Vào cái ngày cô cho rằng sẽ là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời mình, Tanya Maheshwari (27 tuổi, Ấn Độ), bị đau nửa đầu và mỏi cơ cổ, theo VICE.
Maheshwari đau đầu, mỏi cổ khi phải đội mái tóc giả nặng tới 5 kg trong lễ roka. Ảnh: Tanya Maheshwari. |
Hôm đó, vợ chồng cô tổ chức roka, buổi lễ trước đám cưới truyền thống, như một lời giới thiệu chính thức với người thân, bạn bè về mối quan hệ.
Tuy nhiên, Maheshwari không để phụ lòng mong đợi của quan khách về ngoại hình trong một dịp trọng đại như vậy.
Cô đã đội tóc giả.
Maheshwari cho biết bộ tóc giả đè nặng lên đầu mình, không chỉ 5 kg tóc mà cả gánh nặng tâm lý.
“Thay vì hào hứng với roka, tôi không cảm thấy thoải mái và chẳng được là chính mình”, Maheshwari nói.
“Tất cả cô dâu tôi từng gặp đều luôn tìm cách làm cho mái tóc của họ trở nên sang trọng hoặc mềm mại hơn trong ngày cưới. Trong khi đó, tôi cảm thấy mình không có lựa chọn nào khác ngoài đội tóc giả, bởi chưa một quan khách nào từng nghe nói hoặc nhìn thấy một cô dâu trọc đầu”, cô chia sẻ.
Ước mơ về mái tóc lý tưởng
Maheshwari mắc alopecia, một bệnh tự miễn khiến tóc rụng. Tổ chức Rụng tóc tự miễn Quốc gia Mỹ xác định 3 loại alopecia dựa theo mức độ nghiêm trọng, bao gồm alopecia areata (rụng tóc từng mảng, để lại các mảng hói có kích thước bằng đồng xu), alopecia totalis (rụng hết tóc trên da đầu) và alopecia universalis (rụng tóc lẫn lông trên toàn bộ cơ thể).
Bệnh alopecia có thể là thách thức đối với bất kỳ ai. Tuy nhiên, trong một thế giới mà mái tóc thường được coi là biểu tượng của sự nữ tính, khả năng sinh sản, tuổi trẻ và sắc đẹp, căn bệnh đặc biệt gây khó khăn cho phụ nữ.
Nó càng trở nên phức tạp hơn nữa đối với các cô dâu trong hôn lễ - dịp mà áp lực phải trông thật “hoàn hảo” lên tới đỉnh điểm.
“Chắc chắn xã hội có một tiêu chuẩn và mong đợi nhất định về ngoại hình mà các cô dâu cảm thấy họ phải tuân theo”, Anamarie “Ana” Tan (31 tuổi), nhà nghiên cứu ung thư lâm sàng người Mỹ gốc Philippines, chia sẻ.
Ở một số cộng đồng châu Á, mái tóc đen dài, bóng mượt được coi là một nét quyến rũ. Việc duỗi tóc từ xoăn thành thẳng cũng phổ biến.
Theo Tan, lý tưởng về một mái tóc khỏe đẹp của cô xuất phát từ gốc gác Philippines, cũng như một số tiêu chuẩn vẻ đẹp phương Tây. Cô từng tưởng tượng mình sẽ xuất hiện trong hôn lễ với mái tóc bóng mượt hoàn hảo, nhất là khi cô chưa từng biết hoặc thấy cô dâu nào làm khác đi.
Tan quyết định "khoe" đầu trọc trong đám cưới. Ảnh: Lumikula Diaries. |
Thế nhưng, cách đây 5 năm, Tan được chẩn đoán mắc bệnh alopecia. Sau vài tháng mày mò cách tạo mẫu tóc phù hợp, Tan nhận ra để đầu trọc khiến cô thấy thoải mái nhất.
“Mặc dù được bạn bè và gia đình ủng hộ, tôi vẫn thường phải nghe những câu nói như ‘Tôi thấy rất tiếc cho bạn’, ‘Bạn thật may mắn khi khuôn mặt của bạn thật xinh đẹp’, ‘Ít nhất bạn không rụng tóc vì ung thư’ và ‘Chà, trọc đầu ư? Tôi chẳng thể chịu được điều đó’”, Tan kể lại.
Những bình luận mang tính thương hại tạm thời này khiến Tan không khỏi hoang mang, cho đến khi cô được kết nối với những phụ nữ khác cũng mắc bệnh alopecia trên mạng xã hội và thông qua các cuộc hội thảo.
Khi quyết định kết hôn vào 3 năm trước, Tan chắc chắn sẽ không để một tiêu chuẩn sắc đẹp nào, dù là phương Tây hay châu Á, ảnh hưởng đến mình. Cô gạt bỏ mọi kỳ vọng từ bạn bè và gia đình, rồi xuất hiện trong ngày cưới với chiếc đầu trọc lộng lẫy.
“Tại đám cưới, tôi cảm thấy chân thực và xinh đẹp nhất chỉ với chiếc đầu trọc của mình. Tôi trông giống những cô dâu bình thường khác nhưng vẫn độc đáo. Tôi rất tự tin và vô tư”, Tan chia sẻ.
“Tôi hy vọng rằng những cô dâu mắc alopecia khác cũng sẽ được trao quyền thể hiện vẻ đẹp không theo tiêu chuẩn trong ngày cưới của họ”, cô nói thêm.
Áp lực "cô dâu hoàn hảo"
Văn hóa Latina, giống tương tự nhiều nền văn hóa châu Á, cũng mê mẩn mái tóc dài của phụ nữ.
Gabriela “Gaby” Caringer (29 tuổi) là một nhà tạo mẫu tóc tự do người Latin đến từ Toronto (Canada). Cách đây 6 năm, cô phát hiện mình mắc bệnh alopecia và bị sốc khi rụng hết tóc trong quá trình trưởng thành.
Gabriela “Gaby” Caringer tại đám cưới của cô. Ảnh: Jeff Shuh Photography. |
Trong lúc làm việc, Caringer được chứng kiến tầm quan trọng của mái tóc đối với mọi cô dâu, dù họ xuất thân từ hoàn cảnh nào. Cô cũng hiểu rằng họ sẽ cảm thấy khó chịu nếu mái tóc không đáp ứng được mong đợi của họ.
Tuy nhiên, căn bệnh của Caringer dạy cô một điều rằng mái tóc không nói lên một con người. Ngược lại, giá trị của mái tóc hoàn toàn phụ thuộc vào người phụ nữ.
Ban đầu, Caringer cảm thấy ngượng nghịu nếu không đội mũ ở nơi công cộng. Tuy nhiên, gia đình đã động viên cô khoe chiếc đầu trọc của mình trong ngày cưới.
“Nhớ lại lần bước vào cửa hàng váy cưới và trao đổi với chuyên viên tư vấn rằng tôi sẽ trở thành cô dâu trọc đầu, cô ấy liền đáp ‘Không, bạn chỉ đơn thuần là cô dâu mà thôi’”, Caringer kể lại.
“Với tôi, mỗi ngày là một cuộc chiến để nhắc nhở chính mình rằng giá trị bản thân không xuất phát từ vẻ ngoài, hay những gì tôi có hoặc không có. Tôi tự nhủ rằng mình xinh đẹp, xứng đáng, quyền lực và trên hết, tôi là Gaby, bất kể có trọc đầu hay không”, cô nói.
Kylie Bamberger (32 tuổi), nhà tư vấn tiếp thị và nhân sự đến từ California (Mỹ), cũng may mắn khi có một gia đình muốn cô là chính mình trong đám cưới.
Bamberger được chẩn đoán mắc alopecia areata (rụng tóc từng mảng ở tuổi 12. Mặc dù đã thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau, như tiêm steroid để thúc đẩy mọc tóc, tóc của cô vẫn rụng nhiều, dẫn đến chẩn đoán alopecia universalis (rụng tóc lẫn lông trên toàn bộ cơ thể) vào tháng 5/2006. Cuối tháng đó, cô quyết định cạo trọc đầu.
Trong những năm qua, Bamberger trở nên thoải mái hơn với kiểu đầu của mình. Thế nhưng, một số người vẫn hỏi Bamberger rằng liệu cô có đội tóc giả vào ngày cưới không dù họ đã nhìn cô để trọc suốt nhiều năm.
“Tất cả phụ nữ đều phải chịu áp lực đáp ứng một tiêu chuẩn sắc đẹp nào đó. Áp lực này đối với cô dâu còn nặng nề gấp 10 lần”, cô chia sẻ.
“Với tôi, mong đợi cô dâu phải mặc đồ trắng, làm tóc thật hoàn hảo, trang điểm kỹ càng và đeo đôi cao gót đẹp chẳng khác gì những lời gợi ý đơn thuần thôi. Tôi cần phải là chính mình. Điều đó tôi không chỉ làm cho bản thân, mà còn vì hàng nghìn cô dâu khác đang lo lắng khi chấp nhận ngoại hình thật của họ”, cô nói.
Bramberger hy vọng quyết định của cô sẽ truyền cảm hứng cho những phụ nữ khác đưa ra quyết định của riêng họ.
Kylie Bamberger cùng các phù dâu tại hôn lễ của mình. Ảnh: Nikole Kline Photography. |
Truyền cảm hứng
Động lực khuyến khích các cô dâu mắc alopecia tỏa sáng trong ngày cưới tiếp tục được mở rộng với sự giúp đỡ của các chiến dịch và khả năng tiếp cận trên mạng xã hội.
Chuỗi chiến dịch gồm 3 phần có tên #TheBaldBrownBride (Cô dâu da nâu trọc đầu) được Brown Girl Magazine, một trong những trang web cộng đồng người Ấn Độ lớn nhất, phối hợp với nhà tư vấn triển khai sản phẩm Neehar Sachdeva thực hiện.
Neehar Sachdeva mong muốn thúc đẩy xóa bỏ định kiến về phụ nữ đầu trọc ở các cộng đồng Nam Á. Ảnh: Nachi Steel Photography. |
Sachdeva, hiện sinh sống ở bang Texas (Mỹ), được chẩn đoán mắc alopecia khi mới 6 tháng tuổi. Sau nhiều năm đội tóc giả và bị bắt nạt vì điều đó, cô quyết định cạo trọc đầu. Bà của Sachdeva lo lắng rằng sẽ không ai cưới cháu gái nữa.
“Tôi đã quen với việc hẹn hò với tư cách là một phụ nữ mắc alopecia. Trên thực tế, một trong số những người yêu cũ đã chia tay tôi vì mẹ anh ta không chấp nhận chiếc đầu không tóc của tôi”, cô kể lại với VICE.
Với quyết tâm vượt qua rào cản của xã hội và trở thành một biểu tượng cho những người mắc alopecia khác, Sachdeva khởi động chiến dịch #TheBaldBrownBride nhằm xóa bỏ định kiến về phụ nữ đầu trọc ở các cộng đồng Nam Á, đồng thời giúp các cô dâu hiện tại và tương lai hình dung về chính mình trong ngày cưới.
“Nếu ai đó không muốn kết hôn chỉ vì tôi không có tóc trên đầu, tại sao tôi lại muốn cưới họ chứ? Sau khi cạo trọc và buông bỏ mọi phán xét, tôi đã có thể chấp nhận con người thật của mình. Giờ đây, tôi hy vọng các cô dâu da nâu khác thấy được rằng họ có thể trông xinh đẹp thế nào ngay cả khi không có tóc”, cô chia sẻ.
Về phần Maheshwari, người đã đội bộ tóc giả nặng khủng khiếp trong tiệc roka, cô ấy đang hướng tới một thế giới không có tóc giả và tóc nối.
Cô ấy thậm chí đã cắt tóc ngắn để chụp ảnh cưới vào năm 2019. Đối với đám cưới khổng lồ truyền thống của người Ấn Độ mà vợ chồng cô dự định tổ chức vào năm 2022, cô dự định sẽ trọc hoàn toàn.
“Trong đám cưới, tôi sẽ trân trọng bản thân và chiếc đầu trọc của mình, nhớ rằng một ‘cô dâu hoàn hảo’ có thể trông như vậy”, cô chia sẻ.
Theo: Zing