Doanh nghiệp dệt may tìm cách xoay sở trong mùa dịch Covid-19

16/08/2020 08:31

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến ngành dệt may vốn “hụt hơi” vì đợt dịch nửa đầu năm nay lại thêm khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều không sa thải người lao động, xoay đủ cách để duy trì việc làm, chuyển kế hoạch, tìm thị trường mới…

“Gồng mình” vượt suy thoái

Nửa đầu năm 2020, dịch Covid-19 như một “cơn bão” bất ngờ ập đến, cuốn đi lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc ngành hàng xuất khẩu mang về vài chục tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Xuất khẩu giảm mạnh, việc chuyển dịch sang sản xuất các mặt hàng như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế được coi là “cứu cánh” cho nhiều doanh nghiệp dệt may. Doanh thu từ mảng này không quá lớn, song đã góp phần giải quyết việc làm, trả lương cho người lao động và bù đắp một phần doanh thu. Bên cạnh đó, việc kiếm đơn hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại không hề dễ dàng với phần đông doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực tối đa để giữ được việc làm cho người lao động.

Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng Bảy và 7 tháng đầu năm 2020 của bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho hai quý cuối năm với các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp,… Dù sản xuất trang phục tháng Bảy tăng 13,2% so với tháng Sáu, nhưng tính chung 7 tháng vẫn giảm gần 5% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may mặc 7 tháng ước đạt gần 16,2 tỷ USD, giảm hơn 12%; xơ, sợi dệt các loại cũng giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo tài chính quý II của nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức sụt giảm đáng kể do các đơn hàng bị hoãn, huỷ vì Covid-19. Tại công ty Cổ phần May Sông Hồng đạt doanh thu thuần 962 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ 2019. Hay tại tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong quý II năm 2020, doanh thu thuần chỉ đạt 3.082 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, thời gian này, các doanh nghiệp thuộc Vinatex vẫn đang cố gắng tăng tốc và đảm bảo kế hoạch sản xuất đi đôi với việc chống dịch.

Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Ông Trường cũng cho hay, các doanh nghiệp ngành dệt may đã xác định rõ 2 tài sản cần bảo vệ trong dịch bệnh là người lao động và vị thế của dệt may trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp dệt may vẫn có nguồn hàng kéo lại là khẩu trang và PPE (trang bị bảo hộ cá nhân). Do Việt Nam không bị ngừng sản xuất như Trung Quốc hay Bangladesh vì cách ly xã hội, nhờ đó thị phần của dệt may Việt Nam tại Mỹ và EU đã tăng lên. Tuy nhiên, cuộc chiến giành lại thị phần sẽ diễn ra gay gắt trong thời gian tới.

Nhìn về phân khúc nội địa

Theo hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), mức tiêu dùng hàng dệt may tại thị trường nội địa đang chiếm từ 5 - 6% chi tiêu của người dân Việt Nam, tương đương từ 3,5 - 4 tỷ USD.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu của thị trường nội địa đối với hàng dệt may không quá lớn khi người dân thắt chặt chi tiêu, nhưng đây vẫn là phân khúc thị trường cần tận dụng nhằm bù đắp một phần chi phí trong bối cảnh khó khăn. Dù không thể bù đắp hoàn toàn sự sụt giảm doanh thu khi hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn do dịch Covid-19, song thị trường trong nước vẫn là giải pháp tốt cho ngành dệt may lúc này.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Miêng - Tổng Giám đốc tổng công ty Cổ phần Dệt may Nam Định - cho biết, để bảo đảm duy trì việc làm cho người lao động, doanh nghiệp này đã có những xoay chuyển trong cơ cấu sản xuất. Trước khi có dịch Covid-19, sản lượng sản xuất sợi tại doanh nghiệp đạt 1.100 tấn, trong đó xuất khẩu chiếm 65%. “Hiện nay, xuất khẩu chỉ còn 45%. Phần còn lại tổng công ty đẩy mạnh ở thị trường nội địa”, ông Miêng cho hay.

Ngoài ra, ông Miêng còn cho biết, với mặt hàng vải, hiện sản xuất khoảng 1,2 triệu mét/ tháng nhưng có khả năng bị sụt giảm khoảng 300.000 mét/tháng vào hai quý cuối năm 2020. Chính vì vậy, doanh nghiệp này đã xoay chuyển tình thế, tận dụng và mở rộng thị trường ở phía Bắc, hướng tới dòng sản phẩm mới và tận dụng lợi thế vải sau nhuộm để bán sản phẩm đã qua hoàn tất, cung cấp cho các công ty may. Đồng thời, nâng cao liên kết chuỗi “sợi - dệt - nhuộm” để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định và phát triển.

Nói về những kỳ vọng của việc xoay chuyển vào thị trường nội địa, ông Miêng nhìn nhận: “Với sự xoay chuyển trên, sản xuất và tiêu thụ mặt hàng sợi, vải, nhuộm của tổng công ty cả năm dự kiến sẽ có tăng trưởng, có thể tiến rất gần đến kế hoạch đã đề ra”.

Kỳ vọng thị trường xuất khẩu từ EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Với ưu đãi giảm hơn 70% thuế suất thuế nhập khẩu hàng may mặc từ Việt Nam đang mở ra nhiều triển vọng, cơ hội cho hàng Việt Nam tại nhiều thị trường, đặc biệt là châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, đây cũng là “chặng đua” đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện nội lực để chủ động tiếp cận nguồn lực, tận dụng ưu đãi từ sân chơi lớn này. Bởi với thị trường EVFTA, doanh nghiệp Việt muốn hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu nội khối, trong khi giá nguyên liệu từ một số quốc gia trong nội khối đang cao hơn nguyên liệu Trung Quốc 10 - 15%.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá, nút thắt lớn nhất của dệt may Việt Nam là nguồn nguyên liệu phụ thuộc bên ngoài, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Dù vậy, cơ hội từ Hiệp định EVFTA sẽ rất lớn cho những doanh nghiệp dệt may đầu tư bài bản, có chiến lược lâu dài, bền vững.

“Dệt may chỉ là một trong nhiều ngành kinh tế của Việt Nam đang lao đao vì dịch Covid-19. Các gói hỗ trợ của Chính phủ cần được thực hiện quyết liệt hơn, phải triển khai nhanh, trúng và hiệu quả hơn nữa. Đây cũng là lúc mà các doanh nghiệp dệt may cần liên kết lại với nhau để có những đơn đặt hàng đủ lớn. Doanh nghiệp nhỏ lẻ quá thì sẽ không đủ năng lực để cạnh tranh với các đối thủ khi có đối tác đặt hàng” ông Lê Đăng Doanh cho hay.

Thu Huyền
Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp dệt may tìm cách xoay sở trong mùa dịch Covid-19" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)