Những “thanh niên xung phong” 70-80 tuổi
6h ngày 14/8, bà Nguyễn Thị Minh Tâm (70 tuổi) thoăn thoắt bước đi từ sâu trong ngõ 259 Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) ra điểm chốt “vùng xanh” của tổ dân phố ở đầu ngõ. Cởi bỏ chiếc áo mưa, bà Tâm bắt tay vào việc kê bàn ghế và lấy quyển sổ ra ghi chép. Bà cho hay: "Các bà trực ở đây đến 20h, hôm nào mưa là hơi vất vả, nhưng vì cộng đồng cũng cảm thấy rất vui”.
Vốn là những người đã ở tuổi về hưu, hàng ngày lo việc cơm nước, trông nom các cháu. Nhưng gần 1 tháng nay, UBND phường Khương Trung khuyến khích các tổ dân phố thiết lập “vùng xanh”, bà Tâm cùng với một số thành viên khác của khu dân cư đã xung phong bám chốt.
“Vùng xanh” xuất hiện nhiều tại các khu dân cư, con ngõ của Hà Nội, được biết đến là những vùng không có dịch Covid-19. Toàn bộ người lạ sẽ không được vào để đảm bảo an toàn cho khu dân cư. Những người như bà Tâm có vai trò quan trọng, là khâu đầu tiên kiểm soát người trong khu dân cư ra vào. Những người ra ngoài không lý do, không giấy tờ chính đáng sẽ bị cản lại. Do đó, giảm tải những trường hợp ra đường không thực sự cần thiết.
“Chúng tôi đều là người cao tuổi, trực chốt phải tiếp xúc với nhiều người nên lúc đầu con cháu không đồng ý. Tôi nói rằng, công việc của mẹ là bảo vệ an toàn cho chính khu phố và gia đình. Các con trẻ còn đi làm, học hành nên việc này cứ để các bà lớn tuổi làm”, bà Tâm chia sẻ.
Cứ như vậy, những “thanh niên xung phong” 60-70 tuổi trực chốt vùng xanh ngày càng trở thành hình ảnh quen thuộc tại nhiều khu phố. Đang trò chuyện với chúng tôi thì bà Hoa bất ngờ đưa tay chỉ vào ngõ, nói với giọng đầy phấn khởi: “Thanh niên 95 tuổi của chốt đã có mặt”.
Đó là trường hợp cụ bà Nguyễn Thị Út (SN 1927). Ngồi chiếc xe lăn, cụ Út từ từ tiến lại chốt. Đây có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất mà chúng tôi gặp sau khi ghi nhận tại rất nhiều chốt vùng xanh ở Thủ đô.
“Các chốt chỉ có 2 người, riêng ngõ 259 có thêm thành viên đặc biệt. Cụ Út ngồi xe lăn, tay cầm cây xào, tuổi cao nhưng cụ minh mẫn và nhớ hầu hết cư dân ở đây. Người lạ tới là cụ đưa cây xào chặn lại. Tuổi cao nên cụ Út ra trực muộn và về sớm hơn, nhưng đều trực vào giờ cao điểm”, chị Tâm phấn khởi cho hay.
“Nhiều thanh niên phóng xe hùng hổ, nhưng thấy tôi đưa cây xào ra là lễ phép tắt máy ngay. Hàng ngày tôi xem ti vi, thấy tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, nhiều người khổ vì dịch quá nên nhất quyết phải ra đây phụ các cô, các chú”, cụ Út dõng dạc nói.
Sống gần 1 thế kỷ, đi qua thăng trầm của đất nước nên khó có khăn nào mà người như cụ Út không từng trải. Trước tình hình dịch, cụ quả quyết: “Chứng kiến đủ các cuộc kháng chiến của dân tộc, lần này "giặc Covid" cũng thua thôi. Tất cả người dân đồng lòng sẽ dập được dịch”.
“Trực đến khi hết dịch mới thôi”
Cách đó chừng 2km, tại ngõ 207 (phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình), ông Lê Quốc Uy (73 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố số 12) cho biết, chốt “vùng xanh” tại khu phố được lập ra trên tinh thần tự nguyện của người dân, mỗi ngày các hộ gia đình tự phân công thay nhau trực.
“Việc dựng các chốt để bảo vệ "vùng xanh" nhận được sự ủng hộ của người dân, vì hơn ai hết mọi người dân chúng tôi đều hiểu đó là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vê sự an toàn, sức khỏe, tính mạng cho chính mình trong đại dịch”, ông Uy cho biết thêm.
"Ban đầu khi tham gia chống dịch, gia đình cũng có lo lắng, dặn dò vì dịch bệnh ai cũng sợ. Nhưng vì công cuộc chung, tôi sẵn sàng lên đường tham gia, còn sức là còn trông chốt”, ông Uy nói.
Chung tinh thần tham gia chống dịch, ông Nguyễn Bá Lập (59 tuổi) chia sẻ: “Tôi đã tham gia bảo vệ dân phố từ những ngày đầu, cùng lực lượng công an trên các mặt trận, nên khi có nhiệm trực chốt tôi sẵn sàng tham gia ngay”.
Theo ông Lập, từ khi lập chốt “vùng xanh”, ý thức người dân tham gia phòng, chống dịch đều được đặt lên hàng đầu, ai cũng có trách nhiệm với khu vực sinh sống là động lực cho những người tham gia chốt chặn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phường Mai Động (quận Hoàng Mai) là địa phương thiết lập “vùng xanh” đầu tiên tại Hà Nội đã cho thấy tinh thần chống dịch rất cao tại các chốt. Qua 1 tháng “trấn thủ” tại ngõ 173 Lĩnh Nam, nhiệt huyết của bà Bà Phạm Thị Vinh (72 tuổi, phường Mai Động) vẫn như ngày đầu.
Bà cho biết: “Từ khi thành lập "vùng xanh", tôi đã tự nguyện tham gia không bở ngày nào. Tuy thời tiết có nắng mưa, con cháu cũng ngăn cản, nhưng bản thân còn sức khoẻ, còn góp sức được tôi sẽ tham gia trực đến khi hết dịch mới thôi”.
Có thể thấy, giữa đại dịch Covid-19 còn phức tạp, việc duy trì những chốt chặn “vùng xanh” tự quản không chỉ thể hiện sự chủ động, mà còn giúp lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về tinh thần đoàn kết, sức mạnh của toàn dân trong công tác chống dịch.
“Vùng xanh” được thiết lập còn nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi gia đình đối với xã hội. Mỗi người dân cùng chung sức đồng lòng chiến thắng dịch bệnh để những người trực chốt, những bác sĩ nơi bệnh viện dã chiến sớm được về nhà, cuộc sống của mỗi người ổn định bình thường.
Theo: Người Đưa Tin Pháp Luật