Trung tâm điều phối của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM được chuyển về Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12) với sự hỗ trợ tối đa về thiết bị và đường truyền để thuận tiện cho việc hoạt động. |
Những ngày cao điểm, trung tâm điều phối tiếp nhận và xử lý 5.000-6.000 cuộc gọi. Khoảng 80% liên quan đến những ca F0. |
Nhân lực của trung tâm điều phối bao gồm: Hơn 100 sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, 50 tổng đài viên của hãng xe Phương Trang, 40 tình nguyện viên từ Thành đoàn TP.HCM và 20 điều phối viên của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM. |
Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch ở TP.HCM cho biết trung tâm đã nâng số lượng đường truyền lên 40, gấp 10 lần so với trước đây và sẽ tăng lên 100 theo nhu cầu thực tế. |
Các phiếu tiếp nhận thông tin cấp cứu được ghi chép và sàng lọc. Ngoài tìm hiểu dấu hiệu cấp cứu, tổng đài viên còn phải lưu ý thông tin liên quan đến Covid-19 của bệnh nhân để phục vụ việc liên hệ chuyển viện. |
Điều phối viên Lê Hoàng Long cho biết trung bình mỗi ca trực, anh tiếp nhận và xử lý thông tin hơn 100 ca cấp cứu. Ngoài ra, với kinh nghiệm cấp cứu ngoại viện trước đây, anh Long đảm nhận hướng dẫn người nhà cấp cứu tại chỗ cho những bệnh nhân nặng. |
Trung tâm điều phối có bộ phận tiếp nhận và bộ phận xử lý thông tin cấp cứu. Thông tin sau khi được tiếp nhận sẽ phân loại về dấu hiệu cấp cứu, nếu không có dấu hiệu thì chuyển qua tổng đài 1022 tư vấn sức khỏe, nếu có dấu hiệu thì tổng đài viên phân loại theo tình trạng để điều phối taxi cấp cứu hoặc xe cấp cứu chuyên dụng. |
Trung tâm điều phối được chia thành 3 ca trực, mỗi ca 8 giờ. Với số lượng cuộc gọi nhiều, các tổng đài viên gần như phải ngồi một chỗ suốt ca để xử lý và tiếp nhận thông tin liên tục. |
Trong mỗi ca làm việc, các điều phối viên có khoảng 30 phút để nghỉ ngơi. Trung tâm điều phối này được xây dựng thành “vùng xanh”, tất cả thực hiện “3 tại chỗ” để đảm bảo hoạt động. |
Theo: Zingnews