Trần Ngọc Bích và những người bạn khoa Sử khóa 13

Gần 20 năm, tôi vinh hạnh gần gũi giúp việc và làm báo cùng cố nhà báo lão thành cách mạng Đỗ Phượng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng - Tổng giám đốc TTXVN. Cũng bằng đó thời gian, tôi vinh hạnh được gặp gỡ, tiếp xúc và quen biết với nhiều nhà báo, nhân sĩ, trí thức, nhà văn hoá là bạn bè, đồng nghiệp của ông qua các thời kỳ.

Trong hành trình hơn 70 năm cầm bút với “Nghề báo và những kỷ niệm khó quên” của cố nhà báo lão thành Đỗ Phượng, thì lớp phóng viên Giải phóng thứ 10 (GP10) luôn để lại trong ông niềm tự hào về những phóng viên chiến trường, một "thế hệ vàng" đã trở thành danh hiệu, góp phần tô thắm, làm rạng danh truyền thống vẻ vang của Thông tấn xã giải phóng (TTXGP) và TTXVN.

tranngocbich-1675392586.jpg
Ông Trần Ngọc Bích (1950 – 2009)

 

Trong hành trình hơn 70 năm cầm bút với “Nghề báo và những kỷ niệm khó quên” của cố nhà báo lão thành Đỗ Phượng, thì lớp phóng viên Giải phóng thứ 10 (GP10) luôn để lại trong ông niềm tự hào về những phóng viên chiến trường, một "thế hệ vàng" đã trở thành danh hiệu, góp phần tô thắm, làm rạng danh truyền thống vẻ vang của Thông tấn xã giải phóng (TTXGP) và TTXVN.

Cố nhà báo Đỗ Phượng từng chia sẻ, vào mùa Thu năm 1972, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí Thư và Thủ tướng Chính phủ, ông thay mặt lãnh đạo TTXVN trực tiếp tuyển chọn 149 sinh viên vừa tốt nghiệp các trường: Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Ngoại giao, Đại học Ngoại ngữ để bổ túc nghiệp vụ cấp tốc mang phiên hiệu GP10 rồi chi viện cho cách mạng miền Nam đang trong giai đoạn quyết liệt nhất và quyết định nhất - trận đánh cuối cùng - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Trong số những phóng viên chiến trường của GP10 có nhiều cựu sinh viên khoa sử khoá 13 của Đại học Tổng hợp Hà Nội về sau đã trở thành những cây bút được nể trọng của TTXVN, suốt đời gắn bó với sự nghiệp báo chí như các nhà báo: Vũ Xuân Bân, Lê Doãn Tặng, Phạm Nhật Nam, Đoàn Việt, Phan Đình Khôi, Đinh Thị Minh Huệ, Nguyễn Thị Thu Hương...”, ông Phượng tự hào nói.

Từ những mến cảm về lớp phóng viên GP10 cầm bút nơi chiến trường qua lời kể của ông Phượng, không chỉ đưa tôi ngày một đến gần hơn với nghề báo mà còn giúp tôi có được những mối nhân duyên quan trọng trong cuộc đời này.

Số là, ngày 05/11/2006, tôi theo Minh Châu về huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh để ra mắt gia đình bạn gái. Sau khi nghe tôi giới thiệu qua về chỗ làm hiện tại, bố của bạn Minh Châu là ông Trần Ngọc Bích đã gọi điện ngay cho người bạn thân nhất cùng học khoa Sử khoá 13 - Đại học Tổng hợp Hà Nội là Nhà báo Vũ Xuân Bân, khi đó là Trưởng Ban tin trong nước, là một trong những Ban biên tập chủ lực của TTXVN, cơ quan báo chí hàng đầu đất nước để hỏi về tôi.

Một sự trùng hợp đến khó tin khi người bố vợ tương lai của tôi lại hỏi đúng người biết rõ những thông tin đầy đủ nhất về tôi, khiến người bố vợ tương lai của tôi hài lòng ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Và cũng từ cơ duyên đó, ông đã say sưa kể với tôi về khoa Sử khóa 13 và những người bạn thân nhất của ông tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.

tranngocbich1-1675392588.jpg
Gia đình ông Trần Ngọc Bích năm 2003

 

Ông Bích kể, tháng 9 năm 1968, ông và những người bạn của mình từ nhiều địa phương đã về 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội nhập học lớp Sử khoá 13 của Đại học Tổng hợp Hà Nội và hôm sau đi về nơi sơ tán xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau hơn một năm sơ tán lên Đại Từ, Thái Nguyên, lớp Sử của ông được trở về Mễ Trì Hà Nội và tiếp tục phải sơ tán nhiều nơi như như xã Cao Viên, huyện Thanh Oai; xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì (Hà Tây “cũ”, nay là Hà Nội), rồi Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho đến khi tốt nghiệp ra trường để tránh bom đạn bằng máy bay của Mỹ.

Khi đang học năm thứ 3, ộng Trần Ngọc Bích được tuyển vào công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng). Tiếp đó, sang cuối năm học thứ 4 là năm cuối của đại học, lớp Sử của ông có một số được tuyển nhập ngũ lính hải quân, hơn 20 người được tuyển về TTXVN từ đầu tháng 8/1972 để làm phóng viên chiến trường, chi viện cho TTXGP. Số này đều được công nhận tốt nghiệp đại học, trong đó có người bạn đồng môn tâm huyết là Vũ Xuân Bân.

Sau một thời gian huấn luyện trong quân đội, ông Bích có lệnh quay trở lại trường học tập và đến tháng 9 năm 1972 thì tốt nghiệp ra trường.

“Hòa bình lập lại, hai miền Nam – Bắc thống nhất, Nhà báo Vũ Xuân Bân và nhiều người bạn đồng môn của bố tiếp tục ở lại miền Nam, tham gia tiếp cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khơ me đỏ, đến cuối năm 1979 mới trở ra Hà Nội. Những năm đó, bố dạy học ở trường Đại học biên phong tại Sơn Tây thường ngày nghỉ đi về Hà Nội giúp đỡ những việc có thể ở hậu phương để Vũ Xuân Bân yên tâm làm nhiệm vụ…”, ông Trần Ngọc Bích chia sẻ.

Sau buổi đầu về quê Hà Tĩnh ra mắt đó, mỗi lần ông Bích ra Hà Nội, tôi đều được theo ông đi thăm hỏi những người bạn lớp Sử 13 năm xưa của ông hiện công tác và sinh sống tại Hà Nội.

Nhớ ngày 24/01/2007, đám cưới của tôi và Minh Châu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh hay đám cưới của anh Vũ Xuân Cường (con trai nhà báo Vũ Xuân Bân) ở Khách sạn La Thành sau đó đều trở thành những ngày vui hội ngộ của đại gia đình lớp Sử khoá 13, cũng như cựu phóng viên chiến trường GP10 để chung vui hạnh phúc và có nhiều buổi giao lưu với cựu Tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng.

tranngocbich2-1675392589.jpg
Một tác phẩm của ông Trần Ngọc Bích được xuất bản năm 2010

 

Cũng kể từ đây, nhiều cô chú trong lớp Sử khoá 13 thường xuyên thăm hỏi, gần gũi, chia sẻ, động viên và giúp đỡ chúng tôi trong công việc cũng như trong cuộc sống như chính những người thân trong gia đình.

Với riêng tôi, Nhà báo Vũ Xuân Bân là người thầy, người sếp, người đồng nghiệp thân thiết sau khi ông nghỉ hưu về làm Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam. Và từ 7/5/2021 theo quy hoạch báo chí, Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam chuyển đổi thành Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (vanhoavaphattrien.vn) thì Nhà báo Vũ Xuân Bân vẫn là Phó tổng biên tập Tạp chí điện tử này, đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trưởng thành trong nghề báo.

Thưa các bác, các cô chú trong lớp Sử khoá 13, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) những người đồng môn thân thiết của bố vợ cháu là ông Trần Ngọc Bích. Cháu thật sự xúc động khi được bày tỏ những dòng cảm xúc trong cuốn sách Tập 2 “Một thời để nhớ” của lớp Sử khoá 13 với lòng tự hào về người bố vợ, về các bác, các cô chú, cũng như những thành tựu của các bác, các cô chú đã cống hiến cho quê hương, đất nước.

Bố Trần Ngọc Bích của chúng cháu không còn nữa! Ông đã rời cõi tạm về với tiên tổ từ ngày 22/04/2009, hưởng thọ 60 tuổi. Nhưng “Những trang viết để lại” của ông cho đời có những dòng cảm xúc vô cùng trân quý về lớp sử khoá 13, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những trang viết tâm huyết của ông về những người bạn đồng môn thủy chung son sắc trải qua một thời “Máu và Hoa” mãi mãi là động lực thôi thúc thế hệ trẻ chúng cháu hôm nay và mai sau phải không ngừng nỗ lực học tập và cống hiến nhiều hơn nữa để xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước.

Ông Trần Ngọc Bích sinh năm 05/4/1950, tại Gia Phố, Hương Khê, Hà Tĩnh, là con trai thứ ba của nhà lão thành cách mạng Trần Cận, nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh.

Ông Trần Ngọc Bích là cựu sinh viên Khoa Lịch sử khóa 13 (1968 – 1972), Đại học Tổng hợp Hà Nội; Từ tháng 9/1972 tham gia Quân đội; Từ năm 1975 giảng dạy tại Trường Công an vũ trang Cao Lạng, Trường Sỹ quan Biên phòng; Từ năm 1987 đến 4/2009, công tác tại Huyện ủy Hương Khê (Hà Tĩnh). Ông mất ngày 22/4/2009 tại Hà Tĩnh sau một cơn đau tim đột ngột.

Vợ ông là bà Nguyễn Thị Lành, nguyên cán bộ Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, hiện đã nghỉ hưu và sinh sống tại Hà Nội. Ông sinh được 03 người con gái là Trần Thị Thanh Giang (1979), Trần Thị Minh Châu (1982), Trần Thị Hoàng Yến (1992), cả ba đều học hành thành đạt có học vị Tiến sỹ, có công ăn việc làm ổn định và gia đình hạnh phúc.

Vương Xuân Nguyên

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/tran-ngoc-bich-va-nhung-nguoi-ban-khoa-su-khoa-13-a9333.html