Nghề lạ: Vào vườn "ngửi mít", mỗi năm "đút túi" cả trăm triệu đồng

Mỗi ngày, theo chân thương lái vào vườn mít, những người làm nghề này có thể kiếm được cả triệu đồng.

Những năm gần đây, mít Thái được coi là cây trồng chủ lực tại một số tỉnh Nam Bộ. Mít thương phẩm được thu mua giá cao nên nhiều nhà vườn đã chuyển đổi sang trồng mít Thái. Đặc biệt, khoảng 4 năm trở lại đây, mít thương phẩm được thương lái thu mua tận vườn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá cao, từ 25.000-45.000 đồng/kg, thậm chí lên đến 50.000-60.000 đồng/kg, tùy chính vụ hay nghịch vụ.

Mít bán được giá cao đồng nghĩa với việc số lượng thương lái đến tận vườn để mua gom mít ngày càng nhiều. Những người làm nghề “ngửi mít thuê” cũng xuất hiện từ đó.

Nhiệm vụ của họ là sẽ cùng thương lái đến vườn để xác định độ già của mít, giảm thiểu rủi ro mua phải mít non hay mít nhiều xơ đen. Ngoài ra, người "ngửi mít thuê" cũng hỗ trợ chủ vườn hái mít, chất lên xe.

Người ngửi mít thuê thường “có tiếng tăm” trong giới buôn mít bởi họ có kinh nghiệm. Mỗi ngày, theo chân thương lái hành nghề, họ có thể kiếm được cả triệu đồng.

Xã hội - Nghề lạ: Vào vườn 'ngửi mít', mỗi năm 'đút túi' cả trăm triệu đồng

Theo anh Ngọc, không phải ai cũng làm được nghề "ngửi mít", nếu hái trúng trái còn non, bị xơ đen không ngon thì không ai dám thuê nữa.

Anh Lê Văn Ngọc, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú (Bình Phước), người chuyên đi “ngửi mít thuê” gần 10 năm nay, chia sẻ với Dân Việt: “Dựa vào kinh nghiệm đã có của bản thân nên khi đi với thương lái đến gần vườn mít là tôi biết vườn này đã già hay chưa. Nhiều người tỏ ra bất ngờ khi ngay cả chủ vườn còn không biết chính xác bằng tôi”.

Theo anh Ngọc, để biết được chính xác vườn mít đã già hay chưa thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là dựa vào mùi thơm của vườn mít để biết vườn đó có ngon hay không. Thứ hai là dựa vào mắt thường, quan sát cuống mít và lá trên cuống trái mít.

Nếu thấy chiếc lá đó ngả vàng, có đốm thì 90% là trái đó đã già, có thể hái và sẽ chín sau 3-4 ngày. Để chắc ăn, người ngửi mít thuê có thể lấy mũi dao Thái Lan chích nhẹ vào cuống. Nếu mủ mít chảy ra nhanh và trong thì trái đó sắp chín, ngược lại nếu nhiều mủ và chảy chậm thì chưa hái được.

Để biết quả mít đó có bị xơ đen hay không, theo anh Ngọc, những trái mít mọc ra từ gốc và thân sẽ dễ bị xơ đen hơn những trái mọc ở các cành và trên ngọn. Ngoài ra, nếu nhìn bên ngoài, những trái có núm đều đặn, căng chứ không co lại, gai to thì 70% là không có xơ đen.

Nói thì dễ nhưng nghề này không phải ai cũng làm được, nếu hái trúng trái còn non, bị xơ đen không ngon thì không ai dám thuê nữa.

Vào vụ mít, anh Ngọc tất bật cả ngày đi cùng thương lái. Trung bình mỗi ngày anh đi khoảng 2-3 vườn, cùng với hái mít thuê, anh có thể kiếm được cả triệu đồng. Từ nghề độc lạ này, mỗi năm anh có thể kiếm được cả trăm triệu đồng.

Tương tự "ngửi mít thuê", ở tỉnh Đăk Nông cũng có nghề “giám định” sầu riêng vô cùng độc đáo. Có người gõ cán dao vào trái sầu riêng để nghe tiếng đoán chất lượng, người thì dùng dao xâm trực tiếp vào trái để ngửi, nếm… xem trái đó chín hay chưa, chất lượng thế nào để “xuất xưởng”.

Anh Nguyễn Hồng Đức (thôn Đức Sơn, Xã Đức Mạnh, Đăk Mil, Đăk Nông), người có nhiều năm kinh nghiệm “giám định” sầu riêng bằng cách dùng dao gõ chia sẻ với Dân Trí: “Khi thử phải tập trung lắng nghe âm thanh, kèm theo cảm giác, kinh nghiệm để có thể phân ra thành từng loại. Âm thanh bộp bộp là sầu riêng chín, tiếng nghe “mềm” hơn một chút là trái hạt lép, loại có giá trị cao. Còn trái nào gõ vào nghe cong cong là còn xanh”. Với cách này anh có thể phân loại với độ chính xác đến 95%. 

Xã hội - Nghề lạ: Vào vườn 'ngửi mít', mỗi năm 'đút túi' cả trăm triệu đồng (Hình 2).

Chị Trương Thị Kim Châu có nhiều năm kinh nghiệm thử sầu riêng bằng cách dùng dao xâm vào trái.

Chị Trương Thị Kim Châu (ở thôn Đức Sơn, xã Đức Mạnh, Đăk Mil, Đăk Nông) thì chuyên thử sầu riêng bằng cách dùng dao xâm vào trái rồi rút dao ra, quan sát phần cơm dính trên dao, ngửi, nếm. Cơm thơm và ngọt là trái sầu riêng ngon; nước dính nhiều trên dao là trái sầu riêng bị sượng; không có cơm thì trái sầu riêng bị sống. Cách thử này chị Châu đã làm suốt nhiều năm nay, đây cũng là cách mà rất nhiều thợ thử sầu riêng sử dụng.

Một thợ chuyên thử sầu riêng khác tiết lộ: “Những người thử sầu riêng là những người ngoài kiểm tra chất lượng hàng còn kiêm luôn phần phân loại hàng để xuất đi, người quyết định đến uy tín của điểm thu mua.Nếu thử không chính xác, phân loại không đúng thì rất dễ mất uy tín với khách hàng”.

Sầu riêng được phân thành 2 loại, loại nhì cơm nhạt dùng để nhập cho hàng kem (thu mua để sản xuất kem), loại nhất cơm vàng, thơm ngon. “Trái sầu riêng rụng thì sẽ thơm và cơm vàng còn sầu riêng hái trên cây, đem ủ thì sẽ không thơm và cơm trắng. Khó nhất trong việc thử vẫn là làm sao để phân ra được loại nào hạt lép, loại nhiều hạt”, người này nói.

Nhưng dù thử bằng cách dùng dao xâm hay gõ thì hàng sầu riêng nhập đi có điểm khá đặc biệt là nếu hàng kém chất lượng thì có thể trả về, chính vì thế khâu thử, kiểm tra phân loại sẽ quyết định đến việc kinh doanh mặt hàng này.

Theo: Người Đưa Tin

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/nghe-la-vao-vuon-ngui-mit-moi-nam-dut-tui-ca-tram-trieu-dong-a8686.html