Sự thật về cây cổ thụ “phun nước” trong đêm, người dân đến cầu nguyện xin số

09/12/2020 07:22

Cứ từ chiều tối đến hơn 23h mỗi ngày, cây còng lại “phun nước”. Cho rằng đây là hiện tượng lạ, hiếm gặp nên nhiều người dùng nước từ tán rơi xuống lau mặt với hy vọng sẽ được khỏe mạnh. Thậm chí, không ít con bạc, người mê tín còn khấn vái, cầu nguyện xin số đánh lô đề.

Đổ xô xem cây còng “phun nước”

Liên tục những ngày qua, người dân ở một số tỉnh miền Tây rỉ tai nhau về việc một cây còng cổ thụ, mọc ven con lộ nông thôn thuộc khóm 3 (thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) có khả năng “phun nước” vào ban đêm. Từ tin đồn này, hàng trăm người dân hiếu kỳ từ khắp nơi đã không ngại đường xa kéo đến xem, khấn vái, cầu nguyện xin số đánh lô đề.

Ngay sau đó, PV nhanh chóng có mặt để tiếp cận sự thật và mục sở thị cây còng “phun nước” mà người dân xôn xao đồn thổi kèm theo những câu chuyện đầy vẻ mê tín. Theo quan sát của PV, cây còng này cao khoảng 10m, tán rộng và đang trong giai đoạn trổ bông. Dù chỉ mới gần 18h nhưng tuyến lộ bê tông đi ngang qua cây còng đã có cả trăm người dân đang dừng xe máy tấp vào lề đường để chờ xem cây còng “phun nước”.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó khóm 3, thị trấn Lai Vung cho biết, việc người dân tụ tập để xem cây còng “phun nước” xuất hiện hơn 1 tuần qua. Thời điểm người dân kéo đến xem là từ chiều tối đến 23h đêm mỗi ngày. Theo ông Hùng, cây còng có khả năng “phun nước” đã trên 30 năm tuổi. Bởi, khi ông Hùng còn bé đã thấy cây còng mọc sừng sững tại đây. Cây còng này thuộc sở hữu của anh Nguyễn Minh Tâm, ngụ khóm 3, thị trấn Lai Vung.

GS.TS Lê Văn Hòa đang trao đổi với PV .

Là người dân tại địa phương, nhà đối diện cây còng “phun nước”, anh Nguyễn Quốc Cường (33 tuổi) thuật lại: “Ban đầu, một số người dân đi đường chạy xe máy ngang qua tán cây còng vào lúc chiều tối thì phát hiện có nước rơi xuống đầu. Phát hiện có nước rơi trên đầu, những người này nghĩ do các hộ dân lân cận phun sương bằng hệ thống tự động quên tắt nên họ dừng lại thông báo.

Tuy nhiên, người dân sống xung quanh cây còng không ai dùng hệ thống phun sương. Sau đó, mọi người ra kiểm tra thì phát hiện hiện tượng lạ, có nhiều nước rơi từ cây còng xuống đất giống như mưa phùn. Từ đó, người dân bắt đầu đồn thổi và lượng người hiếu kỳ kéo đến xem cây còng “phun nước” ngày một đông hơn”.

Vô tư đồn thổi

Bà Nguyễn Thị Huệ (55 tuổi, ngụ xã Long Thắng, huyện Lai Vung) nhà cách hiện trường hơn 10km. Tuy nhiên, từ chiều bà đã nhờ người thân chở đến tận nơi để được tận mắt chứng kiến cây còng “phun nước”, điều bà chưa một lần trông thấy. Bà Huệ cười xòa nói đầy vẻ ngạc nhiên: “Mấy ngày qua, đi đâu tôi cũng nghe người ta đồn về hiện tượng lạ, cây còng “phun nước” nên đến xem thử. Khi đến nơi, việc cây còng có khả năng “phun nước” là có thật nhưng không rõ đấy là hiện tượng gì”.

Hàng trăm người hiếu kỳ tụ tập dưới tán cây còng để xem cây “phun nước” (Ảnh: Thanh Lâm).

Việc hàng trăm người dân tụ tập quanh gốc cây còng vào mỗi tối để xem hiện tượng “phun nước” khiến thị trấn vốn yên bình bỗng trở nên xôn xao đến lạ. Cuộc sống người dân nơi đây dường như bị đảo lộn. Người già thì mất ngủ, các em học sinh thì không thể học bài bởi tiếng ồn ào kéo dài đến tận nửa đêm. Riêng những thanh thiếu niên thì dùng điện thoại chụp hình, quay clip cảnh hỗn loạn rồi đăng tải, chia sẻ lên mạng xã hội.

Chị Nguyễn Thị Diệu (30 tuổi, ngụ TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cũng có mặt lúc 19h để xem hiện tượng lạ. Chị Diệu cho biết, chị đến đây vì nghe có người đồn thổi, cây còng ở thị trấn Lai Vung “phun nước” vào ban đêm. Người dân đứng dưới tán cây còng chờ hứng nước rồi lấy nước này lau mặt. Nhiều người tin rằng việc này sẽ khiến họ khỏe mạnh. Thậm chí, có người tin rằng đến thắp hương dưới gốc cây còng để cầu số đánh lô đề sẽ trúng đậm nên tranh thủ đến xem. “Tuy nhiên, khi tôi đến nơi, chẳng thấy giống như đồn thổi. Đa phần người dân đến đây xem cây còng “phun nước” là vì tính hiếu kỳ”, chị Diệu nói.

Chính quyền địa phương cũng phủ nhận thông tin mê tín này, đó là những lời đồn thổi thiếu căn cứ. Riêng việc cây còng có khả năng “phun nước” vào ban đêm, lãnh đạo UBND thị trấn Lai Vung đã báo cáo lãnh đạo huyện Lai Vung và sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp để kiểm tra và kết luận hiện tượng nêu trên. Trong khi chờ các đơn vị chuyên trách đưa ra kết luận hằng đêm, địa phương phải cử lực lượng công an luôn túc trực tại hiện trường để điều tiết giao thông và giữ gìn tình hình an ninh trật tự.

Chỉ là hiện tượng bình thường

PV  đã đến nhà chủ nhân của cây còng có khả năng “phun nước” để tìm hiểu. Tuy nhiên, nhà của người này đã đóng cửa. Người dân cho biết, có thể những ngày qua, có quá nhiều người đã tìm đến hỏi thăm về sự việc này khiến gia chủ mệt mỏi nên đã vắng nhà. Một vị cao niên sống tại địa phương tiết lộ, cây còng “phun nước” xác định là trên 30 năm tuổi. Cây còng này được xem là cây con. Bởi sau khi cưa cây mẹ để lấy gỗ thì cây còng “phun nước” mới được mọc lên từ chồi nhánh và phát triển cho đến nay. Đây là hiện tượng hiếm gặp.

Lượng người hiếu kỳ kéo đến xem quá đông nên khiến việc di chuyển qua lại khu vực này rất khó khăn (Ảnh: Thanh Lâm).

Liên quan đến việc cây còng có khả năng “phun nước” vào ban đêm, GS.TS Lê Văn Hòa, Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (chuyên ngành sinh lý thực vật), trường đại học Cần Thơ đã cùng đoàn công tác thuộc sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp có mặt tại hiện trường để ghi nhận thực tế. Trả lời PV, GS.TS Lê Văn Hòa cho biết: “Qua quan sát thực tế, đây là hiện tượng bình thường. Hiện tượng này có thể xảy ra vào ban ngày nhưng chúng ta không nhận thấ. Bởi, vào ban ngày, nhiệt độ tăng cao nên nước bốc thoát. Còn ban đêm, nhiệt độ xuống thấp làm cho hơi nước đọng lại và rơi xuống làm cho bà con trông thấy hiện tượng giống như mưa”.

Cũng theo GS.TS Lê Văn Hòa, đặc biệt là giai đoạn cây còng trổ bông, đòi hỏi nhu cầu nước cung cấp cho bông cao hơn bình thường nên lượng nước tỏa đi nhiều so với các cây khác. Khi đêm về nhiệt độ xuống thấp, dẫn đến việc cây hút nước không bốc thoát ra bên ngoài mà đọng lại, đây gọi là hiện tượng ứ giọt. “Cây hút nước từ rễ và bốc thoát. Còn trong trường hợp này, cây không bốc thoát được nên xảy ra hiện tượng nêu trên. Đây chỉ là hiện tượng bình thường nên giải thích cho bà con hiểu, chứ không phải là chuyện lạ”, GS.TS Lê Văn Hòa nói.

Không nên đồn thổi quá mức

Theo chính quyền địa phương, việc cây còng “phun nước” vào ban đêm đã được GS.TS Lê Văn Hòa lý giải và kết luận đây chỉ là hiện tượng bình thường. Vì thế, mọi người không nên đồn thổi quá mức, mê tín dị đoan. Đồng thời, ngành chức năng cũng yêu cầu người dân không nên tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Thanh Lâm
Bạn đang đọc bài viết "Sự thật về cây cổ thụ “phun nước” trong đêm, người dân đến cầu nguyện xin số" tại chuyên mục Phóng sự. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)