Chuyện cổ tích cho hai bé 'mồ côi' ở Ngòi A

13/10/2020 12:11

Trận mưa rả rích suốt đêm kèm theo sấm chớp uỳnh oàng khiến bà Hoan ngủ không yên giấc. 'Biết đâu mưa không tạnh, ngày mai họ lại không lên được', bà nghĩ. Gian bếp gá tạm bằng tranh tre bên chái nhà đã sắp sập, mà tháng 8 âm lịch đúng mùa mưa bão ở Văn Yên.

Hai đứa trẻ chịu cảnh “mồ côi” dù vẫn còn cha mẹ

Những trận mưa kéo dài suốt tuần cũng làm hai sáng lập viên của Dự án LoHi thấp thỏm không kém bà Hoan. Kế hoạch đã bị hoãn một lần, mà theo dự báo vệ tinh thì mưa chỉ lớn hay nhỏ chứ không tạnh được. Thế rồi Alfred Meza, người mang dự án đến Việt Nam quyết định: “Chúng ta sẽ đi. Chúng ta sẽ xây dưới cơn mưa”.

Hai đứa bé “mồ côi” dù còn cha mẹ

Năm nay đã 60 tuổi, bà Phùng Thị Hoan ở thôn Trung Tâm, xã Ngòi A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái chưa bao giờ có lấy một ngày thảnh thơi sung sướng. Quê ở Việt Trì, bà đổ vỡ trong cuộc hôn nhân đầu tiên nên mang con gái lên Văn Yên và sống với một người đàn ông khác tại đây. Nhưng số phận khắc nghiệt không cho bà được hưởng ấm êm, người chồng này cũng sớm chia tay để lại mẹ con bà nơi xứ lạ. Cô con gái lớn lên, cũng bất hạnh như mẹ khi gặp phải người chồng ham mê cờ bạc. Được hai mặt con thì vợ chồng ly dị, “hậu quả” bà Hoan gánh tất.

“Lúc ấy con bé An được hơn một tuổi, mẹ nó ở cùng một thời gian rồi để lại cho tôi, đi biệt”, bà kể. “Bố thằng Long mang con trai đi, nhưng được hơn 1 tuần thì đưa về trả”. Từ đó hai đứa trẻ ở với bà, máu mủ đấy, nhưng cuộc mưu sinh đè nặng nên bà Hoan cũng chẳng có thời gian để yêu thương các cháu.

Đến khi Long 6 tuổi, người bố lại về bắt đi một lần nữa. “Bố nó không cho đi học, cũng chẳng chăm nom gì, được hơn nửa năm thì trả về cho tôi, thằng bé gày trơ xương như ma đói”. Ban đầu, bà Hoan còn tưởng Long bị “ma nhập” khi nó ăn như thuồng luồng, một bữa mấy bát cơm. Bà lo sốt vó, hỏi quanh xóm làng có ai biết thầy nào để mời về trừ tà, mọi người mới bảo chắc do nó bị đói lâu ngày, thiếu dinh dưỡng nên như vậy. Quả thật, một thời gian sau được ăn đủ bữa, Long bình thường trở lại, dù vẫn còi hơn đến 2 năm so với tuổi của mình.

Anh Alfred Meza (bên trái) cùng các tình nguyện viên trọng Dự án trực tiếp xây chuồng lợn cho 3 bà cháu

Nhà có 1 sào ruộng khai hoang, bà Hoan phải mượn thêm 1 sào ruộng ngập, bùn cao đến thắt lưng mà người làng ngại không làm để cấy thêm. Vậy mà vẫn không đủ ăn, một năm cũng phải đong thêm thóc ăn cho ăn 6 tháng. Bà đi làm thuê làm mướn đủ việc, đầu tắt mặt tối từ sáng tới khuya. Hai đứa trẻ vô tội nhiều lúc trở thành bia trút giận, bà giận bố mẹ chúng bỏ lại con mà không biết đổ đi đâu. “Trời ơi, hai đứa bé này cần được yêu thương biết bao nhiêu”, Alfred Meza thốt lên trong đầu khi nhìn thấy chúng. Anh ấy muốn thứ mà Dự án LoHi mang đến cho gia đình này không chỉ là mô hình nuôi lợn nái sinh sản để giúp 3 bà cháu có được sinh kế vững bền, mà còn cả tình người ấm áp mà họ đã thiếu hụt bao năm.

Sau khi chuẩn bị đủ điều kiện nhân lực và vật lực, Alfred cùng đồng sáng lập Bella Nguyễn chốt ngày lên Yên Bái. Sự khác biệt của chương trình lần này là dự án cùng các tình nguyện viên gồm cả người Mỹ lẫn Việt Nam sẽ tự tay xây chuồng lợn cho gia đình, và vì đúng dịp tháng 8 âm lịch, nên sẽ còn một đêm Trung thu thật vui cho trẻ nhỏ trong thôn…

Hai tình nguyện viên người Mỹ

Và hai người Mỹ đến từ… cung trăng

Nếu chú Cuội có từ cung trăng bay xuống thôn Trung Tâm hôm đó thì chắc cũng sẽ không khiến trẻ con lẫn người lớn ở đây háo hức và tò mò đến vậy. Từ sáng, trong làng ngoài xóm đã kháo nhau: “Nhà bà Hoan có 2 người Mỹ từ Hà Nội lên xây chuồng lợn đấy”.

Sống ở thôn Trung Tâm đã hơn 20 năm có lẻ, ông Triệu Ngọc Tham bảo đây là lần đầu tiên có người nước ngoài đến đây. Với những người dân miền núi chưa bao giờ nghe đến Elon Musk với Crew Dragon, việc hai người Mỹ lội bùn, xúc cát, trộn vữa, đào móng xây tường bếp với chuồng lợn là một chuyện lạ ngoài tưởng tượng.Vì công trình kéo dài, tối cả nhóm dự án ngủ lại trong thôn. Chẳng họ hàng máu mủ gì với gia đình bà Hoan, ông Tham vẫn vui vẻ quét dọn cửa nhà đón khách lạ.

Các tình nguyện viên trọng Dự án trực tiếp xây chuồng lợn cho 3 bà cháu

Dự án LoHi (Low Overhead-High Impact) theo tiếng Việt nghĩa là Đầu tư thấp, Hiệu quả cao được sáng lập nhằm hỗ trợ các gia đình và trẻ mồ côi ở miền núi Việt Nam. Cốt lõi của Dự án là xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững để đối tượng được hỗ trợ tự đứng trên đôi chân của mình và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

Trong chương trình số 5 tại xã Ngòi A, Dự án hỗ trợ gia đình xây bếp, chuồng lợn, cải thiện không gian sống. Hai cháu Long, An cũng sẽ được trợ cấp hàng tháng từ khoản ủng hộ của các nhà hảo tâm.

Khi ông Tham mới đến Ngòi A lập nghiệp, thôn vẫn còn là làng Lâm An với gần 30 hộ dân là người Dao đỏ. Giờ thì con số đó đã lên tới 300, nhưng thôn vẫn chỉ có một lối vào duy nhất, và những người già ở đây vẫn gọi bằng cái tên “tục”: thôn một cửa.

Các thành viên trong Dự án LoHi thì thích gọi nó là “thôn một hộ”, vì ngày đầu ở đây, họ đã cảm nhận được ngay không khí ấm áp như trong một gia đình lớn. Sáng thứ bảy khi cả nhóm lên tới nơi, hơn chục đoàn viên thanh niên đã chờ sẵn rồi cùng kéo đến nhà bà Hoan làm giúp. Không cần lễ lạt dài dòng, thậm chí còn chưa biết ai với ai, loáng cái đã hô nhau chuyển hết vật liệu từ ngoài đường làng lên ngôi nhà nhỏ trên đồi. Sau đấy mới nghỉ tay, chào hỏi và giới thiệu.

“Năm 2018 thôn mới có đường bê tông, khô ráo thì xe máy vào được tận cổng, chứ ngày xưa khi tôi đến đây còn phải cõng từng bao cát lên xây nhà. Mọi người lập làng, cùng nhau khai khẩn lấy đất trồng cấy, nên gắn bó với nhau lắm”, ông Tham kể. Giờ cuộc sống đã khấm khá hơn nhờ cây quế, người làng vẫn giữ nếp cũ, sống hài hòa giữa thiên nhiên. Và giữ nếp “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Vì tình cảm ấy, nên dù lao động vất vả cả ngày, đến tối cả nhóm LoHi vẫn dồn sức tổ chức một đêm Trung thu cho trẻ nhỏ ở nhà văn hóa thôn. “Hai chú người Mỹ”, Alfred và một tình nguyện viên khác là Erik, đã hát cho các cháu nghe, rồi chơi trò chơi tập thể. Bọn trẻ con miền núi vốn ngày thường nhút nhát bỗng mạnh dạn hẳn lên, dù không biết tiếng Anh vẫn đến chào “các chú” để được nhận quà. Hai bé Long, An thì luôn bám chặt lấy cổ chú Alfred để đánh đu, con bé An lần đầu tiên nhoẻn miệng cười…

Đứa trẻ chịu cảnh “mồ côi” dù vẫn còn cha mẹ

Căn nhà và gian bếp dột nát của ba bà cháu

Căn nhà và gian bếp dột nát của ba bà cháu

Các tình nguyện viên địa phương tham gia hỗ trợ công trình

Các tình nguyện viên địa phương tham gia hỗ trợ công trình

Các tình nguyện viên địa phương tham gia hỗ trợ công trình

Các tình nguyện viên địa phương tham gia hỗ trợ công trình

Các tình nguyện viên địa phương tham gia hỗ trợ công trình

Các tình nguyện viên địa phương tham gia hỗ trợ công trình

Các tình nguyện viên địa phương tham gia hỗ trợ công trình

Anh Alfred Meza (bên trái) vui cùng bé

Long An
Bạn đang đọc bài viết "Chuyện cổ tích cho hai bé 'mồ côi' ở Ngòi A" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)