Sáng 11/12, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) ra mắt. VNX là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Các công ty con trực thuộc VNX gồm Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE).
Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam ra đời với mục tiêu thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường. Việc hợp nhất các Sở cũng góp phần tăng quy mô, vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam, hội tụ đủ tiêu chuẩn để hội nhập, thu hút dòng vốn đầu tư trong nước, ngoài nước.
Tại buổi lễ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn ngành chứng khoán nói chung và VNX nói riêng phấn đấu, nỗ lực cao hơn nữa, đổi mới, nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban chứng khoán, VNX phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương, các doanh nghiệp niêm yết, các tổ chức, cá nhân đầu tư tập trung rà soát lại chiến lược phát triển thị trường, khuôn khổ pháp lý, tăng cường quản lý, giám sát, đẩy mạnh tái cấu trúc; hiện đại hóa hạ tầng công nghệ...
Về lý do thành lập VNX, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết, hai Sở HNX và HoSE có những nhiệm vụ tương đối độc lập, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, tạo ra một thị trường chứng khoán toàn diện và tổng thể, từng bước tiếp cận tới chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, khi thị trường phát triển đến một cấp độ nào đó, sự giao thoa trong một số hoạt động của hai Sở đã làm giảm đi gia tốc phát triển.
Chẳng hạn, hai Sở đang có sự giao thoa về sản phẩm khi đều tổ chức vận hành thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, hai Sở lại chưa có sự đồng bộ về cơ chế, phương thức giao dịch, kỹ thuật giao dịch... Hay với hạ tầng công nghệ, mỗi Sở đều có những kiến trúc riêng của mình - đòi hỏi thành viên thị trường duy trì hệ thống kết nối độc lập.
"Đây lại là yếu tố mang tính xương sống, quyết định cho sự phát triển của thị trường về sản phẩm, tiện ích và đòi hỏi sự thống nhất", ông Long nói.
Minh Sơn
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/ra-mat-so-giao-dich-chung-khoan-viet-nam-a8884.html