Nhà khảo cổ học biển người Pháp Franck Goddio cùng đồng nghiệp tại Viện Khảo cổ Dưới nước châu Âu (IEASM) đã phối hợp với Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập thực hiện một chuyến nghiên cứu dưới biển. Theo đó các nhà khoa học tiến hành khám phá thành phố cổ Thônis-Heracleion từ khi tái phát hiện nơi này vào năm 2001.
Trong quá trình thực hiện dự án, họ đã tìm thấy những giỏ quả tồn tại từ thế kỷ 4 trước Công nguyên ở vịnh Abu Qir thuộc biển Địa Trung Hải, bên trong vẫn đựng đầy hạt nho và quả của cây cọ châu Phi - loại quả được người Ai Cập cổ đại coi là linh thiêng.
Goddio vô cùng sửng sốt trước những khám phá mới nhất. Ông chia sẻ với The Guardian rằng, những giỏ trái cây thật sự "đáng kinh ngạc" và chưa từng bị động chạm suốt hơn 2.000 năm. "Không có thứ gì bị xáo trộn. Thật ấn tượng khi nhìn thấy chúng", ông nói.
Theo Goddio, lời giải cho sự nguyên vẹn của những cổ vật này là chúng được đặt trong một căn phòng dưới lòng đất và có thể từng là đồ cúng tế trong tang lễ. Gần đó, nhóm các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một gò chôn cất kích thước 60 m x 8 m và hàng loạt vật dụng dùng trong tang lễ của Hy Lạp, nhiều khả năng do thương nhân và lính đánh thuê trong vùng để lại.
Chúng có niên đại từ đầu thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên khi các thương nhân và lính đánh thuê Hy Lạp sống ở Thônis-Heracleion, thành phố kiểm soát lối vào Ai Cập ở cửa nhánh Canopic của sông Nile. Người Hy Lạp được phép định cư ở đó vào cuối Thời kỳ Chuyển tiếp thứ Hai của Ai Cập và xây dựng các khu thánh địa của riêng họ.
Các chuyên gia nhận định, gò này giống như một đảo có các kênh bao quanh. Ở những kênh này có lượng lớn đồ làm bằng đồng với nhiều tượng thần Osiris (vị thần sinh sản của Ai Cập cổ đại) và nhiều đồ gốm thu nhỏ.
Với những bằng chứng về việc gò bị đốt cháy cho thấy có một nghi lễ đã diễn ra khiến khu vực này dường như bị niêm phong trong hàng trăm năm vì không có đồ tạo tác nào được tìm thấy từ cuối thế kỷ thứ 4, mặc dù thành phố đã tồn tại vài trăm năm.
Thônis-Heracleion nằm ở cửa một nhánh phía tây của sông Nile, được thành lập vào khoảng thế kỷ 8 trước Công nguyên. Trong nhiều thế kỷ, thành phố này được coi là cảng lớn nhất của Ai Cập trong khu vực cho đến khi Alexander Đại đế thành lập thành phố ven biển Alexandria vào năm 331 TCN.
Từng là trung tâm thương mại hàng hải, Thônis-Heracleion chìm xuống Địa Trung Hải vào thế kỷ 8. Một số nhà sử học cho rằng nguyên nhân là mực nước biển dâng cao và lớp trầm tích không ổn định đổ sụp. Giả thuyết khác cho rằng động đất và sóng thần khiến một vùng diện tích rộng 109 km2 của đồng bằng sông Nile sụp xuống biển.
Tại Thônis-Heracleion, các nhà khoa học đã tìm thấy hơn 700 mỏ neo, đồng tiền vàng, quả cân, cùng hàng chục quan tài đá vôi nhỏ chứa xác ướp động vật. Họ cũng phát hiện xác tàu tồn tại từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Goddio ước tính, chỉ mới 3% thành phố cổ được khám phá trong 20 năm qua. Các chuyên gia hy vọng sẽ khai quật thêm nhiều hiện vật tại đây trong tương lai.
Theo: Người Đưa Tin