Kỳ công “biến” dừa lên mộng thành kiểng bonsai của lão nông miền Tây

16/10/2020 09:34

Ít ai nghĩ rằng từ những trái dừa lên mộng phải bỏ đi, một lão nông ở Cà Mau lại tạo nên kiểng bonsai “độc nhất vô nhị”, được nhiều người ưa thích.

Tạo hình 12 con giáp trên trái dừa

Cách đây 4 năm trước, ông Nguyễn Việt Hùng (62 tuổi, ngụ thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) từng là Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Cà Mau. Sau khi về hưu, ông rời phố thị xa hoa, để lại căn nhà cho đứa con ở rồi cùng người vợ khăn gói về mảnh đất tổ tiên để an hưởng tuổi già.

Thời gian đầu về hưu, ông cảm thấy rất buồn và luôn trăn trở phải làm một điều gì đó để đỡ lãng phí thời gian. Trong một lần lên mạng internet, ông Hùng tình cờ thấy mô hình trồng dừa bonsai tại một số tỉnh bạn. Bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của những cây dừa bonsai, ông đã quyết định tìm hiểu và trồng thử.

Ông Hùng chia sẻ: “Ban đầu tôi tạo hình trên gáo dừa, chơi bonsai gáo dừa. Nhưng về sau, tôi thấy bonsai gáo dừa nhiều người có thể làm nên đã nghiên cứu tạo hình trên cả trái dừa khô. Đây là một hình thức mới, cả tỉnh Cà Mau chưa ai có thể làm được điều này”.

Nghĩ là làm, ông Hùng bắt đầu sưu tầm những trái dừa có mầm mọc lên với tư thế đẹp, độc, lạ có vỏ dày và to để đủ thịt tạo hình. Sau đó, ông nghiên cứu xem trái dừa phù hợp với con vật gì mới tiến hành lên ý tưởng vẽ phát họa, rồi khắc hình. Thời gian đầu, ông chưa có kinh nghiệm nên có nhiều sản phẩm bị lỗi, chất lượng không cao. Tuy nhiên, qua thời gian tích lũy, ông đã tạo ra nhiều sản phẩm ưng ý, được nhiều người ưa thích.

Mỗi trái dừa kiểng bonsai là cả tâm huyết của người làm.

Ông Hùng nhớ lại: “Lúc đầu, khi mới bắt tay vào tạo hình trên vỏ dừa khô thì trầy trật lắm do xơ dừa khô mềm khó khăn trong việc khắc những chi tiết nhỏ. Sau này, tôi sử dụng phương pháp đốt nóng, dùng mỏ hàn điện nung nóng lên rồi khắc lên vỏ dừa kết hợp với sử dụng keo dính để xơ dừa cứng lại”.

Theo ông Hùng, thời gian để hoàn thành một sản phẩm trái dừa bonsai tùy thuộc vào độ phức tạp của con vật, trung bình từ 2-5 ngày. Để tạo hình con vật trên trái dừa khô bonsai, cơ bản trải qua 5 bước. Đầu tiên khi đã có trái dừa ưng ý, ông sẽ vẽ phát họa hình ảnh con vật, rồi tạo hình; kế đến sơn một lớp mỏng; trang trí; phun thuốc chống mối mọt; nuôi bộ rễ, để bonsai trái dừa phát triển tốt.

Cũng theo ông Hùng, công đoạn khó nhất là giai đoạn nuôi bộ rễ của cây dừa trong thủy canh. Ngoài việc định kì thay nước và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho môi trường thủy canh, người chơi phải gắn thêm một miếng vải từ rễ lên cây để hỗ trợ cho cây dừa hút nước, hút chất dinh dưỡng. Đồng thời, những chậu bonsai dừa cảnh nên được đặt gần cửa sổ, nơi có ánh sáng để cây phát triển tốt.

Nghệ nhân, nghệ sĩ đa tài

Ông Nguyễn Việt Hùng cho biết thêm: “Thời gian làm hoàn chỉnh để trao đổi mua bán được, nuôi sống cây dừa cho có mộng, có rể nuôi trong thủy canh thì khoảng trên 2 tháng. Mấy trái dừa mộng, rể nó phát triển tốt thì nhanh, còn mấy trái chưa có rể phát triển thì thời gian chờ hơi lâu. Riêng, một số con vật phức tạp mà trái dừa không tạo hình được thì phải tìm thêm vỏ dừa để đắp, nối thêm”.

Với cách làm trên, tính đến thời điểm này, nhiều người không khỏi trầm trồ trước bộ sưu tập hàng chục trái dừa bonsai được tạo hình 12 con giáp và nhiều linh vật phong thủy khác như: Cóc ngậm đồng tiền, tỳ hưu… Giá trung bình của mỗi cây dừa bonsai tạo hình con vật từ khoảng 500.000 đồng, một số con vật kỳ công thì có giá cao hơn.

Mỗi cây dừa bonsai tạo hình con vật từ khoảng 500.000 đồng, một số con vật kỳ công thì có giá cao hơn.

Những dừa kiểng bon sai “độc nhất vô nhị” của ông Hùng hiện đã có nhiều đơn đặt hàng để tạo hình con vật như mong muốn của khách hàng. Trong dịp Tết Nguyên đán 2020, ông dự định tạo hình nhiều mẫu con chuột để trưng bày. Ưu điểm của tạo hình con vật trên vỏ dừa bonsai là người mua có thể sử dụng trưng trong thời gian dài vì có lớp vỏ và gáo dừa được quét nước sơn, có khả năng chống nước và độ bền cao.

Từ những trái lên mộng tưởng chừng bỏ đi, giờ đây qua sự sáng tạo, bàn tay khéo léo và óc tỉ mỉ của ông Nguyễn Việt Hùng đã tạo ra những món quà ý nghĩa với dừa tạo hình nghệ thuật độc đáo và trở thành những “món quà biếu Tết” thay những thông điệp ý nghĩa của người trao và người nhận. Bởi, đây không chỉ mang đến những lời chúc một năm mới đầy sung túc, phát tài, một năm chuyển biến với nhiều may mắn, thuận lợi, đột phá vượt bậc mà còn là cách biểu thị sự tinh tế, cách chọn quà khéo léo của người tặng.

Ngoài ra, ông Hùng còn là một nhạc công, một chủ nhiệm câu lạc bộ “Đờn ca tài tử” đầy nhiệt huyết, đam mê của khóm 8, thị trấn Trần Văn Thời. Câu lạc bộ này hoạt động vào thứ 7 (cách 2 tuần hoạt động một lần) tập trung tại nhà ông Hùng. Ông cho biết, vì quá đam mê nên tự lập câu lạc bộ, tự mua dụng cụ và dần dần những tiếng đờn, tiếng hát đã lôi kéo những người yêu âm nhạc đến lại gần nhau, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Việt Tâm
Bạn đang đọc bài viết "Kỳ công “biến” dừa lên mộng thành kiểng bonsai của lão nông miền Tây" tại chuyên mục Truyền hình Arttimes. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)