Trùng Khánh là vùng đất khởi nguồn của Bayu, nền văn hóa đặc sắc ở thượng nguồn sông Dương Tử, tây nam Trung Quốc. Tên gọi Trùng Khánh bắt đầu xuất hiện vào năm 1189 để đánh dấu sự lên ngôi của hoàng đế Tống Quang Tông của triều đại Nam Tống. Trùng Khánh nằm dưới sự quản lý của tỉnh Tứ Xuyên từ năm 1954, nhưng đến năm 1997 đô thị này tách khỏi tỉnh và được chỉ định là thành phố trực thuộc Trung ương thứ tư của Trung Quốc (sau Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân). Ảnh: chinadaily. |
Hiện nay, Trùng Khánh đã vươn lên từ đống tro tàn và trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất tại Trung Quốc. Vào năm 2017, Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới đã chọn Trùng Khánh là thành phố du lịch phát triển nhanh nhất thế giới. Ảnh: tomtom. |
Trong giai đoạn 2015-2019, "thành phố sương mù" có sự tăng trưởng ổn định về số lượng du khách và doanh thu từ du lịch trước khi đại dịch Covid-19 tàn phá ngành du lịch toàn cầu. Ảnh: Ryan Zhang. |
Hang động Hongya là nơi có bến tàu đầu tiên của Trung Quốc cổ đại, và trở thành pháo đài quân sự dưới thời nhà Minh. Địa điểm này giờ đây là quần thể nhà sàn được xây dựng trên vách đá dựng đứng mang phong cách truyền thống ở vùng Bayu. Tòa nhà 11 tầng dọc theo bờ sông Gia Lăng có diện tích 46.000 m2, tích hợp nhiều tiện ích bao gồm ăn uống, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm... Ngoài ra, du khách có thể ghé qua phố 1980 nơi phục dựng cảnh sinh hoạt của người dân Trùng Khánh hay ngắm nhìn hang động Hongya lên đèn vào buổi tối. Ảnh: destimap. |
Tượng khắc đá Đại Túc nằm cách trung tâm thành phố Trùng Khánh 167 km, được xây dựng từ cuối nhà Đường đến đầu triều Tống. Hầu hết 50.000 bức tượng chạm khắc tại đây lấy chủ đề Phật giáo, mô tả cuộc đời Đức Phật và nhiều câu chuyện được kinh Phật ghi chép. Trong đó, những bức tượng nổi tiếng nhất được khắc trên núi Bảo Đỉnh, Bắc Sơn, Nam Sơn, Thạch Môn và Thạch Triện. Tượng khắc đá Đại Túc được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Ảnh: Flickr. |
Bên cạnh tượng khắc đá Đại Túc, Trùng Khánh còn sở hữu di sản thế giới khác là Công viên địa chất quốc gia Karst Vũ Long. Danh thắng này là kho báu quý giá tạo hóa đã ban tặng cho Trùng Khánh, bao gồm ba dạng địa hình karst tiêu biểu. Động Phù Dung là hang động đá vôi với những măng đá, nhũ đá và thác nước lộng lẫy. Ba cây cầu tự nhiên (Thanh Long, Thiên Long và Hắc Long) nằm trong hẻm núi dài 1,2 km, được tạo thành do quá trình hòa tan và sự nâng lên của mảng kiến tạo. Houping Tiankeng là hệ sinh thái karst với hố sụt khổng lồ, hẻm núi, hang động ngầm... Ảnh: tripuk. |
Từ Khí Khẩu (Ciqikou) là ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Gia Lăng, cách Trùng Khánh 14 km về phía tây. Trên diện tích khoảng 1,2 km2, ngôi làng nổi tiếng với sản xuất đồ sứ còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc từ thời Minh và Thanh. Các viên gạch xanh lam, bức tường trắng tương phản với cánh cửa đỏ son, hay những tấm bảng đen và chiếc đèn lồng trong mỗi ngôi nhà gợi nhắc truyền thống độc đáo của Từ Khí Khẩu. Du khách nên ghé qua 3 điểm đến nổi bật của ngôi làng là xưởng thêu Shu, quán trà và xưởng vẽ. Ảnh: China Travel. |
Tại "thành phố núi", du khách có thể tham quan những địa điểm nổi tiếng khác, bao gồm: Sở thú Trùng Khánh, nơi bảo tồn hơn 230 loài động vật, trong đó có khu vực mô phỏng tự nhiên cho Gấu trúc, quốc bảo của Trung Quốc; bảo tàng Tam Hiệp giới thiệu về lịch sử và văn hóa của Trùng Khánh, cũng như mô hình đập thủy điện lớn nhất thế giới; hay thưởng ngoạn cảnh sắc 3 hẻm núi của sông Dương Tử là Wu, Qutang và Xiling... Ảnh: peapix. |
Lẩu Trùng Khánh nổi tiếng với vị cay và đậm đà. Trước đây, lẩu là thực phẩm để chống lại cơn gió lạnh buốt của mùa đông, nhưng hiện nay món ăn này được người dân từ khắp các vùng miền yêu thích. Đặc trưng của lẩu Trùng Khánh là nước dùng chủ yếu từ dầu ớt đỏ làm từ mỡ bò để giảm vị cay của ớt và tiêu Tứ Xuyên. Với người Trùng Khánh, ăn lẩu là cách tốt nhất để bày tỏ niềm vui sum họp với gia đình và bạn bè. Ảnh: iChongqing. |
Theo: Zing