Các khu vực bị sạt lở, cô lập trên bản đồ. Ảnh: Báo Quảng Nam
Theo đó, các công nhân bị mắc kẹt theo từng tốp khác nhau: khu vực ngã 3 suối (Cầu khỉ): 25 người; Khu vực Trạm trộn Công ty Sông Đà (cách nhà máy khoảng 3km): 27 người. Khu vực đập cách cầu khỉ khoảng 10km có khoảng 165 người.
Thủy điện Đăk Mi 2 nằm trên địa phận xã Phước Công và Phước Lộc (nơi vừa xảy ra 2 vụ sạt lở núi). Hiện chính quyền huyện Phước Sơn đang nỗ lực tiếp tế lương thực cho các công nhân, tuy nhiên bão số 9 đã cuốn trôi và làm gãy đứt hầu hết hệ thống cầu cống của các xã huyện Phước Sơn, nhiều đoạn ngầm nước lũ quá lớn, không thể qua được. Đặc biệt, tuyến đường ĐH1 từ huyện đi các xã Phước Chánh, Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc hiện nay có hàng chục điểm sạt lở.
Lực lượng tiền trạm của Ban CHQS huyện Phước Sơn cho biết, để đến được xã Phước Lộc tiếp cận hiện trường phải đi 2 nhánh, tổng cộng là 41km đường rừng núi hiểm trở, nhiều điểm sạt lở lớn, rất nguy hiểm.
Thiếu tá Nguyễn Thành Văn – Phó Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Phước Sơn, cho biết: “Sau hơn 1 ngày cắt rừng vượt qua rất nhiều điểm sạt lở, hiện nay lực lượng trinh sát mới tiếp cận đến ranh giới giữa Phước Công và Phước Lộc nhưng không thể đi tiếp vì nước lũ quá lớn”.
Trước tình hình đó, các lực lượng cứu hộ đang cơ động theo hướng từ xã Phước Kim qua Phước Thành đến Phước Lộc, hiện đoạn đường này cũng rất nhiều điểm sạt lở chưa lưu thông được, phải mất gần 30km đường rừng núi hiểm trở với trên dưới 15 điểm sạt lở mới đến được Phước Lộc.