Đó là kết quả của nền giáo dục chuẩn mực không chỉ dạy kiến thức mà còn rất chú trọng “dạy người” từ sớm.
Ứng xử lịch thiệp
Nền giáo dục Nhật vận hành theo nguyên lý lấy “đạo đức làm nền tảng”, “mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức”. Bởi vậy, ngay từ mẫu giáo, trẻ em đã được rèn luyện, thực hành các quy tắc ứng xử lịch thiệp từ các hoạt động hàng ngày như biết nói lời cám ơn và xin lỗi, biết chia sẻ trách nhiệm trong tập thể, tính tự lập và tinh thần trách nhiệm với công việc…
Học sinh tự dọn dẹp lớp học |
Giáo dục đạo đức được dạy chính thức từ bậc tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 9, học sinh được học và thực hành các bài học đạo đức với chương trình được phân ra làm 4 nhóm liên hệ từ gần đến xa, từ dễ đến khó. Nhóm 1 liên quan đến bản thân, nhóm 2 liên quan đến người khác, nhóm 3 liên quan đến tập thể, xã hội và nhóm 4 là liên hệ với thế giới tự nhiên.
Học sinh học đủ cả 4 nhóm nhưng ở mức độ khác nhau tùy theo độ tuổi. Nội dung giáo dục đạo đức được thiết kế phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý theo độ tuổi của học sinh, ở bậc tiểu học dạy về hành vi ứng xử trong đời sống, cảm nhận và phán đoán, phát triển nhân cách và sáng tạo... Lên cấp 2, các chủ đề được mở rộng như cách phản ứng đối với lời phê bình, sự hiểu biết và tôn trọng giới tính, tôn trọng sự thật...
Giáo dục đạo đức không đánh giá bằng điểm số hay nhận xét hạnh kiểm mà là đánh giá về “tuân thủ nội quy” hay “vi phạm nội quy”, “hướng nội” hay “hướng ngoại”.
Ở bậc tiểu học, học sinh học môn đạo đức hàng tuần với thời lượng 45 phút, còn cấp 2 học thời lượng 50 phút. Mục tiêu chung là xây dựng và phát triển con người Nhật Bản không bao giờ mất đi tinh thần tôn trọng mọi người xung quanh dù ở nhà, trường học hay bất cứ hoàn cảnh nào trong xã hội mà mình là thành viên; Phấn đấu cho sự sáng tạo của một nền văn hóa đậm nét cá tính và sự phát triển của một quốc gia dân chủ; Tự nguyện cống hiến cho một xã hội hòa bình…
Rèn tinh thần tự lập, kỷ luật
Người Nhật cho rằng mỗi cá nhân cần tự lập, cố gắng học tập, làm việc tự chủ, không ỷ lại. Như thế mới có thể hòa nhập vào môi trường hội nhập với sự biến động nhanh của các giá trị văn hóa và tri thức. Việc tự lập còn giúp học sinh có đời sống phong phú, có thể học tập ở mọi nơi, mọi lúc và vận dụng thích hợp những thành quả đó.
Trẻ em được học và rèn cách sống tự lập khi còn rất nhỏ, biết cười nhiều hơn, biết cảm ơn khi nhận sự giúp đỡ và đặc biệt biết rèn luyện sức khỏe để trở nên mạnh mẽ, kiên cường, chúng tự đi học hằng ngày mà không cần người lớn đưa đón.
Tinh thần kỷ luật cũng được rèn luyện một cách bài bản và kỹ lưỡng như quản lý thời gian, tuân thủ quy trình làm việc, sự hợp tác và phối hợp, tự phê bình bản thân, dám chịu trách nhiệm, không đổ lỗi hoàn cảnh…
Người Nhật tin rằng nếu giáo dục tính kỷ luật hiệu quả cho một thế hệ trẻ em hôm nay thì trong tương lai, sẽ có một thế hệ nhân tài trưởng thành với “kỷ luật thép”, có khả năng đóng góp to lớn cho đất nước.
Tinh thần phục vụ tập thể
Để giáo dục tinh thần phục vụ tập thể, trẻ em mẫu giáo được phân công phục vụ đồ ăn cho các bạn. Giáo viên múc thức ăn vào bát, đổ sữa vào cốc để trẻ bê đến bàn của các bạn. Sau đó, những trẻ phục vụ của ngày tập trung đứng trước lớp, đồng thanh chúc các bạn ăn ngon miệng và các bạn đồng thanh cám ơn.
Trẻ được phân công phục vụ đồ ăn cho các bạn |
Học sinh từ lớp 1 hằng ngày được chia thành các nhóm và luân phiên trực nhật trong 20 phút cuối ngày. Các nhóm cùng nhau quét dọn lớp học, sân bóng rổ, cầu thang, hành lang. Khi kết thúc hoạt động, các nhóm sẽ tập hợp và đồng thanh hô to khẩu hiệu: "Chúng ta có hợp tác tốt không?", "Chúng ta có tận dụng tối đa thời gian không?"...
Từ cấp 2, học sinh bắt buộc phải tham gia vào các câu lạc bộ để học cách hoạt động nhóm, thông quá đó rèn luyện tinh thần tập thể, thúc đẩy phát triển, khám phá bản thân và cuộc sống. Hầu hết các trường ở Nhật đều có những hoạt động thể thao hay lễ hội thường niên với mục tiêu "xây dựng tình đoàn kết, khuyến khích cá nhân nỗ lực hết mình, tận tâm và kiên trì".
Để giúp trẻ em có tình yêu thương với động vật, giáo viên không thuyết giảng rằng “các em phải biết yêu thương động vật”, mà để các em tự nuôi và chăm sóc một loại động vật như gà, chuột lang, thỏ, rùa… Mỗi nhóm 4-5 em chăm sóc 1 con, hằng ngày chơi đùa, trò chuyện, cho ăn, dọn chuồng. Để giáo dục các em có tinh thần hướng thiện, nhà trường thường xuyên tổ chức đến thăm các cơ sở nuôi dưỡng người già, trẻ mồ côi...
Giáo dục đạo đức được thực hiện theo chương trình khung trên nền tảng luật pháp với bộ tiêu chuẩn. Trường công lập và tư thục đều phải tuân thủ nhưng không quy định thống nhất về nội dung chương trình, sách giáo khoa và điểm số. Đa phần học sinh được nghe kể về một câu chuyện hay tình huống nào đó rồi thảo luận theo nhóm và cuối cùng là chia sẻ suy nghĩ, ý kiến trước cả lớp.
Giáo viên gắn kết chặt chẽ với gia đình, nhất là ở bậc tiểu học, tư vấn cho phụ huynh chủ động dạy con tính tự lập trong sinh hoạt hằng ngày, thường xuyên nhận xét và trao đổi về các hoạt động cũng như tâm sinh lý học sinh ở trường. Nếu phát hiện những điều bất thường, giáo viên sẽ gặp riêng học sinh hoặc phụ huynh, để đưa ra tư vấn định hướng. Giáo viên hằng tháng có trách nhiệm đến nhà học sinh kém để trao đổi với phụ huynh hoặc dạy thêm miễn phí tại nhà cho học sinh.
Tóm lại, “dạy người” rất được chú trọng trong nền giáo dục Nhật Bản, được thực hiện từ sớm và xuyên suốt. Học sinh học “làm người” không phải từ các lời thuyết giảng giáo điều, sách vở mà thông qua các hoạt động thực tế ở trường lớp, ở nhà và xã hội, thẩm thấu tự nhiên và nuôi dưỡng nhân cách con người.
Theo: Vietnamnet