Nhân viên y tế đo huyết áp trước khi tiêm vắc xin mũi 2 cho nhân viên siêu thị MegaMarket khu vực TP.HCM sáng 10-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo hướng dẫn này, Bộ Y tế cho biết có 6 nhóm cần thận trọng tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Bao gồm:
Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác;
Người có bệnh nền, bệnh mãn tính;
Người mất tri giác, mất năng lực hành vi;
Người có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu;
Phụ nữ mang thai trên 13 tuần;
Người phát hiện bất thường dấu hiệu sống (thân nhiệt dưới 35,5 độ hoặc cao hơn 37,5 độ, mạch quá chậm hoặc quá nhanh, huyết áp cao hơn 30mmHg so với bình thường).
Với người có tiền sử đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng, đang mắc bệnh cấp tính, phụ nữ mang thai dưới 3 tuần thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng. Trường hợp có phản ứng phản vệ với vắc xin COVID-19 cùng loại ở lần tiêm trước, có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất sẽ thuộc nhóm chống chỉ định tiêm chủng.
Bỏ đo huyết áp với phần lớn người tiêm chủng
Trước hướng dẫn này, Bộ Y tế quy định trong quy trình khám sàng lọc trước tiêm có mục đo huyết áp, nhưng trong hướng dẫn mới nhất, Bộ Y tế chính thức bỏ việc đo huyết áp với phần lớn người tiêm chủng, chỉ đo trong trường hợp người tiêm có tiền sử tăng huyết áp, huyết áp thấp, trên 65 tuổi hoặc có bệnh lý nền liên quan đến tim mạch.
Quy trình mới bao gồm hỏi tiền sử bệnh và đánh giá lâm sàng (đo thân nhiệt, đo huyết áp các trường hợp cần thiết, đo mạch và đếm nhịp thở ở người có tiền sử suy tim hoặc phát hiện bất thường như đau ngực, khó thở; quan sát toàn trạng người tiêm và chỉ định tiêm chủng/chuyển cơ sở tiêm chủng có năng lực cấp cứu phản vệ).
So với quy trình cũ, quy trình mới có giảm bớt một số khâu, tuy nhiên vẫn khá kỹ càng so với nhiều quốc gia cùng tiến hành tiêm chủng COVID-19.
Theo: TTO