Được thành lập từ năm 2001, đến nay cũng gần 20 năm hoạt động, trung tâm đã tạo việc làm cho hàng trăm trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ tìm thấy nhiều hơn nữa ý nghĩa của cuộc sống.
Tấm biển với dòng chữ “Chỉ có nghề nghiệp, việc làm mới giúp các em thoát khỏi nghèo khó vượt qua được nỗi bất hạnh của số phận” được treo tại phòng chính như để nhắc nhở với tất cả mọi người về tầm quan trọng của công việc.
Các em nhỏ tại Trung tâm nhân đạo Linh Quang trìu mến gọi ông Trần Duyên Hải bằng cái tên đầy yêu thương “thầy Hải”. Có lẽ với những mảnh đời bất hạnh này, ông Hải vừa là người thầy, vừa là người cha chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy các em biết cách sống, cách làm việc. Họ là những người có hoàn cảnh đặc biệt cùng tìm đến đây để nương tựa, để học nghề và tìm niềm vui, hạnh phúc cho bản thân và trở thành người có ích cho xã hội.
Ông Hải cần mẫn chỉ dạy cách làm cho học viên tại trung tâm.
Ông Hải kể khi tận mắt chứng kiến nhiều trẻ lang thang, cơ nhỡ ở các tỉnh lân cận tìm về Hà Nội ăn xin hoặc móc túi khiến ông cứ day dứt không nguôi, luôn trằn trọc suy nghĩ làm thế nào để giúp đỡ tụi nhỏ. “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”, nghĩ vậy ông Hải bỏ toàn bộ số tiền đang có để mở lớp. Ban đầu khó khăn chồng chất khó khăn vì thiếu thốn đủ thứ và các em nhỏ ngày càng đông. Với số tiền ít ỏi của ông khó mà duy trì được lớp học lâu dài. Sau đó, ông đi kêu gọi, vận động sự giúp đỡ các đơn vị, tổ chức, các nhà hảo tâm để duy trì và phát triển trung tâm. Ở đây, học viên được học may vá, thêu thùa, sửa chữa điện, v.v…
Chị Hương Anh, học viên của trung tâm chia sẻ: “Thầy đưa chúng em xuống đây, dậy cho chúng em học nghề, tạo việc làm giúp chúng em có thu nhập cho cuộc sống ổn định”.
Căn phòng rộng, thoáng treo đầy những bằng khen, cờ lưu niệm là động lực để thầy Trần Duyên Hải vẫn hàng ngày nỗ lực và kiên trì ươm mầm sống cho những số phận không may.