Ngày 8/11, V.League đã kết thúc trọn vẹn với chức vô địch thuộc về CLB Viettel. Giải vô địch quốc gia Việt Nam là một trong số những giải quốc nội của Đông Nam Á có được đoạn kết trọn vẹn trong một năm chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Phần còn lại của Đông Nam Á hoặc không thể kết thúc giải đấu, hoặc phải thay đổi thể thức, chịu tác động nặng nề của đại dịch.
Chỉ 6 giải Đông Nam Á kết thúc trong năm 2020
Ngoài V.League, trong 11 giải quốc nội Đông Nam Á, chỉ 5 giải đi tới kết thúc. Đó là giải quốc nội của Malaysia, Philippines, Myanmar, Campuchia và Lào.
Giải Lào được xem là thành công nhất trong số này. Giải đấu này chỉ hoãn tới tháng 7 trước khi đá liên tiếp từ đó tới khi hết mùa. Mùa giải Lao Premier League 2020 có 7 đội nên chỉ kéo dài 12 vòng. Đây là lợi thế giúp người Lào kéo giải quốc nội tới đoạn kết thành công.
Không được như giải Lào, Cambodian League buộc phải thay đổi thể thức sau 4 tháng bị hoãn. Thể thức mới của giải Campuchia giống V.League, đá vòng tròn lượt đi trước khi chia nhóm tranh vô địch và xuống hạng ở lượt về. Cambodian League kéo dài 18 vòng và cũng kết thúc trong êm đẹp.
Giải Myanmar và Malaysia lần lượt gián đoạn 5 và 6 tháng. Người Myanmar giữ được mùa giải tiêu chuẩn nhưng có 2 đội bỏ giải, lượt về phải chơi tập trung ở Yangon với số cổ động viên hạn chế. Giải Malaysia phải cắt toàn bộ lượt về.
Giải quốc nội Philippines là giải Đông Nam Á cuối cùng kết thúc được trong năm 2020. Tuy nhiên, từ 24 trận tiêu chuẩn, giải Philippines phải rút xuống còn 5 trận sau 7 tháng bị hoãn.
Giải Thái Lan phải hoãn thời gian dài, thay đổi thể thức khiến tuyển thủ Việt Nam Đặng Văn Lâm bị ảnh hưởng. Ảnh: Muangthong.
Thái Lan và những giải đấu không thể hoàn thành
Không may mắn như các giải trên, giải quốc nội Thái Lan, Indonesia, Singapore, Timor-Leste và Brunei hoặc phải thay đổi thể thức, hoặc phải hủy giải.
Sau thời gian gián đoạn kéo dài, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) tận dụng dịp này để thay đổi toàn bộ hệ thống Thai League. Giải Thai League mới có thời gian thi đấu vắt qua 2 năm dương lịch. Sau nửa năm “đóng băng”, bóng đá Thái đã trở lại. Thai League 2020/21 hiện mới đi được hơn chục vòng đấu.
Bóng đá Singapore cũng ở tình trạng tương tự. Sau 7 tháng hoãn, giải quốc nội Singapore mới đá 8 vòng, đã chứng kiến một CLB bỏ giải.
Trong các giải lớn, Liga 1 của Indonesia mới đá được 3 vòng trước khi phải hoãn lại. Giải đấu này chắc chắn không thể khép lại trong năm 2020.
Hai giải đấu buộc phải hủy là giải Timor-Leste và giải Brunei. Trong đó, giải Brunei để lại tiếc nuối lớn khi giải này có số đội tham dự khá đông, quy mô và tiềm lực tài chính mạnh.
Trận Nam Định - HAGL hồi tháng 5 khiến cả thế giới ngưỡng mộ Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng.
So với các giải đấu trong khu vực và thế giới, V.League nói riêng và các giải chuyên nghiệp Việt Nam hai lần bị hoãn nhưng vẫn là hệ thống giải trở lại sớm nhất. Trận Nam Định - HAGL tại Cúp Quốc gia hồi cuối tháng 5 khiến chứng kiến hàng chục nghìn người hâm mộ Việt Nam tới sân.
Cả Cúp Quốc gia và V.League đều có được đoạn kết trọn vẹn. Bóng đá Việt Nam cũng từng bước đón khán giả tới sân. V.League 2020 có 18 vòng cho các đội nhóm B, 20 vòng cho các đội nhóm A, Cúp Quốc gia không cần thay đổi thể thức. Cả hai giải đấu đều có số trận nhiều nhất Đông Nam Á.
Các giải chuyên nghiệp kết thúc sớm cũng tạo điều kiện cho U22 và tuyển Việt Nam tập trung. Giới chuyên môn châu Á đánh giá tuyển Việt Nam sẽ hưởng lợi rất nhiều ở vòng loại World Cup năm sau nhờ cái kết đẹp từ giải quốc nội. Đây là nỗ lực rất lớn của nhà tổ chức với vai trò quan trọng nhất thuộc về Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).
Trong khi các giải khác còn loay hoay với mùa bóng cũ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và VPF đã sẵn sàng cho mùa giải mới. V.League 2021 dự kiến sẽ trở lại vào cuối tháng 1/2021, kết thúc sớm để tạo điều kiện cho các đội tuyển quốc gia trong một năm bận rộn.