bạch Trúc cho hay.
Nhưng trước quyết tâm của cô con gái nhỏ, bố mẹ Trúc chỉ còn biết nhắn nhủ con cẩn thận, giữ gìn sức khỏe.
“Bố mẹ ở quê Cà Mau tránh dịch, tôi ở thành phố với chị, nên giấu bố mẹ để tham gia tình nguyện. Đến khi bố mẹ biết chuyện thông qua một chương trình phát trên ti vi, bố mẹ chỉ dặn dò tôi phải hết sức cẩn thận. Vì bố mẹ nào cũng lo lắng cho sự an toàn và sức khỏe của con”, Bạch Trúc tâm sự.
Nụ cười và nước mắt
Trong cuộc trò chuyện với Người Đưa Tin, Bạch Trúc cho biết quãng thời gian 4 tháng tham gia tình nguyện chống dịch sẽ là thời gian mà cô sẽ không thể nào quên. Ở đó cô được tham gia với rất nhiều vai trò khác nhau.
Bạch Trúc nhớ lại: “Ba ngày đầu tôi trực chốt từ 6h sáng đến chiều muộn 23h đêm. Sau đó, tôitham gia đội hình điều phối lấy mẫu xét nghiệm, được tập huấn lấy mẫu và đi lấy mẫu. Có những ngày lấy mẫu xét nghiệm đến nửa đêm vì Gò Vấp kiểm soát dịch theo diện rộng, gấp rút nên chúng tôi cố gắng hết sức làm nhanh nhất có thể”.
Sau khi kết thúc đợt cao điểm lấy mẫu xét nghiệm, Bạch Trúc lại quay trở về làm các công việc khác như khuôn vác, phân chia rau củ chuẩn bị đưa đến cho người dân… Bất kể công việc gì thì nữ sinh này đều làm hết.
Sau hơn nửa tháng ở “tâm dịch” Gò Vấp, Bạch Trúc chuyển về làm tình nguyện viên tại bếp ăn Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên Tp.Hồ Chí Minh, mỗi ngày chuẩn bị khoảng 500-700 suất ăn miễn phí cho lực lượng tuyến đầu và các khu vực bị phong toả.
“Chưa bao giờ tôi sống xa nhà lâu đến vậy, tôi thấy mình trưởng thành lên rất nhiều khi tham gia hoạt động tình nguyện.”, Bạch Trúc chia sẻ.
Có tiền sử đau dạ dày, ít khi ăn nhỡ bữa nhưng kể từ ngày vào làm tình nguyện viên thì Bạch Trúc luôn có những bữa ăn vội, hay quên cả ăn cố gắng làm từ 7h30 sáng đến đêm khuya và không dám cởi bộ đồ bảo hộ ra để ăn vì muốn tiết kiệm bộ đồ bảo hộ.
“Tiết trời Sài Gòn khi đó rất nóng, mặc bộ đồ bảo hộ rất mệt có những hôm tôi lấy mẫu xét nghiệm mà kính chắn đổ quá nhiều mồ hôi không nhìn thấy đường. Hay có một chị đồng đội kiệt sức nhưng khi đó chúng tôi đã tiếp xúc với F0 hết nên không thể nào lại gần để đỡ chị mình dậy. Cảm giác nghẹn đắng, bất lực khi thấy đồng đội của mình ngã mà không thể dang tay ra đỡ được”, nữ sinh nói.
Buồn vui theo những thời gian đi làm tình nguyện có lẽ là dấu ấn không thể nhạt phai, nó sẽ theo ký ức của trúc đi suốt cuộc đời.
Bạch Trúc khẽ nhỏ nhẹ nói: “Thời điểm lấy mẫu xét nghiệm, có lúc đông và quá tải nên người dân phải chờ đợi đã nặng lời mắng chúng tôi. Tôi cảm thấy tủi thân và có chút chạnh lòng. Tuy nhiên, nhờ sự an ủi, động viên của mọi người tôi cũng vực lại tinh thần bởi tôi biết ngoài kia vẫn còn nhiều người cần chúng tôi giúp đỡ. Tôi không chỉ phục vụ một nhóm nhỏ mà còn làm vì nhiều người khác nữa. Và, cũng có những người dân cảm ơn chúng tôi, quan tâm “mấy đứa trẻ” bằng thùng nước mát. Những lúc như thế, thấy tôi thấy được động viên, an ủi nhiều lắm”.
Tôi hỏi Trúc định làm tình nguyện viên đến khi nào? Bạch Trúc đáp lời thẳng thắn không chút do dự: “Khi nào thành phố hết dịch thì mới thôi”.
“Tôi chỉ mong sao thành phố sớm hết dịch, để cho mọi người mọi nhà được quay trở lại nhịp sống bình thường, hối hả, nhộn nhịp như xưa”, Bạch Trúc bày tỏ mong muốn.
Theo: Người Đưa Tin
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/nu-sinh-tuoi-17-giau-gia-dinh-di-chong-dich-a8322.html