Cần giữ vững thương hiệu cà phê Tây Nguyên
14h ngày 28/9, tại TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã diễn ra sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với nông dân lần thứ 3 năm 2020 với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.
Hội nghị do Trung ương hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì.
Mở đầu buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Hội Nông dân Việt Nam cùng các cơ quan ban ngành đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại này. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, đối thoại phải thiết thực chứ không phải là hình thức.
Thủ tướng chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân tại Đắk Lắk.
Thủ tướng đề nghị hơn 300 nông dân có mặt tại hội nghị hôm nay đặt câu hỏi sát với yêu cầu thực tế, phù hợp với đặc thù sản xuất ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Chính phủ, Bộ ngành muốn nghe những tâm tư nguyên vọng có kiến nghị khó khăn gì để đề nghị với Chính phủ. Từ quy hoạch sản xuất, tới tiêu thụ sản phẩm, có khó khăn gì bà con nêu ý kiến.
Thủ tướng thăm các gian hàng trong chương trình hội nghị.
Theo Thủ tướng, dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến nhiều nền kinh tế cả thế giới tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, trong đó có trụ đỡ quan trọng là nông nghiệp, nông thôn. Đáng mừng là kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đạt 42 tỷ USD, là một trong những nước dẫn đầu châu Á về xuất khẩu. Về nông thôn mới, chúng ta đã đạt mục tiêu hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, chưa bao giờ khu vực nông nghiệp, nông thôn từ đồng bằng đến miền núi có sự tăng trưởng tốt như vậy. Có thể nói nông nghiệp thắng lợi toàn diện...
Tuy vậy, còn nhiều việc cần làm, còn nhiều trăn trở cần giải pháp tháo gỡ. Thủ tướng đề nghị, các ngành chức năng cần phải làm thế nào phát huy hơn nữa tinh thần tự lực tự cường của nông dân; suy nghĩ phải làm gì để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, từ đó giải quyết tốt các vấn đề ở nông thôn, nông dân.
Có mặt tại hội nghị, ông Đỗ Quý Toán (trú xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) là một trong 22 người đặt câu hỏi cho Thủ tướng. Ông cho biết, trong thời gian qua, giá cà phê xuống rất thấp, người nông dân các địa phương trăn trở, âu lo nên đã chặt bỏ cây cà phê để chuyển sang cây trồng khác. Do đó, ông Toán đặt câu hỏi, Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ người nông dân phát triển và chế biến ngành cà phê bền vững?
Nông dân Đỗ Quý Toán đặt câu hỏi cho Thủ tướng.
Liên quan đến câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cà phê là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam, chất lượng cà phê Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Vì vậy, Thủ tướng khuyên bà con vẫn tiếp tục trồng cà phê. Tuy nhiên, phải quy hoạch vùng trồng cho rõ ràng. Mặt khác, nông dân không được tiếp tục phá rừng tự nhiên trồng cà phê, mà phải nâng cao quy hoạch chất lượng trồng cà phê, thâm canh có chất lượng đối với cây cà phê. Về phía Chính phủ, bộ Công Thương, bộ NN&PTNT tiếp tục mở rộng ổn định thị trường, cấp vốn để tái canh cà phê, nâng cao chất lượng tái canh. “Cà phê Tây Nguyên là thương hiệu quý hơn vàng, nên phải gìn giữ. Bên cạnh đó, chúng ta phải đẩy mạnh chế biến sâu. Hiện nay, tỷ lệ chế biến sâu mới đạt 12%, còn lại chủ yếu là sản xuất thô, cùng với đó quy hoạch vùng trồng nơi nào phu hợp nhất. Trách nhiệm của nông dân và doanh nghiệp là phải giữ vững thương hiệu cà phê Tây Nguyên”, Thủ tướng phát biểu.
Chị Trần Thị Hoàng Anh (hợp tác xã mật ong Phương Di, xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đặt câu hỏi, để sản xuất nông nghiệp tốt hơn, làm ra nông sản sạch, an toàn hơn thì thời gian tới đây Chính phủ, các Bộ ngành có giải pháp nào triệt để hơn để chấm dứt tình trạng phân bón giả?
Trước câu hỏi của chị Hoàng Anh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tới đây, phải điều tra truy tố nghiêm khắc nhất theo luật Hình sự những tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón giả, phát hiện những đại lý, cá nhân sản xuất phân bón giả bắt bỏ tù ngay, lên án những hành vi tiêu cực”.
Muốn phát triển chế biến nông sản phải sản xuất có quy hoạch
Nhiều nông dân tại các tỉnh miền Trung còn đặt ra câu hỏi về giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển và mở rộng tiềm năng nghề nuôi hải sản ở nước ta?
Nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng của Tây Nguyên có mặt tại hội nghị.
Trả lời những thắc mắc này, Bộ trưởng bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: “Hiện bộ NN&PTNT đang xây dựng chiến lược nuôi biển đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 23 triệu tấn hải sản nuôi biển. Ngoài nuôi xa sẽ tập trung nuôi gần với những loài như rong, tảo, rong sụn... Đối với nuôi tôm hùm, phải sản xuất được con giống chứ không phải đi mò, đi khai thác mãi ngoài biển nữa, phát triển công nghệ để giảm đánh bắt tự nhiên. Hiện nay, Chính phủ đang có những chỉ đạo xuyên suốt, mang tính tổng thể để tạo điều kiện cho bà con có thể chủ động được con giống, thúc đẩy phát triển nuôi tôm hùm nói riêng cũng như nuôi biển nói chung”.
Nông dân Phạm Lê Mạnh đặt câu hỏi tại buổi đối thoại.
Ngoài ra, nông dân Phạm Lê Mạnh, trú xã Ea Riêng, huyện M'drắk, tỉnh Đắk Lắk cũng đặt câu hỏi: Chính phủ sẽ có giải pháp gì để xây dựng, mở rộng nhiều nhà máy chế biến nông sản ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, biến Tây Nguyên thành khu vực công nghiệp chế biến nông sản lớn của cả khu vực Đông Nam Á nhằm tháo gỡ những khó khăn trong tiêu thụ, chế biến nông sản như hiện nay?
Thủ tướng Chính phủ trả lời: “Nhà nước khẳng định sẽ tạo mọi cơ chế chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp tìm kiếm thị trưởng để đầu tư vào chế biến nông sản. Ai làm chế biến nông sản thì Trung ương sẽ được hỗ trợ về vốn và địa phương sẽ hỗ trợ mặt bằng. Nhưng quan trọng, muốn phát triển được chế biến nông sản thì không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà chúng ta phải sản xuất có quy hoạch. Nếu như tỉnh Đắk Lắk không tổ chức quy hoạch sản xuất được thì kêu gọi tất cả các tỉnh thành khác cùng bắt tay tham gia phát triển. Phát triển nông nghiệp chế biến là hướng đi đúng giúp nâng cao giá trị nông nghiệp của Việt Nam”.
Thủ tướng kết luận hội nghị.
Liên quan đến các câu hỏi về y tế, giáo dục, du lịch vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: “Giáo dục và đào tạo là chìa khóa nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Thông điệp tôi muốn gửi bà con nông dân, chúng ta phải tạo mọi điều kiện cho con cháu có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa vấn đề giáo dục, y tế nói chung, quan tâm đến đào tạo, dạy nghề cho con em để có thu nhập.
Về bệnh bạch hầu, chúng ta phải tiêm chủng ít nhất 2 mũi thì bạch hầu không có điều kiện phát triển. Vì vậy, tất cả trẻ em sinh ra phải tiêm chủng sẽ là tốt nhất.
Về du lịch, khu vực Miền Trung - Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn về du lịch, trong đó có du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Bởi, các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên có rất nhiều nét đặc sắc của riêng mình. Để phát huy được du lịch, các địa phương phải có chủ trương phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn...”.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, nông nghiệp, nông thôn phát triển lớn mạnh như ngày nay ngoài sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thì có sự đóng góp to lớn của nông dân. Trong tình tình dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nông nghiệp nước ta vẫn phát triển mạnh đạt 2.6%, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, là trụ đỡ kinh tế nước ta. Nhà nước vẫn luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn với nhiều chương trình, chính sách như nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ sản xuất… Thủ tướng yêu cầu, phát triển nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ tài nguyên đất, nước, rừng, ứng dụng khoa học công nghệ trong thời đại 4.0; đảm bảo an ninh, an toàn cho nông dân đẩy lùi tín dụng đen, hàng giả, hàng nhái...