Giới siêu giàu bị bóp méo trong phim ảnh

26/09/2021 13:41

Series Hàn Quốc “Squid Game” phản ánh cái nhìn khuôn mẫu nhưng cũng bộc lộ quan điểm xã hội về nhóm tinh hoa quyền lực với cuộc sống đầy bí ẩn.

Trong Squid Game, đứng đằng sau trò chơi đẫm máu là những cá nhân giàu có sống xa hoa trên khắp thế giới.

Ngay từ trò chơi đầu tiên, Squid Game đã là một sàn đấu không khoan nhượng. Nhưng kể từ khi đặt chân tới Hàn Quốc trong những chiếc phi cơ riêng, đám khách mời VIP lại càng khiến mọi chuyện tệ hại. Một kẻ nhúng tay vào “tăng độ khó” cho trò chơi, khiến hàng loạt người mất mạng. Người khác định cưỡng bức một nam phục vụ.

Hình ảnh những gã đàn ông giàu có bụng phệ da trắng nói giọng Anh - Anh, hợm hĩnh và độc ác trong Squid Game là hình dung khuôn mẫu về những kẻ “giàu mà ác” thường thấy trên màn ảnh. Trong phim kinh dị Hostel, những người đàn ông thành đạt giàu có lập hẳn một câu lạc bộ để săn và chặt xác khách du lịch.

Squid Game,  Netflix,  giau anh 1

Phim The Hunting xoay quanh hành trình sinh tồn của một nhóm người bị bắt cóc trên khắp nước Mỹ cho một nhóm cá nhân giàu có bệnh hoạn săn đuổi.

Câu chuyện Lọ Lem cưới Hoàng Tử bỗng chốc biến thành phim kinh dị trong Ready Or Not, khi một cô nàng mới cưới phát hiện ra “truyền thống” săn cô dâu của họ nội giàu có.

Những ví dụ trên chỉ là một vài hình dung méo mó về nhóm người giàu trên phim ảnh. Tuy nhiên, giới tinh hoa giàu có từ lâu đã là đối tượng hứng chịu nhiều định kiến.

Khuôn mẫu tính cách của người giàu trong phim

Bộ phim Indecent Proposal (1993) có cảnh nhân vật Diana của Demi Moore trao đổi với tỷ phú John Gage (Robert Redford) về giá trị đồng tiền. Gage nói: “Cô đang nói tiền không mua được tình yêu ấy à? Thật sáo rỗng làm sao”.

Squid Game,  Netflix,  giau anh 2

Gage sau đó đề nghị trả 1 triệu USD để được ngủ với Diana, lúc này là người đã có chồng, trong một đêm. Hai vợ chồng David, Diana sau đó đã đồng ý.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi tiến sĩ Kristian Niemietz và các cộng sự trên 560 bộ phim Hollywood cho thấy có 43 tác phẩm xây dựng rõ ràng về hình tượng người giàu có. 31/43 phim có mở đầu về nhân vật người giàu dưới góc độ tiêu cực, nếu không lạnh lùng thì cũng là tham lam, hợm hĩnh, độc ác. Chỉ có 9 tác phẩm đem lại ấn tượng đầu tiên tích cực về những người giàu có.

Các khuôn mẫu tính cách được Niemietz chỉ ra bao gồm: Người giàu bất chấp tất cả để theo đuổi mục tiêu kinh tế (Once Upon a Time in the West, The Towering Inferno, Kingsman: The Secret Service), người giàu chỉ có lợi nhuận mới làm hài lòng họ, chỉ có lấp đầy túi mới khiến họ thỏa mãn (Wall Street, The Wolf of Wall Street), người giàu nhận ra những lỗi lầm trong cách sống và biết hướng thiện về sau này (Pretty Woman, Schindler’s List).

Được mô tả là những cá nhân thông minh, năng lực, nhưng tầng lớp giàu có trong phim hầu hết được khắc họa đi kèm với các tính cách như tự mãn, tàn nhẫn, háo lợi, sẵn sàng làm hại người khác nếu điều đó đem lại lợi ích cho bản thân. Họ bị tước bỏ nhân tính, đặt vào những câu chuyện mà chỉ có sự trừng phạt đối với người giàu mới khiến người xem hả hê.

Lối mòn và sự đổ lỗi

Một trong những lý do tạo nên thái độ chung của cộng đồng đối với người giàu đến từ ảnh hưởng của bất bình đẳng. Trong một xã hội mà giới siêu giàu chỉ chiếm 0,003% dân số thế giới nhưng lại nắm trong tay 13% tổng tài sản toàn cầu, hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng được đào sâu.

Squid Game,  Netflix,  giau anh 3

Các tác phẩm như Parasite, Joker hay Us xoáy sâu vào những rạn nứt xã hội xảy ra khi tầng lớp nghèo khó, lao động bị dồn cùng đường trong khi đối diện với thiên đường của giới giàu có.

Khoảng thời gian dịch bệnh xảy ra càng khiến nhiều người bất mãn. Chúng ta nhìn lên cuộc sống dễ dàng của những người giàu, chúng ta ghen tị và cho rằng giới giàu có là nguồn cơn nỗi bất hạnh của mình.

Những người nghèo hơn bình luận về các cá nhân tích trữ hàng tỷ USD, những tỷ phú mà chỉ cần trích một phần trong tài sản của mình là đã có thể dễ dàng chấm dứt nạn đói trên thế giới.

Điện ảnh khai thác vấn đề bất bình đẳng và mặt xấu của chủ nghĩa tư bản nhằm đem đến tiếng nói cho những người yếu thế. Đó là mong ước và hình dung của con người về một thế giới bình đẳng hơn, mọi người đều được trao cơ hội, một thế giới dành cho lòng tốt và sự tử tế.

Thế nhưng bấu víu vào khuôn mẫu tiêu cực nhìn nhận người giàu, người ta dễ bị rơi vào cái bẫy “con dê chịu tội” (scapegoating). Đó là khi một nhóm người bị đổ lỗi, phải chịu trách nhiệm do một nhóm khác gây ra. Định kiến ​​cho rằng người giàu lạnh lùng, ích kỷ, độc ác, vô đạo đức, gia đình không hạnh phúc chỉ nhằm thúc đẩy cảm giác thượng đẳng của một người bù đắp cho sự tự ti của chính họ.

Squid Game,  Netflix,  giau anh 4

Không phải bất cứ vấn nạn nào của nhóm người nghèo đều có thể đổ tội cho nhóm người giàu.

Việc nhìn nhận ra những khuôn mẫu sáo mòn về giới thượng lưu trong Squid Game hay các phim điện ảnh ngày nay là cần thiết. Chúng sẽ không mất đi trong ngày một ngày hai: điện ảnh là tấm gương phản chiếu xã hội.

Ngày nào vẫn còn những bất công, bất bình đẳng thu nhập tồn tại thì ngày đó vẫn sẽ còn sự đố kỵ và ganh ghét dành cho giới siêu giàu. Tuy nhiên, khi vén bức màn của định kiến, chúng ta cần chấp nhận sự thật là tiền bạc không đại diện cho nhân cách con người.

Theo: Zing

Bạn đang đọc bài viết "Giới siêu giàu bị bóp méo trong phim ảnh" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)