Ngựa đua thành ngựa thịt
Trong dòng ký ức về “chiến mã” Nam Phương 1 bị chấn thương nhưng vẫn thấu hiểu nỗi đau của chủ, ông Hãnh bất giác trùng giọng buồn bã. Ông nói, sau khi biết nó không thể hồi phục, ông đã cắn răng bán con ngựa quý ấy đi. “Là ngựa đua mà không thể đua được thì đau khổ lắm. Dù thương yêu nó nhưng tôi đành bán nó đi. Sau này, khi trường đua đóng cửa, việc bán ngựa đua trở nên phổ biến hơn ở làng nuôi ngựa nức tiếng này”, ông nói. Cũng theo ông, trước đây, ở thời hoàng kim, ngựa trưởng thành rất giá trị. Một con ngựa tốt có thể bán được với giá vài trăm triệu đồng. Thế nhưng khi qua thời huy hoàng, ngựa hay, ngựa tốt đều ngang giá như ngựa thịt.
Những người nuôi ngựa có tiếng tại huyện Đức Hòa cho biết, hầu hết sau khi trường đua đóng cửa các lò luyện ngựa đều cố gắng gượng. Tuy nhiên, để tồn tại, nhiều hộ đành cắn răng bán ngựa cho các lò mổ. Lúc này, một con ngựa hay cũng chỉ bằng giá với một con bò. Anh Sơn cho biết: “Tôi mê ngựa và gắn bó với nghề từ năm 15 tuổi nhưng khi trường đua đóng cửa, không còn đất dụng võ, tôi cũng đành giải nghệ. Ngựa hay, ngựa tốt tôi đều bán cả vì nuôi ngựa vào lúc này tốn kém lắm. Nếu mình không chăm sóc nó chu đáo, nó xuống ký, thể trạng gầy ốm nhìn rất xót xa. Ngược lại, để ngựa đẹp thì tốn kém vô cùng. Trước đây, đi đua còn có giải, có đồng ra đồng vô để nuôi. Giờ nuôi ngựa đua cầm chắc lỗ”.
Cùng nhận định, ông Hai Le cho rằng, việc nuôi ngựa tốn kém ở khẩu phần ăn. Muốn ngựa đẹp, ngoài việc cho ăn cỏ, người nuôi phải cho ăn lúa. “Hiện nhà tôi có nuôi hơn chục con ngựa tốt. Việc này khá tốn kém vì muốn ngựa khỏe, ngoại hình đúng chuẩn thì phải cho ăn lúa. Mỗi con người tiêu tốn hết chục kg lúa mỗi ngày là điều bình thường, chưa kể còn phải bồi bổ thêm đậu xanh, đậu nành, ... Nhà tôi nuôi được là nhờ có ruộng trồng lúa, không phải bỏ tiền ra mua. Nếu không chắc trụ không nổi”, ông Hai Le khẳng định. Về việc này, ông Hãnh cũng chia sẻ một cách thẳng thắn rằng, hiện 3 con ngựa của ông chủ yếu phải ăn cỏ, rơm. Lâu lâu, ông mới cho ăn thêm lúa bởi ông không đủ kinh phí để mua lúa.
Ông Hai Le vẫn luôn mơ về ngày trường đua mở cửa trở lại. (Ảnh: Hà Nguyễn).
Ngoài ra, để có con ngựa đua đúng chuẩn, người nuôi phải chăm sóc chu đáo, tỉ mỉ. Ông Hai Le nói, đã nuôi ngựa đua, đã trót gắn bó với nó thì phải chăm sóc nó theo đúng chuẩn của một con ngựa đua. Ông tâm sự: “Ở thời nào cũng vậy, dù là lúc trường đua đang thịnh hay trường đua đóng cửa, là người nuôi ngựa đua, tôi luôn chăm sóc ngựa theo chuẩn. Tôi rất đau lòng khi con ngựa gầy ốm, trông mệt mỏi, nhếch nhác do không được chăm sóc vì đã nghỉ đua”.
“Do đó, tôi luôn chăm sóc ngựa như con của mình, vì nếu sơ suất, ngựa sẽ bị bệnh. Người nuôi như một bác sĩ thú y, phải biết tiêm thuốc, biết ngựa bệnh gì và trị bằng thuốc nào. Mỗi ngày phải thức sớm dắt ngựa đi quần giò, quần nước. Trưa phải cho ngựa ăn, uống, chiều từ 15-16h lại dắt ngựa ra quần nước. Khi ngựa còn nhỏ phải làm giấy khai sinh y như con người… Chăm sóc ngựa vất vả trong khi đầu ra của ngựa lại rất bấp bênh khiến nhiều người không trụ nổi. Ngựa đua thành ngựa thịt là vì vậy”, ông Hai Le phân tích.
Rời trường đua vào trang trại đại gia
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, những năm gần đây, nhiều mã sư nổi tiếng vẫn trụ và sống tốt được với nghề nuôi ngựa đua bởi họ biến cách lèo lái cái nghề của mình. Ông Hãnh tiết lộ, giá một con ngựa tốt bây giờ không còn cao như thời trường đua hưng thịnh. Tuy nhiên, hiện nay, giá ngựa ở làng ngựa đua vẫn khá cao và có đầu ra. “Tôi không tính đến việc nuôi ngựa để bán cho lò mổ. Việc làm này có thể sẽ làm mất đi gen ngựa quý mà chúng tôi đã kỳ công lai tạo và thuần dưỡng cho phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Đầu ra ở đây là những đại gia thích ngựa, yêu ngựa”.
Những chiến mã này có thể sẽ trở thành thú cưng của đại gia nếu trường đua không mở cửa trở lại. (Ảnh: Hà Nguyễn).
Theo ông Hãnh, hiện nay, xuất hiện trào lưu nuôi ngựa phong thủy, nuôi ngựa cảnh trong giới đại gia. Ông cho biết, tầng lớp này tìm mua ngựa đẹp với nhiều mục đích khác nhau. “Có người tìm mua ngựa vì thực sự mê và yêu loại động vật này và muốn sở hữu chúng. Có người lại mua ngựa như một loại linh vật phong thủy. Họ tin con ngựa họ mua sẽ giúp vận mệnh họ tốt hơn. Có khi họ mua về để thả trong trang trại như một loại thú cưng hoặc để cưỡi theo kiểu thể thao, thư giãn như chúng ta thường thấy ở nước ngoài. Mới hôm trước, có người bán được cho đại gia một con ngựa tốt với giá hơn trăm triệu đồng”, ông Hãnh tiết lộ.
Khẳng định thông tin này, anh Sơn cho biết, mới đây, anh vừa được một Việt kiều Pháp đề nghị nuôi, dưỡng ngựa trở lại. “Người này rất thích ngựa nhưng không có kinh nghiệm, thời gian để nuôi. Do đó, họ có tìm tôi và đề nghị sẽ cấp vốn, mua ngựa nhờ tôi nuôi dưỡng. Sau khi nuôi, họ sử dụng ngựa này vào mục đích gì thì tôi chưa rõ. Tuy nhiên, họ đã đồng ý cấp 100% vốn cho tôi nuôi. Tôi vẫn chưa đồng ý. Thú thực, dù bỏ nghề đã nhiều năm nhưng tôi vẫn nhớ và yêu ngựa lắm, yên, cương tôi vẫn cất trong kho. Chỉ là nuôi rồi không có chỗ để đua. Nuôi để bán cho đại gia cũng được nhưng hiếm lắm, không đáng bao nhiêu so với việc bán cho trường đua. Nếu trường đua mở cửa trở lại, tôi sẽ lại dựng chuồng, mua ngựa về nuôi”, anh Sơn nói thêm.
Cũng theo anh, “đầu ra” này không đáng kể và không mấy bền vững. Là người từng nhiều lần cung cấp ngựa cho các đại gia, ông Hai Le cũng khẳng định, không phải lúc nào cũng tìm được một đại gia dám bỏ ra một số tiền lớn để mua ngựa. Và, phần lớn các đại gia chỉ săn lùng, chấp nhận dốc hầu bao cho con ngựa mà họ đặc biệt yêu thích vì một lý do nào đó. Bởi thế, nuôi ngựa đua để cung ứng cho đối tượng khách hàng này không mang tính ổn định. Hơn thế, nuôi ngựa để cung cấp cho đại gia không hề dễ dàng. Bởi, khách hàng này thường lựa chọn ngựa có ngoại hình đẹp, có thần thái và đặc biệt dễ gần. Do đó, người nuôi phải nâng cao thêm tay nghề, mở rộng thêm kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách.
May thay, ông và những mã sư được nhiều người biết tiếng ngoài khách hàng là đại gia còn tìm được chỗ đứng ở các “đầu ra” khác. Nhiều năm trở lại đây, những loài ngựa lai có ngoại hình to lớn, đẹp đã xuất hiện tại các khu du lịch, khu vui chơi,… Ông Hãnh nói: “Ngoài việc bán ngựa tốt cho đại gia, đầu ra khác có vẻ khả dĩ hơn là bán cho các địa phương để làm du lịch. Chúng tôi thường bán cho các khu du lịch ở Lâm Đồng, Bình Thuận, Kiên Giang...”. Tuy nhiên, những người nuôi ngựa tại đây đều cho rằng đây là việc làm chẳng đặng đừng. Bởi, chưa bao giờ người nuôi ngựa đua nơi đây nghĩ sẽ biến những sản phẩm từng là niềm kiêu hãnh của mình trên đường đua thành ngựa kéo, ngựa thồ trong các khu du lịch, gánh xiếc.
Đều là những giống ngựa quý
Anh Phan Văn Sơn cho biết: “Người dân Đức Hòa có truyền thống nuôi ngựa đua từ lâu. Cũng như tôi, người dân nơi đây vẫn đam mê nghề nuôi ngựa lắm. Những giống ngựa còn lại ở Đức Hòa đều là ngựa quý, được nhập từ Pháp những năm đầu thế kỷ trước. Hơn một trăm năm nuôi, thuần hóa, ngựa đã quen thổ nhưỡng, khí hậu và là giống gien rất quý. Cho đến ngày nay, từ bộ gen nhập trải qua nhiều năm đã trở thành bộ gen thuần chủng, có thể gọi giống ngựa ở đây là giống nội địa cũng được. Ngựa có thể lực lớn, tốc độ cao. Tuy nhiên, với tình trạng hiện tại, giống ngựa này có thể dần mai một và bị lãng phí”.