Khách ăn, uống tại chỗ phải thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế trong phòng, chống COVID-19.
Đó là nội dung trong dự thảo trình UBND TP.HCM của Ban quản lý an toàn thực phẩm TP hướng dẫn tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 với cơ sở dịch vụ ăn uống.
Không hạn chế người đến
Như vậy, bộ tiêu chí không bắt buộc quy định số người được đến cơ sở kinh doanh trong một thời điểm. Thay vào đó đưa ra tiêu chí tùy vào cấp độ dịch nơi kinh doanh, cơ sở thực hiện hạn chế số người bán, người mua thực phẩm cùng một thời điểm sẽ theo hướng dẫn của ngành y tế.
Đáng lưu ý, dù không quy định cụ thể giãn cách 2m và thời gian hoạt động nhưng bộ tiêu chí mới quy định người lao động, người đến cơ sở (giao nhận hàng, khách hàng…) phải tuân thủ nguyên tắc "5K", quét mã QR và thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế trong phòng, chống dịch COVID-19.
Các cơ sở cũng phải có kế hoạch và tự chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện cơ quan chức năng cho biết trước mắt chỉ mới yêu cầu người lao động, người đến cơ sở phải khai báo y tế, quét mã QR, chưa bắt buộc xét nghiệm và kết quả xét nghiệm âm tính.
Sau này tùy vào cấp độ dịch ở mỗi địa phương, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 sẽ có chỉ đạo cụ thể.
Về lý do chưa cho bán rượu bia, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho rằng bia rượu sẽ khiến khách giao tiếp nhiều, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao hơn nên quy định không bán mặt hàng này là hợp lý.
Đồng thời, với thực trạng tình hình dịch bệnh mỗi địa phương mỗi khác, việc chia theo vùng, theo cấp độ dịch giúp phù hợp với thực tế, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
"Lực lượng chức năng của đơn vị ở từng quận huyện sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các điểm kinh doanh ăn uống khi thực hiện cho bán tại chỗ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm" - bà Lan khẳng định.
Vui mừng nhưng chưa thật "thông"
Sáng 24-10, lần đầu tiên sau nhiều tháng "ngủ đông", ông Hà Bình Kha - chủ nhà hàng Hai Châu (quận Gò Vấp) - hớn hở cho biết nhà hàng đã có "hơi thở" trở lại. Ông đã cho nhập về vài chục ký thịt, rau củ quả các loại và khởi động lại khu bếp, lau chùi chén bát, bàn ghế để sẵn sàng phục vụ khách khi được phép.
Theo ông Kha, biết giai đoạn đầu khách sẽ chưa nhiều nhưng việc được bán tại chỗ sẽ giúp tăng nhanh doanh thu so với chỉ bán mang về.
Bên cạnh nhiều hàng quán tất bật chuẩn bị thì vẫn còn không ít hàng quán ở TP.HCM đóng cửa, nghe ngóng thêm tình hình vì lo ế, bởi 5K có thể vẫn là giãn cách tối thiểu 2m.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Thanh - chủ một nhà hàng tại quận Bình Thạnh - lại chưa đồng tình với quy định không cho bán rượu bia: "Tại quán cà phê thì khách cũng ngồi uống cà phê và giao tiếp với nhau cả tiếng. Tại sao cà phê cho bán còn bia rượu thì không?".
Theo ông Thanh, nếu không cho bán như bình thường thì chỉ nên hạn chế.
Đó là nội dung trong dự thảo trình UBND TP.HCM của Ban quản lý an toàn thực phẩm TP hướng dẫn tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 với cơ sở dịch vụ ăn uống.
Bán tại chỗ trước khi có quy định
Theo ghi nhận ngày 24-10, dù TP chưa có quyết định chính thức cho bán tại chỗ nhưng một số hàng quán đã rục rịch cho khách ngồi tại chỗ.
Theo anh M. - chủ quán cà phê tại Bình Thạnh, cứ tưởng TP cho bán tại chỗ rồi nên nhận khách. Tuy nhiên, quán chỉ có số ít khách vào và ngồi giãn cách nhau khá xa.
Tương tự, để khách ngồi tại quán, một người bán cơm tại quận Gò Vấp cho biết chủ yếu khách là shipper xin ngồi lại chốc lát để ăn rồi đi làm nên châm chước.
"Mong sớm có quyết định cho bán lại để còn sắp xếp" - vị này nói.
6 tiêu chí để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở TP.HCM được hoạt động:
1. Cơ sở phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và có đăng ký mã QR tại đại chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.
2. Đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở phải thực hiệ- đúng theo quy định (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người…)
3. Các cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế; bố trí khu vực giao – nhận sản phẩm; trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay và có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô tay sử dụng 1 lần.
4. Người lao động, người đến cơ sở (người giao hận hàng, khách hàng, người liên hệ cơ sở…) phải tuân thủ nguyên tắc 5K, phải thực hiện quét mã QR và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 (khai báo y tế, tiêm ngừa vắc xin,thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính với COVID-19…)
5. Tùy vào cấp độ dịch tại nơi kinh doanh, cơ sở thực hiện hạn chế số lượng người bán, mua thực phẩm cùng một thời điểm theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch.
6. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ: không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín; không bán rượu, bia. Khách ăn, uống tại chỗ phải đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn ngành y tế trong phòng chống dịch COVID-19.
Theo: Tuổi Trẻ
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/mo-ban-tai-cho-o-tphcm-khong-may-lanh-khong-ruou-bia-a8640.html