Khi Hàn Quốc chuyển hướng sang “sống chung với Covid-19”, hoesik là một trong những điều đầu tiên quay trở lại, theo Korea Herald.
Sau gần 1,5 năm gián đoạn, sự trở lại của các bữa ăn nhậu sau giờ làm, thường liên quan đến say xỉn và vấp phải phản ứng trái chiều từ dân công sở, được hoan nghênh bởi ngành khách sạn và chủ doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Tại nhà hàng đồ nướng Blue Roof Town ở quận Mapo của Seoul, một trong những khu vực nổi tiếng để tụ tập sau giờ làm việc, số lượng đặt chỗ tăng lên sau quyết định của chính phủ cho phép tụ tập 10 người ở Seoul và các khu vực lân cận từ ngày 1/11.
“Việc đặt chỗ cho hoesik đã kín đến hết tháng này. Các nhóm ăn nhậu 6-8 người là điều chúng tôi chưa thấy cho đến gần đây”, Song, quản lý nhà hàng, cho biết.
Ngày 1/11, lệnh giới nghiêm ban đêm tại các quán bar và nhà hàng được dỡ bỏ theo kế hoạch “sống chung với Covid-19” của chính phủ Hàn Quốc. |
Các công ty sản xuất rượu cũng đang chào đón sự thay đổi này. Tháng trước, Oriental Brewery tổ chức sự kiện tiếp thị cho loại đồ uống hàng đầu của mình. Trong khi đó, HiteJinro chứng kiến một số nhà hàng đặt số lượng lớn hơn bình thường.
Chae (40 tuổi), nhân viên giám sát tại công ty điện tử Nhật Bản, rất vui khi hoesik trở lại. Với anh, các bữa nhậu giúp thắt chặt tình đồng nghiệp.
“Sau 1,5 không có hoesik, tôi thực sự thấy văn hóa này cần trở lại. Hoesik không chỉ là vài giờ nhậu nhẹt vô bổ mà còn là cách để giao tiếp và tăng cường làm việc nhóm. Ngoài ra, tôi cũng không có cơ hội làm quen với những nhân viên mới được tuyển dụng trong năm nay”, Chae nói.
Sagong Byung-yong (30 tuổi), làm việc tại công ty kế toán ở quận Yongsan, cho biết anh đã lên lịch tổ chức cuộc thi hoesik ở Hannam-dong, trung tâm Seoul, ngay sau khi lệnh giãn cách được nới lỏng.
“Tại công ty, tôi thấy ngày càng nhiều người tổ chức hoesik cỡ nhỏ cho 6-8 người”, anh nói.
Tuy nhiên, phản ứng đối với việc hoesik trở lại khác nhau giữa các thế hệ. Trong khi những người lớn tuổi cảm thấy hào hứng, nhiều thanh niên lại tỏ ra lo lắng.
“Sau khi tan sở, tôi muốn dành thời gian tập thể dục và đến các lớp học CrossFit. Tôi lo rằng hoesik có thể cản trở thói quen lành mạnh mà tôi cố gắng xây dựng gần đây”, Ji Yeong-gyu (34 tuổi), làm việc tại công ty con của Samsung, cho biết.
Đường phố Hongdae ở Mapo-gu, phía tây Seoul, nhộn nhịp người qua lại tối 1/11. |
Trong khi đại dịch có thể thay đổi cách các công ty thực hiện hoesik, Lim (33 tuổi), nhân viên văn phòng, tin rằng văn hóa này sẽ không bao giờ mất đi.
“Tôi hy vọng những thói quen không hợp vệ sinh như dùng chung ly sẽ biến mất trong giai đoạn ‘sống chung với Covid-19’. Thế nhưng, hoesik là một phần của cuộc sống văn phòng Hàn Quốc và điều đó sẽ không biến mất”, Lim nói.
Ở khía cạnh khác, Ahn Dong-hyun, GS tại khoa Kinh tế - Đại học Quốc gia Seoul, cho biết nỗ lực của các chủ doanh nghiệp nhỏ trong các lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, lưu trú và du lịch, cần được ghi nhận.
“Phần lớn thành công của lệnh phong tỏa ở Hàn Quốc là nhờ sự hy sinh của những người như chủ doanh nghiệp nhỏ. Họ xứng đáng nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ chính phủ”, ông nói.
Khi chính phủ chuẩn bị tiến hành các bước tiếp theo để mở cửa trở lại nền kinh tế, GS Ahn cho biết tình hình xung quanh đại dịch Covid-19 đã thay đổi.
“Lúc đầu, việc phòng ngừa là quan trọng hàng đầu. Nhưng với tỷ lệ tử vong đang giảm xuống, các khía cạnh như kinh tế và cuộc sống bình thường mới không thể bị coi thường”, ông nói.
Thiên Nhi
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/van-hoa-ep-nhau-o-han-tro-lai-a8776.html