Điểm tiếp nhận của chương trình “Đổi sách lấy cây” của Đội tình nguyện Hoa phượng đỏ Trường THPT Hoàng Hoa Thám tại Hội sách thành phố Đà Nẵng. |
Sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện, cặp sách… đã qua sử dụng được chất từng chồng tại Văn phòng Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Lan tỏa thông điệp “sống xanh”
Trong 4 ngày diễn ra Hội sách thành phố Đà Nẵng được tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, gian hàng “Đổi sách lấy cây” của đội tình nguyện Hoa phượng đỏ, Trường THPT Hoàng Hoa Thám luôn tấp nập. Đây là điểm tiếp nhận sách, giấy loại từ cộng đồng để quy đổi lấy cây sen đá, cây cảnh các loại và các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Chương trình này đã tiếp nhận gần 300 quyển sách hay và hơn 300kg sách, vở, giấy báo các loại. Đội cũng đã trao đổi hơn 100 ống hút bằng tre, 600 ống hút bằng cỏ bàng và hơn 100 cây sen đá cùng nhiều phần quà thân thiện với môi trường khác.
Trước đó, khi vừa kết thúc đợt kiểm tra cuối học kỳ II, Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám mở đợt cao điểm đổi sách lấy cây ngay tại trường. Nguyễn Quỳnh Như - lớp 11/1 cho biết: “Vừa thi học kỳ xong, em gom toàn bộ tài liệu ôn tập, sách, vở của những môn học sẽ không liên quan đến ôn thi tốt nghiệp sắp tới và cả một số vật dụng không còn dùng đến để đổi lấy cây và hạt giống”. Quỳnh Như nhận lại một chậu cây sen đá cùng một ít ống bằng cỏ bàng.
Nhận được những chậu cây sen đá xinh xắn và một ít hạt giống hoa từ chương trình đổi sách lấy cây, Phương Anh - lớp 10/6 đã vận động thêm bạn bè, hàng xóm… cùng tham gia chương trình.
Xuân Hiếu - học sinh lớp 10/3 kể: “Ngoài chọn các đầu sách không cần sử dụng nữa để đổi lấy những chậu cây xinh xắn, em còn thuyết phục mọi người trong nhà cùng dọn nhà, phân loại sách báo cũ, chai lọ, thùng carton, cặp sách… tập hợp rồi mang đến ủng hộ. Em thấy chương trình rất ý nghĩa khi giúp cho vòng đời của sách, đồ dùng được tái sử dụng nhiều lần”.
Ngoài tiếp nhận sách vở, đồ dùng học tập, giấy vụn, chai nhựa… đội Hoa phượng đỏ của Trường THPT Hoàng Hoa Thám còn nhận được nhiều áo quần có cả cũ và mới, trong đó có đồng phục học sinh.
Tình nguyện viên của Đội tình nguyện Hoa phượng đỏ phân loại sách, vở, giấy vụn… sau các đợt tiếp nhận. |
Sách cũ, tri thức không cũ
Ngoài 1 tháng cao điểm “Đổi sách lấy cây”, đoàn trường duy trì các hoạt động khác. “Sách sẽ được phân loại để gửi tặng thư viện các trường vùng khó. Mỗi trường học, chúng tôi sẽ gửi tặng từ 1-2 tủ sách. Ngoài ý nghĩa chia sẻ một phần khó khăn với các học sinh vùng khó, chúng tôi hy vọng hoạt động này sẽ góp phần thúc đẩy văn hoá đọc trong người trẻ”, thầy giáo Lê Mạnh Tấn - Trường THPT Hoàng Hoa Thám, sáng lập viên của đội tình nguyện Hoa phượng đỏ cho biết.
Ngoài ra, đoàn trường đã liên hệ với các trường THPT vùng khó của Quảng Nam để xin danh mục sách giáo khoa các lớp. Đây là căn cứ để các tình nguyện viên lựa chọn sách giáo khoa phù hợp gửi tặng cho các bạn học sinh.
Qua nhiều năm quyên góp, đội tình nguyện Hoa phượng đỏ đã gửi tặng hàng trăm bản sách giáo khoa, sách tham khảo đã qua sử dụng, máy tính cầm tay, vở, cặp sách… cho học sinh miền núi Quảng Nam. Đó là: Trường THPT Võ Chí Công, Trường THPT Nam Trà My, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Vinh… với tổng trị giá hơn 70 triệu đồng.
Trong đợt vận động đầu tiên của mùa Hè năm 2024, đội tình nguyện Hoa phượng đỏ Trường THPT Hoàng Hoa Thám đã tiếp nhận hơn 500 cuốn sách các loại có thể tiếp tục sử dụng được. Trong số này, đội đã chọn 214 đầu sách gửi tặng cho Trường THCS Giao Thiện (Thanh Hoá) để xây dựng 2 tủ sách. Đây là điểm trường vùng khó, có hơn 80% học sinh là con em hộ nghèo, cận nghèo. Số sách còn lại, Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám chuyển đến các tủ sách cộng đồng trên địa bàn quận Sơn Trà (Đà Nẵng).
Bằng nhiều hình thức vận động, các thành viên đội tình nguyện Hoa phượng đỏ Trường THPT Hoàng Hoa Thám đang chung tay, góp sức nhằm thắp sáng ước mơ của các em nhỏ vùng sâu, vùng xa, giúp các em có thêm cơ hội được cải thiện điều kiện học tập, khám phá thế giới muôn màu từ những trang sách.
“Chương trình mong muốn hỗ trợ sách, phát triển giáo dục vùng sâu vùng xa, giáo dục bình đẳng đồng thời lan toả đến các bạn thông điệp ‘sống xanh’, giảm các rác thải nhựa, bồi đắp tình yêu thiên nhiên, bắt đầu từ những việc nhỏ như chăm sóc cây xanh”, thầy giáo Lê Mạnh Tấn chia sẻ.