Tình thương bao la của người đàn ông dành cơ ngơi trăm tỷ cho trẻ em cơ nhỡ

04/12/2020 16:21

Ông Hiệp khiến những người biết đến mình ngỡ ngàng khi ký giấy sang nhượng toàn bộ cơ ngơi hơn trăm tỷ đồng cho những đứa trẻ tưởng như bị số phận nghiệt ngã bỏ rơi. Với ông, hạnh phúc là khi thấy đàn con nuôi có những hoàn cảnh đặc biệt lớn lên, vui vẻ và khỏe mạnh.

Những đứa con đặc biệt

Ngày cận Tết, ông Bùi Công Hiệp (61 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) dường như tất bật gấp nhiều lần những ngày thường. Dù đã có tuổi và là người đứng đầu cơ sở Bảo trợ trẻ em Thiên Thần (quận 9, TP.HCM) nhưng ngày ngày ông vẫn tận tuỵ chăm sóc cho 88 đứa trẻ tại đây theo đúng nghĩa của một người cha đầy trách nhiệm. Mỗi sáng, ông vẫn thức giấc trước các con để cùng các nhân viên tại đây chuẩn bị bữa sáng cho các bé, hướng dẫn các bé vệ sinh cá nhân rồi đưa các con đi học. Những ngày cận Tết, ông tất bật hơn vì phải chuẩn bị áo quần, quà bánh mới cho những đứa con đặc biệt của mình. Chiều muộn một ngày giữa tháng 12, tôi được gặp ông sau khi ông vừa đón các con đi học về.

Trong tiếng đùa vui của trẻ nhỏ giữa khoảng sân rộng, tôi thấy người đàn ông mặc chiếc áo sờn vai ngồi lặng thinh nhìn hoàng hôn đang dâng tím ngắt ở phía chân trời. Ông chỉ trở lại thực tại khi bé trai mếu máo chạy đến “mách bố” vì mới bị em dành đồ chơi. Có lẽ nhận thấy sự ngạc nhiên của tôi nên ông nói ngay, ở đây, tại cơ sở đang nuôi dưỡng 88 trẻ này, ông đều được các bé gọi bằng bố.

Ông nói: “Điều này cũng có nhiều người thắc mắc và nói, tôi đã ngoài 60 rồi, các bé nên gọi tôi bằng ông mới đúng chứ. Nhưng không. Không phải tôi muốn các bé gọi tôi bằng bố để mình có được cái quyền uy hay tỏ ra mình là người quyền lực nhất trong gia đình. Tôi muốn các bé gọi tôi bằng bố thứ nhất là về tâm lý các bé có bố. Tôi muốn các bé thấy bạn bè ngoài kia ai cũng có bố có mẹ thì các bé tại đây cũng có bố”.

“Thêm vào đó, các bé gọi tôi là bố suốt ngày để tôi tự nhắc nhở mình rằng phải làm tròn trách nhiệm của một người bố đúng nghĩa đối với các con của mình. Tức là đùm bọc, dạy dỗ nó chứ không phải chỉ là quẳng tiền ra cho mấy cô bảo mẫu chăm lo còn họ đối xử với các bé thế nào thì không quan tâm”, ông nói thêm.

Tôn chỉ trên khiến ông trải qua vô số khó khăn mà không phải ông bố nào cũng phải đối mặt, vượt qua. Ông cho biết, đúng5 năm nay, ông chưa về nhà. Cả Tết, ông cũng không về mà ở lại chăm sóc các con. Thậm chí, có nhiều bạn bè thân thiết mời đám cưới, tiệc tùng, ông cũng không thể đến dự. Sáng 4h30, ôn cùng những nhân viên trong cơ sở đã phải dậy lo cho các bé. Cho các bé ăn xong, ông đôn đốc các con vệ sinh quần áo rồi đưa con đi học. Chiều ông lại lái xe đến đón các con về.

Tuy nhiên, những công việc ấy bây giờ đối với ông là cả một niềm vui, đam mê. Bởi ông đã trải qua những tháng ngày đầu tiên bỡ ngỡ và cực nhọc từ sự thử thách của chính vợ mình.

Ông Hiệp chơi đùa cùng các con của mình sau bữa ăn tối.

Ông Hiệp kể: “Lúc đầu nhận các con về bà xã tôi kiên quyết phản đối khi tôi nói sex nhận luôn các bé sơ sinh, sinh thiếu tháng. Bà ấy nói, các bé còn quá nhỏ, sức khoẻ lại chưa hoàn thiện, có khi nhận về chỉ một tiếng sau là bé không qua khỏi. Trong khi đó, chúng tôi chưa có kinh nghiệm trong việc chăm sóc các trường hợp này. Nhưng tôi nhất định nhận vì khi nghe câu chuyện của mẹ các bé tôi lại không đành lòng. Thấy vậy, bà xã tôi cũng giận nhưng đưa ra yêu cầu ban đêm tôi phải tự tay chăm sóc mấy bé sơ sinh mà không có bất kỳ sự trợ giúp nào từ các nhân viên”.

“Tôi chấp nhận. Sau đó, 3 tháng trời tôi tự mình chăm sóc các bé. Thời kỳ đầu cực lắm. Tôi gọi thời gian đó là thời kỳ khủng hoảng. Chăm một bé sơ sinh đã khó, đằng này tôi nhận chăm một lúc 5 đứa mới  2-3 ngày tuổi. Cứ thế, tôi vừa cho đứa này bú bình xong thì đứa khác lại khóc ré lên. Đôi khi đang cho đứa này bú thì đứa cạnh đi vệ sinh,…  Nhiều lúc tôi rối rít, quýnh quáng đổ mồ hôi hột luôn. Nói là không phụ giúp, nhưng mỗi đêm trong lúc tôi chăm mấy bé, bà xã tôi cũng nóng ruột. Nhưng vì lời hứa, đã thử thách, bà ấy chỉ ngồi trong nhà rồi khi thấy tôi làm gì đó chưa đúng hoặc chưa phù hợp thì bà ấy ra nhắc nhở phải làm cái này, làm cái kia, làm thế này làm thế kia. Bà ấy cũng căng lắm, bà nói với mấy cô bảo mẫu có thấy xót cho tôi cũng không cho họ phụ giúp để tôi thấm cái khổ”, ông kể thêm.

Cho con cả cuộc đời

Kể xong niềm vui vượt qua thử thách cam go trên, mắt ông lại ánh lên niềm hạnh phúc khó tả. Không để tôi phải ra lời thắc mắc, ông nói ngay rằng, đến lúc này, điều khiến ông vui và hạnh phúc nhất là vừa hoàn tất các giấy tờ cần thiết để chuyển nhượng toàn bộ cơ ngơi trị giá hơn 100 tỷ đồng cho các con của mình. Ông nói: “Lúc đầu tôi cảm thấy áp lực vô cùng. Tôi sợ gia đình không đồng ý chuyện này vì chúng tôi không dư dả nhiều, chỉ có mảnh đất với căn nhà để lại cho 2 người con. Tuy nhiên, thật bất ngờ, hai người của tôi đều đồng ý với nguyện vọng của tôi. Cả hai giúp tôi thuyết phục những thành viên chưa thể thông cảm cho tâm nguyện cuối cùng này. Sau đó, tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều chấp nhận mong muốn ấy. Đó là ngày tôi cảm thấy hạnh phúc nhất”.

Ông Hiệp tập trung các con cho buổi học thêm các môn năng khiếu vào ban đêm.

Ông nói, ông phải nghĩ đến lúc các con của ông lớn lên chứ, nhỡ ra đời, lỡ sa cơ thất thế chúng còn nơi để mà về. Hơn thế, ông cho rằng khi mình già yếu đi, không còn sức để lo cho các bé nữa, các con của ông vẫn có cơ ngơi này để an cư và lạc nghiệp. Ông đã quyết như thế và hoạch định luôn việc sẽ cho các con tự lập ra hội đồng tự quản trong ngôi nhà chung ấy. Nghĩa là sau này, khi các con ông lớn, thành viên nào muốn thực hiện việc gì đó đều phải thông qua hội đồng này. Được các hội đồng chấp thuận, thành viên đó mới được thực hành. Theo ông, điều này thể hiện sự công bằng giữa các con của ông dù các bé được nhận nuôi ở những thời điểm không giống nhau và có hoàn cảnh đặc biệt khác nhau.

Nhắc đến hoàn cảnh của các con, ông lại suy tư, ném ánh nhìn vào phía hoàng hôn tím ngắt phía chân trời. Phải mất mấy giây, ông mới kể về ánh nhìn đầy đau khổ của cô gái quyết định để lại đứa con cho ông nuôi. “Nó là đứa “đầu đàn”. Mẹ nó là sinh viên sắp tốt nghiệp cao đẳng nhưng mang thai ngoài ý muốn. Khi cô ấy đến đây, nhìn nét mặt, tôi cảm thấy sự đau khổ cùng cực của người mẹ khi xa con. Những người mẹ như vậy khi đem con đến các trung tâm nuôi dạy trẻ như tôi thường có suy nghĩ sẽ mất con mãi mãi.

Cô gái này cũng vậy nhưng có lẽ không có lựa chọn. Tôi thấy nỗi đau của cô ấy hiện rõ trên từng nét mặt. Tôi không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả nỗi đau ấy. Có lẽ lúc này, cô ấy còn cảm thấy đau đớn hơn lúc sinh bé ra. Sau nayf, khi có những bà mẹ đến đây gửi con, tôi đều trấn an rằng: “Đừng sợ gì hết, cứ gửi con vào đây. Tôi lấy tính mạng, tài sản của tôi để bảo đảm cho nó. Các em nên cứ yên tâm học hành, làm ăn, cứ yên tâm gây dựng sự nghiệp rồi sau này mẹ con đoàn tụ đừng để chúng đi cù bơ cù bất”, ông Hiệp kể.

Trò chuyện ít phút về những hoàn cảnh của các con của ông tại trung tâm, tôi được biết, hiện tại, có bé có ba mẹ đang nhiễm HIV. Khi bé gửi được 1 tháng thì ba bé qua đời. “Lúc đó, bé có về chịu tang. Đến nay, mẹ bé cũng không còn tin tức nữa, tôi nghĩ chắc cô ấy cũng không còn. Tôi chỉ mong những trường hợp như vậy, khi lớn lên, các bé sẽ tạm chấp nhận nơi đây là mái nhà chung của nó.

Tôi chỉ hy vọng như vậy thôi chứ không quả quyết như vậy vì nó muốn nó chấp nhận đây là đại gia đình của nó thì còn phụ thuộc vào việc anh em của nó đối xử với nó như thế nào, bố nó sống với nó ra sao, sau này nó ra ngoài sinh sống nó có ngẩng cao đầu với xã hội được hay không, … Tuy nhiên, tôi đã quyết cho các con tất cả cuộc đời này”, ông Hiệp nói rồi xin cắt dòng suy nghĩ của tôi để lấy khăn lau má cho một đứa con mặt lem luốc bùn đất sau buổi tập võ thuật.

Hà Nguyễn
Bạn đang đọc bài viết "Tình thương bao la của người đàn ông dành cơ ngơi trăm tỷ cho trẻ em cơ nhỡ" tại chuyên mục Truyền hình Arttimes. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)