Báo cáo Tình hình Kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng của năm 2021 do Cục Thống kê TP.HCM phát hành cho thấy: Số lượng giấy phép và vốn đăng ký cấp mới của doanh nghiệp trong 15 ngày đầu tháng 9 năm 2021 (từ ngày 1/9 đến ngày 15/9) là 259 doanh nghiệp thành lập với vốn đăng ký là 6.673 tỷ đồng, so với tháng cùng kỳ năm trước thì số giấy phép giảm đến 82,6% và số vốn cũng giảm 55%.
Lũy kế từ ngày 1/1 đến 15/9, TP.HCM đã cấp phép 22.333 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 376.589 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép giảm 23,3% và vốn giảm 43,5%.
Trong số này công ty thành lập mới, đa phần là công ty TNHH với 19.201 đơn vị, chiếm 86% trong tổng số doanh nghiệp được cấp phép mới, tăng 23,3% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt 208.849 tỷ đồng, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cổ phần có 2.952 đơn vị, giảm 24%; vốn đăng ký 167.588 tỷ đồng, giảm 65,3% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp tư nhân có 178 đơn vị, vốn đăng ký đạt 150 tỷ đồng; số giấy phép giảm 4,3% và số vốn giảm 38,3%.
Lĩnh vực các doanh nghiệp đăng ký chủ yếu là khu vực công nghiệp, xây dựng (4.226 doanh nghiệp), khu vực thương mại, dịch vụ (18.004 doanh nghiệp), thương nghiệp (8.578 doanh nghiệp)…
Ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Thống kê TP.HCM cho biết: “Kết quả khảo sát về xu hướng sản xuất kinh doanh quý III của 432 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận nhiều doanh nghiệp cho rằng sẽ tốt hơn trong quý IV”.
Theo khảo sát có 9,8% số doanh nghiệp nhận định rằng hoạt động SXKD quý III/2021 so với quý II/2021 tốt lên và giữ ổn định (2,1% doanh nghiệp đánh giá tốt lên và 7,7% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định). Còn lại 90,2% doanh nghiệp cho rằng SXKD có khó khăn hơn.
Dự báo tình hình quý IV/2021 so với quý III/2021, có 48,9% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định (26,6% tốt hơn, 22,3% giữ ổn định), tỉ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn là 51,1%.
Chi phí sản xuất bị tác động mạnh mẽ nhất
Về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp trong quý III/2021, có 55,3% doanh nghiệp trả lời nhu cầu thị trường trong nước thấp là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp.
46,6% doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu và 37,8% doanh nghiệp chọn tính cạnh tranh của hàng trong nước cao.
Bên cạnh đó, có 34,7% doanh nghiệp nhận xét khó khăn về tài chính gây ảnh hưởng, 26,1% doanh nghiệp đánh giá việc không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu, 20,9% doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao….
Biến động của các yếu tố đầu vào như số lượng đơn đặt hàng mới tăng là nhân tố quan trọng dẫn đến khối lượng sản xuất của các doanh nghiệp tăng trở lại.
Cụ thể, trong quý III/2021, chỉ có 13,4% số doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý II/2021 (2,4% tăng và 11,0% giữ nguyên), 86,6% doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới giảm.
Dự báo số lượng đơn hàng mới quý IV/2021 so với quý III/2021, 50,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (24,9% tăng và 25,7% giữ nguyên) và 49,4% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới giảm.
Phân theo ngành kinh tế, một số ngành có tỉ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn đặt hàng quý III/2021 tăng so với quý II/2021 như: Sản xuất chế biến thực phẩm 12,5%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học 11,1%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 7,1%, công nghiệp chế biến, chế tạo khác 7,1%.
Chi phí sản xuất là một trong những nhân tố bị tác động mạnh mẽ nhất do dịch và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Theo nhận định của các doanh nghiệp về chi phí sản xuất, có 72,1% số doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm chính quý III/2021 so với quý II/2021 tăng và giữ nguyên (34,8% tăng và 37,3% giữ nguyên), 27,9% doanh nghiệp đánh giá giảm.
Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 có 72,2% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm chính tăng và giữ nguyên (27,8% tăng và 44,4% giữ nguyên), 27,8% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất giảm.
Dự kiến kết quả đầu ra như khối lượng sản xuất theo kết quả khảo sát quý III/2021, chỉ có 11,0% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý II/2021 (1,9% tăng và 9,1% giữ nguyên), 89% doanh nghiệp đánh giá giảm.
Khối lượng sản xuất của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo quý IV/2021 so với quý III/2021, có 50,4% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (25,9% tăng và 24,5% giữ nguyên), 49,6% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Đối với giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý III/2021 của nhiều doanh nghiệp tăng hơn so với quý II/2021. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên là 72% (21,2% tăng và 50,8% giữ nguyên), 28,0% doanh nghiệp nhận định giảm.
Dự báo, tỉ lệ này ở quý IV/2021 so với quý III/2021 là 76,2% (19,2% tăng và 57,0% giữ nguyên), có 23,8% doanh nghiệp dự báo giá bán bình quân giảm.
Thanh Tùng
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/du-bao-tinh-hinh-hoat-dong-cua-doanh-nghiep-tai-tphcm-quy-iv-nam-2021-a8396.html