Vợ chồng Thủy Tiên trao quà cứu trợ cho người dân huyện Hưng Nguyên, Nghệ An ngày 3-11-2020 - Ảnh: T.CƯỜNG
Ngày 27-10-2021, Chính phủ đã ban hành nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (nghị định 93).
Không để người tốt nản lòng
Nhiều chuyên gia hy vọng rằng sau khi nghị định 93 được ban hành thì những vụ việc phát sinh trong hoạt động từ thiện của những người nổi tiếng sẽ được xử lý dưới góc độ hành chính, dân sự, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội tham gia hoạt động từ thiện thay vì làm họ nản lòng.
Ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - cho rằng trong bối cảnh hiện nay nên chia những cá nhân quyên góp làm từ thiện thành 2 nhóm. Thứ nhất là những người cố tình "ăn chặn" từ thiện thì mới xử lý hình sự.
Trường hợp thứ hai, họ quyên góp từ thiện nhưng do lỗi kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm như phát trùng tiền ủng hộ tại các địa phương thì không nên truy tố.
Với đặc thù của một đất nước nhiều thiên tai, một số chuyên gia cho rằng Việt Nam rất cần những người nổi tiếng đứng ra huy động, quyên góp tiền từ thiện để giúp đỡ người dân gặp khó khăn do thiên tai.
Chẳng qua do khung pháp lý chưa rõ ràng nên các cá nhân làm từ thiện tại Việt Nam chưa chuyên nghiệp, các cơ quan quản lý nên khuyến khích cá nhân làm từ thiện chuyên nghiệp hơn thay vì "dọa dẫm" khiến họ nản lòng.
Hiện nay, các sở nội vụ địa phương được giao quản lý hoạt động quyên góp, làm từ thiện thì nên giao cho cơ quan này phối hợp với chính quyền ở cơ sở khi có khiếu nại phát sinh.
Ví dụ vụ việc của ca sĩ Thủy Tiên làm từ thiện tại Nghệ An, khi có khiếu nại về hoạt động của họ thì Sở Nội vụ Nghệ An có thể phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã thực hiện thanh tra, kiểm tra, trước khi nghĩ tới chuyện đưa công an vào điều tra.
Các nghệ sĩ làm từ thiện là những người nổi tiếng, cơ bản là người tốt, chẳng qua họ chưa ý thức được hết các vấn đề về mặt kỹ thuật, về trách nhiệm báo cáo, minh bạch giải trình chi tiêu thì nên hướng dẫn họ thực hiện cho đúng đã thay vì đưa cơ quan công an vào cuộc xác minh, điều tra.
Theo nghị định 93, bên cạnh các tổ chức như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, cơ quan, ban ngành, các cơ quan thông tin đại chúng... được vận động, tiếp nhận từ thiện như trước đây, Chính phủ khuyến khích tất cả các cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Chính phủ cũng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện theo tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái.
Tuy nhiên, việc vận động phải theo nguyên tắc tự nguyện, không được phép đặt ra mức tối thiểu để yêu cầu phải đóng góp. Việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp phải đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng.
Đồng thời, Chính phủ cũng nghiêm cấm việc báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật. Nghiêm cấm việc chiếm đoạt, phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian và trục lợi cá nhân.
Chỉ nên xử lý những cá nhân có biểu hiện trục lợi rõ ràng như đem hàng tỉ đồng quyên góp gửi tiết kiệm ngân hàng, hoặc chi không đúng mục đích từ thiện. Khi không có những bằng chứng rõ ràng việc họ lợi dụng làm từ thiện để trục lợi, chi sai mục đích thì công an không nên can thiệp. - ông NGUYỄN QUANG ĐỒNG
Mở tài khoản riêng tiếp nhận quyên góp
Cũng theo nghị định 93, khi vận động quyên góp từ thiện, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận tiền, địa điểm tiếp nhận hiện vật, thời gian cam kết phân phối khoản tiền, hiện vật huy động được.
Các cá nhân huy động tiền làm từ thiện cũng phải gửi văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu Chính phủ ban hành kèm theo nghị định 93. UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu để theo dõi, kiểm tra và xử lý khi có vi phạm.
Đồng thời, khi vận động quyên góp từ thiện, các cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận và phải có biên nhận các khoản đóng góp khi người đóng góp yêu cầu.
Không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Cũng theo quy định mới của Chính phủ, cá nhân huy động tiền để làm từ thiện có trách nhiệm thông báo với UBND các cấp nơi tiếp nhận hỗ trợ.
Và chậm nhất trong 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với ban vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Cá nhân huy động tiền làm từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày.
Có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.
Công khai số tiền, hiện vật đã quyên góp
Theo quy định Chính phủ vừa ban hành, người quyên góp tiền từ thiện phải công khai văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động đóng góp tiền, hiện vật, công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật, công khai kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.
Đặc biệt người làm từ thiện phải công khai tổng số tiền, hiện vật đã tiếp nhận sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thời gian tiếp nhận. Công khai tổng số tiền, hiện vật đã phân phối sau 30 ngày kể từ khi kết thúc thời gian phân phối, sử dụng tiền quyên góp từ thiện. Và phải công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ ngay từ khi bắt đầu phát tiền, hiện vật.
Cần quy định rõ ràng hơn
Về các quy định minh bạch, giải trình các khoản quyên góp, chi tiêu tiền từ thiện, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng nghị định ban hành rồi nhưng vẫn còn những điểm chưa thực sự phù hợp.
Với số tiền lớn thì hãy nên quy định cá nhân quyên góp, làm từ thiện phải báo cáo UBND các cấp, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về số tiền quyên góp, đã phân phát ra sao.
Ông Đồng dẫn kinh nghiệm tại Vương quốc Anh thì số tiền quyên góp từ 50.000 bảng Anh trở lên phải đăng ký tổ chức, phải báo cáo cơ quan quản lý. Do vậy nếu số tiền quyên góp chỉ có 10 - 15 triệu đồng mà bắt báo cáo thì thủ tục quá phức tạp. Nên quy định theo quy mô, số tiền, quyên góp làm từ thiện theo hạn mức nhất định chứ không thể quy định chung chung.
"Tại Anh, khi quyên góp số tiền cả trăm tỉ đồng như vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên, thì các cá nhân buộc phải lập ra tổ chức từ thiện chuyên nghiệp để phân phát. Bên cạnh đó, họ phải tiến hành kiểm toán độc lập việc sử dụng nguồn tiền đã quyên góp. Với Việt Nam, số tiền quyên góp 100 triệu trở lại thì không nên yêu cầu báo cáo", ông Đồng nói.
Còn theo luật sư Nguyễn Tiến Lập (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cần làm rõ hai trường hợp kêu gọi đóng góp tự nguyện đại chúng trên các phương tiện thông tin đại chúng, những người không quen biết cũng chuyển tiền đến tài khoản đóng góp tự nguyện. Tất cả các nước đều quy định trường hợp này phải minh bạch hóa, công khai hóa, điều này hoàn toàn đúng.
Còn với trường hợp cá nhân quyên góp làm từ thiện nhưng họ không công khai trên Facebook cá nhân hay các phương tiện truyền thông đại chúng, họ chỉ quyên góp của những người quen.
Những người thân quen ủy thác cho cá nhân đi làm từ thiện, trao cho một địa phương, một cá nhân nào đó thì không cần thiết phải thông báo công khai hay báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước địa phương.
Bởi trường hợp này là quan hệ dân sự thuần túy, người làm từ thiện và những người đóng góp là người quen biết, đã có thỏa thuận dân sự nên không cần công khai. "Những quy định trong nghị định cần phân biệt rõ điều này, mập mờ là không nên. Vì bản chất hai trường hợp quyên góp từ thiện này rất khác nhau", luật sư Nguyễn Tiến Lập nhấn mạnh.
Theo: Tuổi Trẻ
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/phai-minh-bach-nguon-tien-tu-thien-a8689.html