1. Có nên tự nặn mụn không?
Mụn là một bệnh lý về da. Có rất nhiều nguyên nhân gây mụn, nhưng chủ yếu các nguyên nhân đó đều gây ra lượng dầu nhờn tiết ra quá nhiều gây tắc lỗ chân lông, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, bụi bẩn bám vào và gây ra mụn.
Những loại mụn thường gặp: mụn cám, mụn đầu đen, mụn trứng cá, mụn mủ, mụn nước, mụn máu,… Mỗi loại mụn có mỗi đặc điểm và cách điều trị khác nhau. Có loại mụn chỉ cần lấy sạch nhân, đắp mặt nạ đặc trị, thoa thuốc khám viêm sẽ hết. Nhưng những loại không có nhân như mụn máu, mụn nước, mụn thịt,… thì không thể nặn mụn được.
Tuy có một số loại mụn có thể lấy nhân nên bạn có thể tự nặn mụn tại nhà, nhưng cần phải nắm rõ:
Biết rõ tình trạng mụn của mình: có phải loại mụn được nặn hay không? Nhân mụn đã chín chưa?
Nắm rõ các bước nặn mụn đúng cách.
Luôn giữ tay và các dụng cụ nặn mụn được tiệt trùng an toàn.
Nắm rõ các bước chăm sóc da sau khi nặn mụn.
Nếu bạn tự tin đủ kiến thức và tình trạng mụn của bạn ở thể nhẹ thì bạn có thể tự thực hiện nặn mụn tại nhà. Còn không thì nên đến các có sở chuyên khoa da liễu hoặc các địa chỉ trị mụn uy tín để nặn mụn nhé. Bởi vì nặn mụn không đúng cách sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng như mụn bị lan ra hay để lại sẹo rỗ, sẹo thâm sau mụn.
2. Ngay sau khi nặn mụn nên làm gì?
Như bài viết đã để cập, nếu tình trạng mụn của bạn nhẹ, nhân mụn đã chín và bạn biết phương pháp vệ sinh và nặn mụn triệt để thì hoàn toàn có thể tự nặn mụn ở nhà.
Sau khi nặn mụn xong, hầu hết sẽ để lại vết thương hở li ti. Tại đây, vết mụn sau khi nặn sẽ có một lớp dịch bảo vệ và hơi sưng rộp. Vì vậy, bạn cần:
Sát khuẩn da bằng nước muối: Đây là việc đầu tiên nên làm sau khi nặn mụn, điều này sẽ giúp làn da được sát khuẩn, kháng viêm.
Chườm đá viên: Dùng một chiếc khăn xô sạch bọc một viên đá và chườm vào vùng mụn vừa nặn xong, điều này sẽ giảm đau và giảm sưng vùng mụn.
Lưu ý: không được bôi bất cứ thứ gì lên vết thương hở, bởi hành động này có thể khiến da bị tổn thương, đau rát và bí tắc lỗ chân lông. Hãy đợi cho đến khi vết thương khô hẳn và hình thành lớp vảy bảo vệ bên ngoài (thông thường chỉ 1 ngày), lúc này bạn mới có thể để bắt đầu quy trình chăm sóc da để không để lại vết thâm mụn.
3. Chăm sóc da mặt như thế nào để không bị thâm sau khi nặn mụn
Dù bạn thực hiện nặn mụn tại nhà hay ở bệnh viện da liễu, các spa trị mụn thì cũng nên thực hiện chăm sóc da mặt theo quy trình sau:
Làm sạch da
Làn da lúc này rất nhạy cảm nên bạn cần sử dụng những sản phẩm làm sạch có tính dịu nhẹ nhất. Tránh sử dụng sữa rửa mặt có chứa thành phần hóa học có tính tẩy rửa quá mạnh, bởi việc này sẽ ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm sau khi nặn mụn, gây kích ứng.
Nếu không ra ngoài thì bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa mặt.
Dưỡng ẩm
Với các vùng da mặt khác, bạn vẫn thực hiện các bước skincare như hằng ngày. Riêng vùng vết thương, sau khi hình thành lớp vảy ngoài bảo vệ, bạn có thể sử dụng kem dưỡng dịu nhẹ, hoặc serum có chứa thành phần chính là vitamin B lên vùng da này để đẩy nhanh tốc độ làm lành da.
Lưu ý: Tuyệt đối không dùng sản phẩm chứa thành phần vitamin C, AHA, BHA tại vùng vết thương mụn bởi sẽ khiến vết thương trở nên tồi tệ hơn.
Trong thời gian sau khi nặn mụn, bạn cũng hạn chế tối đa việc makeup nhé, bởi những mỹ phẩm makeup có thể làm bí da, gây tổn thương các vùng da nhạy cảm sau khi nặn mụn này.
Đắp mặt nạ
Đắp mặt nạ là một bước rất cần thiết để cung cấp dưỡng chất và chữa lành làn da tổn thương. Sử dụng đúng loại mặt nạ không những giúp da mềm mại và mịn màng sau khi nặn mụn mà còn giảm sưng và trị thâm mụn hiệu quả. Bài viết sẽ giới thiệu một số mặt nạ “thần thánh”:
Mặt nạ mật ong, sữa chua và tinh bột nghệ
Mật ong và tinh bột nghệ là hai nguyên liệu nổi tiếng với công dụng kháng viêm, làm lành da hiệu quả. Sữa chua có công dụng làm sạch da, dưỡng ẩm và trị thâm rất tốt và lành tính. Kết hợp ba nguyên liệu này sẽ cho ra một hỗn hợp mặt nạ chăm sóc da sau khi nặn mụn hiệu quả.
Cách thực hiện rất đơn giản:
Bước 1: Trộn 2 thìa mật ong nguyên chất, 1 thìa sữa chua không đường và 1 thìa tinh bột nghệ.
Bước 2: Thoa đều hỗn hợp lên mặt, massage nhẹ nhàng da trong 3 phút.
Bước 3: Để yên trong 20 phút và rửa mặt với nước ấm.
Mặt nạ khoai tây và sữa tươi
Khoai tây là một nguyên liệu giàu vitamin và chất chống oxy hóa, giúp làm sạch da, tri thâm và tái tạo da hiệu quả. Còn sữa tươi lại được biết tới với tác dụng giúp dưỡng trắng da, dưỡng ẩm da cực kì hiệu quả. Kết hợp hai nguyên liệu này sẽ là một mặt nạ dưỡng da, trị thâm hiệu quả sau khi nặn mụn.
Các bước thực hiện rất đơn giản:
Bước 1: Khoai tây luộc chín, bóc vỏ và nghiền nhuyễn.
Bước 2: Trộn 2 thìa khoai tây nghiền nhuyễn với 2 thìa sữa tươi không đường.
Bước 3: Thoa đều hỗn hợp mặt nạ lên da và để yên 20 phút.
Bước 4: Rửa mặt với nước sạch.
Lưu ý: Khi sử dụng các loại mặt nạ: Sử dụng kiên trì 2 - 3 lần mỗi tuần để đem lại hiệu quả nhất.
Chống nắng
Chống nắng cho da lúc nào cũng quan trọng, đặc biệt với những vùng da sau khi nặn mụn rất mỏng mạnh và nhạy cảm nên sẽ dễ bắt nắng và vết thâm mụn sẽ khó bị loại bỏ hơn. Vì vậy, bạn nên bảo vệ da bằng kem chống nắng, khẩu trang, mũ rộng vành,… để hạn chế tối đa việc da tiếp xúc với ánh nắng nhé.
Lưu ý: Giai đoạn này bạn nên chọn loại kem chống nắng không gây bí da, không cồn và không hương liệu để không gây kích ứng da.
Chế độ ăn uống sinh hoạt
Ngoài những bước chăm sóc da trên, bạn cũng phải chăm sóc làn da khỏe mạnh từ bên trong bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý:
Bổ sung thêm nhiều trái cây như cam, chanh, táo để cung cấp thêm vitamin C cho cơ thể.
Uống thật nhiều nước, đặc biệt bạn nên uống thêm nước trà xanh bởi trong trà xanh có rất nhiều chất chống oxy hóa,
Thiết lập chế độ ăn ngủ điều độ, kiêng đồ nóng, cay, rượu bia và nước ngọt – đây là những chất tiêu tốn vitamin trong cơ thể và ảnh hưởng đến sức đề kháng của làn da.
Giữ vệ sinh chăn gối, tránh nhiễm khuẩn.
Tuyệt đối không sờ lên vùng mụn sau khi nặn bởi lúc này vùng da này rất nhạy cảm và dễ nhiễm khuẩn.
Làn da sau khi nặn mụn rất nhạy cảm nên bạn hãy chú ý chăm sóc và nâng niu nhiều hơn để da nhanh hồi phục, mịn màng và không để lại những vết thâm mụn nhé.