Lễ hội "Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP. Hồ Chí Minh 2024" lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, lễ hội được diễn ra tại trục đường Lê Lợi (phường Bến Nghé, Quận 1) từ ngày 24-26.5.2024. Dịp này là cầu nối để tạo môi trường giao lưu, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chương trình có sự tham gia của các địa phương trong nước và 13 đoàn khách quốc tế với 32 doanh nghiệp đến từ các nước Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật bản, Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á có sản phẩm sâm và hương liệu, dược liệu tham gia.
Tại lễ hội lần này, Công ty TNHH ĐT TM Hồng Phát Kon Plông (Dược liệu Hồng Phát) đã vượt địa lý vận chuyển đến lễ hội cây giống, cây trưởng thành với đầy đủ củ, cây, lá và hoa tươi của giống sâm quý Ngọc Linh trưng bày, giới thiệu rộng rãi cho người dân và du khách tại lễ hội được mục sở thị.
Bà Phan Thị Hậu, Giám đốc công ty Dược liệu Hồng Phát cho biết: “Kon Plông, tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu thuận lợi để các giống dược liệu quý sinh trưởng. Nhưng để phát triển được các vùng trồng dược liệu, chúng ta cần quá trình cải tạo đất, biến những vùng đất này đủ tiêu chuẩn để canh tác hữu cơ.
Dược liệu Hồng Phát với tâm huyết phát triển, nhân rộng vùng nguyên liệu - dược liệu của Kon Tum ngày một lớn mạnh. Nhiều năm qua đã triển khai phát triển nhiều dự án nông nghiệp như trồng dược liệu dưới tán rừng, khuyến khích nông dân trồng và thu mua nguồn dược liệu. Đặc biệt giống sâm Ngọc Linh được trồng tại vùng núi Ngọc Linh Kon Tum đã khẳng định được vị thế trên thương trường quốc tế và trở thành “Quốc bảo” của quốc gia”.
Được biết, Việt Nam có hơn 7.500ha trồng sâm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai…
Trong đó, 8 vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam theo quy hoạch của Chính phủ bao gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Theo chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt tháng 6.2023, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phấn đấu nâng diện tích trồng sâm đạt khoảng 21.000ha, 100% diện tích trồng được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.
Hiện sản lượng khai thác sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000ha/năm), bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương.
Ước tính tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 khoảng 230 tỷ USD và dự kiến có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.
Một số hình ảnh về các sản phẩm của Dược liệu Hồng Phát được trưng bày tại hội chợ:
PV
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/duoc-lieu-hong-phat-mang-sam-ngoc-linh-tuoi-den-hoi-cho-quoc-te-a9746.html