Theo báo cáo nhanh, tính đến 10 giờ ngày 26/10, tổng số tàu thuyền của Đà Nẵng là 1.242 tàu/7.430 lao động. Trong đó, số phương tiện đang neo đậu là 1.235 tàu/7.368 lao động, số phương tiện đang hoạt động trên biển là 7 tàu (62 lao động). Tại Âu thuyền Thọ Quang (Q.Sơn Trà) hiện có 1.133 tàu đang neo đậu, 832 chiếc đưa lên bờ và neo đậu ở các tỉnh.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9 có thể lên đến cấp 12-13, Đà Nẵng dự kiến sẽ sơ tán là 35.229 hộ dân với tổng số người 140.868 người. Những người phải sơ tán là người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiên cố, nhà tạm. TP Đà Nẵng ưu tiên sơ tán tại chỗ, đến các nhà kiên cố, an toàn, gần nhất trong khu vực. Sơ tán tập trung tại các địa điểm đã được quận, huyện lựa chọn và được Sở Xây dựng thẩm định. Cũng theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, hiện có 23 công trình với 41 cẩu tháp đang hoạt động. Sở đang yêu cầu hạ và neo, giăng theo phương án được duyệt để đảm bảo an toàn, hoàn thành trước 12 giờ ngày 27/10.
Từ chiều 26-10, các lực lượng chức năng TP Đà Nẵng đã giúp người dân chèn chống nhà cửa đối phó với bão số 9. |
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, các sở, ngành và đơn vị liên quan phải khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết các nội dung theo công điện của UBND TP Đà Nẵng vào chiều 26/10. Bên cạnh đó, cần phải giao trách nhiệm đến từng cá nhân trong việc tổ chức, triển khai thực hiện và có thời điểm hoàn thành công việc.
Trong đó, dự kiến các tình huống có thể xảy ra nếu bão đổ bộ vào. Cần phải kiểm tra độ an toàn của nơi sơ tán, các nơi được chọn phải đảm bảo vừa chống gió, vừa chống lũ vì là nơi tập trung đông người. Tạm dùng các công trình đang thi công và các công trình xây dựng, không để người dân tập trung ở các khu vực lán trại dẫn đến nguy cơ mất an toàn.
Đề nghị UBND TP ban hành thông báo cấm người dân và các phương tiện lưu thông trên đường từ chiều, tối 27/10. UBND TP lựa chọn thời điểm yêu cầu rất rõ là người dân không được ra đường, phương tiện không được lưu thông vào những thời điểm nhất định, trừ những phương tiện đang làm nhiệm vụ. Lưu ý thành phố phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho chính lực lượng cứu hộ cứu nạn. Khi có tình huống xảy ra, các lực lượng thực hiện theo phương án, nhưng lệnh tổ chức, thời điểm tổ chức triển khai ứng cứu thì phải có chỉ đạo thống nhất.
Đà Nẵng đang khẩn trương triển khai các biện pháp để phòng chống bão số 9 sắp đổ bộ. |
Ngoài ra, chiều cùng ngày, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cũng đã có công văn gửi phòng GD-ĐT các quận, huyện; các trường, trung tâm trực thuộc sở; các trường đại học tư thục; các phòng thuộc sở về việc triển khai ứng phó với bão số 9.
Sở GD-ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học khẩn trương thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học từ chiều 27-10 và cả ngày 28-10 để phòng tránh bão số 9. Trong trường hợp diễn biến bão, mưa lũ phức tạp và kéo dài, Sở GD-ĐT sẽ có thông báo mới.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, trường học kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất và có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản theo các công văn chỉ đạo của sở này, hoàn thành trước 17 giờ ngày 27-10.
Đồng thời, các đơn vị, trường học phải phân công các bộ phận có liên quan trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó với những tình huống phát sinh; thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời báo cáo lãnh đạo sở để có phương án xử lý.