Trao đổi với PVn, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, tại bệnh viện, số trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19 đang gia tăng, có ngày lên đến 320 trẻ đến điều trị. Đó là chưa kể những trẻ được khuyến khích điều trị tại nhà.
Cũng theo lãnh đạo bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, thông thường, trẻ em mắc Covid-19 đều ở thể nhẹ và trung bình, sẽ nhanh khỏi bệnh. Nhưng có khoảng 30% số trẻ mắc Covid-19 dưới 12 tháng tuổi chuyển nặng.
Các trường hợp khó khăn trong điều trị là do dư cân, mắc các bệnh nền tim mạch, hen suyễn, bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh lý huyết học, ung thư... Hoặc trẻ vừa mắc Covid-19 vừa bị sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm ruột thừa,…
Còn đại diện bệnh viện Nhi đồng 1 cũng thông tin, đơn vị này vừa cứu thành công bệnh nhi N.P.H., 14 tuổi, nặng 100kg, nhập viện trong tình trạng khó thở, tím tái, sốt 38 độ, ho ngày càng nhiều. Kết quả PCR của bệnh nhi dương tính với SARS-CoV-2.
Sau khoảng 7 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi suy hô hấp nặng, nhịp thở nhanh 50 lần/phút, tím môi, SpO2 giảm nặng chỉ còn 50%. Ngay lập tức, bệnh nhi được thở oxy, có túi dự trữ 15 lít/phút.
Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy tổn thương phổi nặng lan tỏa 2 bên. Các bác sĩ khoa Cấp cứu đã nhanh chóng chẩn đoán trẻ bị viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) trên nền bệnh Covid-19.
Dù được thở oxy qua mặt nạ nhưng bệnh nhi bị tổn thương phổi diễn tiến nhanh, gây mờ toàn bộ phổi, tổn thương gan, tổn thương các cơ quan do phản ứng viêm rất mạnh. Bệnh nhi được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức với thở máy, kháng viêm liều cao, kháng đông, kháng sinh phổ rộng, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng…
Sau 5 ngày điều trị tích cực, các tổn thương được cải thiện dần. Bệnh nhi cũng hết sốt, được cai máy thở để thở oxy 3 lít/phút. Hiện tại, bệnh nhi tỉnh táo, ăn uống được, có thể thở oxy ngắt quãng.
Tại họp báo của UBND TP.HCM về phòng chống Covid-19 vào tối 8/9, đại diện sở Y tế TP.HCM công bố số liệu về 14.800 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19 tại địa phương, trong đó đã có 12.000 trẻ em được điều trị khỏi bệnh.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM nhận định: “Đối với trẻ em mắc Covid-19, việc điều trị thuận lợi hơn do sức đề kháng của trẻ em tốt và ít bệnh nền hơn người lớn. Do đó, mức độ chuyển nặng thấp hơn”.
Tuy nhiên, khó khăn khi chăm sóc các em là phải có người lớn đi kèm như cha mẹ nên thường cha mẹ cũng mắc Covid-19. Do đó, ngành y tế thường điều trị cả các em cùng phụ huynh.
Nhiều phụ huynh khi chăm sóc các em cũng mắc bệnh khá nặng nên việc chăm sóc cũng khó khăn. Nhận thấy trẻ em tự chăm sóc không hiệu quả bằng người lớn nên ngành y tế cần hỗ trợ, đặc biệt là vấn đề vệ sinh cá nhân, xử lý chất thải…
Dấu hiệu chuyển nặng ở trẻ là khó thở, hụt hơi, thở nhanh, co lõm lồng ngực, chỉ số SpO2 dưới 93%. Khi đó, diễn tiến bệnh nhanh với suy hô hấp do tổn thương phổi nặng.
Việc phát hiện kịp thời các dấu hiệu suy hô hấp hoặc tụt SpO2 đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ hô hấp kịp thời. Bên cạnh đó, điều trị nhanh chóng bằng kháng viêm, kháng đông, kháng sinh theo phác đồ của bộ Y tế sẽ góp phần nhanh chóng giảm tổn thương các cơ quan, giảm chuyển độ nặng và tử vong.
Nói về công tác phát thuốc cho F0, tính đến ngày 8/9, TP.HCM đã chuẩn bị chuẩn bị hơn 150.000 túi A và B, đã phát hơn 130.000 túi về các địa phương. Đến nay, ghi nhận đã có 83.000 F0 nhận được túi thuốc A, B.
Đối với túi thuốc C, TP.HCM có 50.000 túi do bộ Y tế cấp, đã phát về các địa phương 16.000 túi cung cấp cho F0, đến nay có 7.900 F0 nhận được.
Lãnh đạo sở Y tế TP.HCM cũng thông tin, Covid-19 được xác định là bệnh nguy hiểm. Khi điều trị cho F0 có bệnh nền, Nhà nước sẽ chi trả việc điều trị Covid-19. Nếu có bệnh nền khác thì BHYT sẽ thanh toán theo quy định.
Theo: Người Đưa Tin