Địa ốc Alibaba sụp đổ, hàng ngàn nhân viên đi về đâu?

25/01/2022 10:56

Thời kỳ đỉnh cao, địa ốc Alibaba có hàng ngàn nhân viên kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi Nguyễn Thái Luyện bị bắt, hệ thống dần tan rã.

Gần 4.000 người bị địa ốc Alibaba lừa

Ngày 19/12/2020, Nguyễn Thái Luyện (35 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Alibaba) và em trai Nguyễn Thái Lĩnh (31 tuổi, Tổng giám đốc) bị Công an TP HCM đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị truy tố cùng tội danh còn có các nhân viên chủ chốt là Huỳnh Thị Ngọc Như (Phó Tổng giám đốc phụ trách đào tạo), Đào Thị Thanh Lợi (Phó Tổng giám đốc phụ trách nhân sự), Nguyễn Lê Hoàng Lan (Phó Tổng giám đốc phụ trách truyền thông), Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (nhân viên phụ trách pháp lý) cùng 14 giám đốc, lãnh đạo các công ty con của Alibaba.

1-1643082316.jpg
Gần 4.000 người đã nộp tiền cho địa ốc Alibaba vì tin vào cam kết lợi nhuận

Ngoài tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vợ và em trai của Luyện là Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực bị cáo buộc hành vi Rửa tiền. Bị truy tố cùng tội danh này còn có Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng).

Theo kết luận điều tra được Công an TP HCM chuyển sang VKS cùng cấp, nhóm Luyện thu gom hơn 600 ha đất nông nghiệp tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận. Dù chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cấp phép làm dự án, anh em Luyện đã quảng cáo rầm rộ là đất nền (đất ở) để bán.

2-1643082316.jpg
Dàn thủ lĩnh của địa ốc Alibaba dưới trướng Nguyễn Thái Luyện

Luyện và 22 đồng phạm đã lập ra thành hàng chục pháp nhân công ty, vẽ 58 dự án "ma" tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. Nhóm này tự đặt tên, phân lô, tách thửa lừa bán cho gần 4.000 người, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.

Thủ đoạn của Luyện và cấp dưới là hình thức huy động vốn theo dạng đa cấp, sử dụng đất nền trong dự án "ma" làm mồi nhử. Khi bán cho các nạn nhân, công ty này hứa hẹn sẽ mua lại đất nền với giá cao hơn với lợi nhuận 30% chỉ sau một năm hoặc có lãi ngay sau khi mua và tăng dần theo thời gian.

3-1643082316.jpg
Ông Nguyễn Bá Trường (người ngồi thứ 3 từ phải sang) lúc còn làm Phó TGĐ cho công ty Địa ốc  Alibaba

Hậu Alibaba, đến lượt BTF Land cam kết lợi nhuận

Cam kết lợi nhuận khủng là cái bẫy mà địa ốc Alibaba đã tạo ra để dụ khách hàng vào tròng. Chiêu thức này gần đây lại được một số doanh nghiệp tiếp tục sử dụng để bán bất động sản.

4-1643082317.jpg
Ông Nguyễn Bá Trường – TGĐ Công ty Địa ốc BTF Land phát biểu mừng khai trương chi nhánh mới

Điển hình, một khu phân lô ở thành phố Đồng Xoài được giới thiệu dưới tên Khu dân cư Tiến Thành - Bình Phước, do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển và Phân phối Bất động sản BTF Land TPC phân phối. Khu đất này được quảng cáo sở hữu nhiều tiềm năng như vị trí địa lý đắc địa ngay trung tâm thành phố, với giá rẻ chỉ từ 600 triệu đồng/nền. Diện tích các nền đa dạng từ 150 - 220 m2 và đã có sổ đỏ hoàn chỉnh 100%.

Một nhân viên môi giới cho biết, sau khi khách hàng mua nền đất thành công sẽ được tham gia chính sách cam kết mua lại với lợi nhuận hấp dẫn 22%, trong vòng 12 tháng. “Anh/chị mua đất, nếu không có nhu cầu sử dụng thì sau 8 tháng có thể đến bên em ký gửi bán lại và nhận ngay lợi nhuận về tay 22% trên giá trị nền đất đã mua”, nhân viên này nhanh nhảu.

5-1643082316.jpg
Một khu đất được BTF Land cam kết lợi nhuận lên đến 22%

Khi khách hàng thắc mắc về cơ sở nào để khẳng định việc trả cam kết lợi nhuận sẽ diễn ra thuận lợi, nhân viên sales nói rằng, với uy tín của Công ty địa ốc BTF Land và biên bản cam kết có đầy đủ chữ ký của 2 bên, cộng thêm dấu mộc đỏ của cơ quan công chứng Nhà nước thì chắc chắn không thể có sự “lật lọng”.

Không riêng dự án này, nhiều dự án trước đây do BTF Land triển khai cũng được quảng cáo với chiêu cam kết lợi nhuận. Theo giới bất động sản nhiều “chiến tướng” của địa ốc Alibaba đã về đầu quân cho BTF Land, sau khi tập đoàn lừa đảo này bị tan rã.

6-1643082317.jpg
Ông Nguyễn Bá Trường cùng vợ là bà Nguyễn Thụy Như Bình – người đã đồng hành cùng ông từ những ngày đầu thành lập công ty đến nay

Nhận định về chiêu cam kết lợi nhuận, ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, nhiều trường hợp chủ đầu tư cam kết lợi nhuận là một hình thức kích thích mua hàng. Khi dự án hoàn thành đã bán hết thì chủ đầu tư lúc đó đã hết trách nhiệm.

Đối với khách hàng, nếu gặp chủ đầu tư không uy tín, sau 2 năm người ta không thực hiện thì cũng khó làm gì được chủ đầu tư, vì đây một sự ràng buộc vô tình chứ không chặt chẽ. Việc cam kết lợi nhuận cũng chỉ mang tính hình thức, trên lý thuyết thôi chứ khó có chủ đầu tư nào tính toán đúng được sau 1 - 2 năm cả.

“Nếu cam kết 1 năm, 2 năm, trong ngắn hạn thì doanh nghiệp sẽ khó khăn do khó quay vòng vốn. Thị trường bất động sản không thể lúc nào cũng tăng trưởng, có thể năm nay tăng, năm sau giảm, có khi tăng đột biến. 

Nếu mua bất động sản mà không xem xét kỹ giá đó hợp lý chưa thì khách hàng phải chịu. Hiện tại, chưa tổ chức nào đánh giá uy tín doanh nghiệp một cách khách quan để người mua tham chiếu được. Do vậy, khách hàng cần cẩn trọng trước khi quyết định xuống tiền”, ông Quang nói thêm.

Nguyễn Ba
Bạn đang đọc bài viết "Địa ốc Alibaba sụp đổ, hàng ngàn nhân viên đi về đâu?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)