Gia tăng bệnh nhi nhiễm RSV
Chị Nguyễn Thị Minh ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ con trai 2,5 tháng tuổi của chị vừa phải đi cấp cứu. Trước đó, bé khò khè, chảy nước mũi, chị Minh chỉ nhỏ nước muối sinh lý cho con nhưng sau đó bé sốt. Chị cho bé uống thuốc nhưng bé không hạ sốt.
Khi vào cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sỹ chẩn đoán bé bị viêm phổi, suy hô hấp kèm theo nhiễm virus RSV.
Chị Minh “chết điếng” khi bác sĩ cho biết bé có thể bị nhiễm bệnh từ người thân. Trước đó, chồng chị cũng có biểu hiện cảm cúm. Tuy nhiên, vì nghĩ cảm lạnh do đi mưa nên vợ chồng chủ quan vẫn chăm sóc bé bình thường. Có thể, bé đã lây virus từ bố.
Còn trường hợp bé Hà Minh Thái, 3 tuổi, nhập viện vì ho, sốt, viêm tiểu phế quản. Mẹ của bé cho biết bé Thái có sức đề kháng kém nên gia đình rất giữ gìn, ít cho bé ra ngoài. Thời tiết thay đổi, Thái thường sốt, ban đầu chỉ sốt về đêm sau đó sốt cả ban ngày. Sau 4 ngày điều trị tại nhà không đỡ, khi đi khám thì tình trạng của bé đã nặng.
Hay như bé Bùi Gia Linh, 1,5 tháng tuổi, con chị Hoài ở Thanh Oai, Hà Nội. Chị Hoài cho biết trước đó bé chỉ bị sổ mũi, ho và quấy khóc. Khi đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ cho biết bé bị viêm phổi nặng, nhiễm virus RSV, phải dùng máy hỗ trợ hô hấp. Qua điều trị, hiện tại bé đã khỏe, thở và bú bình thường.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khoảng 1 tháng trở lại đây, Trung tâm hô hấp luôn trong tình trạng hết giường vì bệnh nhi nhập viện đông. Hiện tại, có hơn 50 bệnh nhi phải thở oxy, dao động 3-5 trẻ phải thở máy không xâm nhập. Đa số đều mắc virus hợp bào hô hấp rất nguy hiểm. Bệnh nhi chủ yếu từ 1 tháng tuổi đến 15 tuổi, trong đó đa phần trẻ bị viêm phổi nặng có suy hô hấp đều dưới 6 tháng tuổi.
Đừng hôn vào mặt trẻ
Theo BS CK2 Nguyễn Trần Nam, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong số trẻ vào khám tại bệnh viện 2-3 tuần nay, bệnh nhi bị bệnh liên quan tới viêm đường hô hấp chiếm tới 60%. Đáng chú ý, rất nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy.
Bác sĩ Nam cho biết, trẻ đều nhập viện vì ho, sốt, có bé khó thở. 9/10 trẻ vào viện đều có người nhà bị nhiễm cúm trước đó như bố mẹ, ông bà, anh chị.
Bác sĩ Nam cho rằng trẻ nhỏ ít đi ra ngoài nên nguy cơ nhiễm cúm rất ít, chủ yếu trẻ lây từ người lớn. Do vậy, tốt nhất người lớn không nên “thơm” trẻ, nếu yêu bé có thể “thơm” vào tay.
PGS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện nay là “thời điểm vàng” các loại virus, vi khuẩn trong môi trường sinh sôi, phát triển, trong đó có virus RSV.
Trong môi trường có hàng triệu virus, vi khuẩn mà mắt thường không thể nhìn thấy, những người có sức đề kháng kém sẽ dễ bị nhiễm bệnh, phát bệnh. Đặc biệt, trẻ nhỏ, trẻ nhũ nhi có sức đề kháng kém thì khi nhiễm virus sẽ dễ chuyển biến nặng.
Đáng chú ý, bác sĩ Dũng cho biết 7/10 trẻ đi khám đều suy hô hấp do virus RSV gây ra.
Do RSV không phải là vi khuẩn nên việc dùng kháng sinh không có tác dụng mà việc điều trị phải dựa trên triệu chứng. Đa số bệnh nhân tự khỏi. Khoảng 20% bệnh nhi có thể có diễn tiến nặng, sốt kèm theo khó thở. Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhi sơ sinh, trẻ bị bệnh tim, nhẹ cân có thể bị biến chứng viêm tiểu phế quản và suy hô hấp.
Để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp cho trẻ, PGS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo khi chăm sóc trẻ, người lớn cần giữ thói quen rửa tay thường xuyên. Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được cách ly nếu trong nhà có người bị cảm cúm, ốm, sốt. Nên cho trẻ mang khẩu trang khi đi ra đường.
Các loại virus đi vào cơ thể qua mắt, mũi hay miệng bởi các dịch tiết đường hô hấp bị nhiễm virus.
Virus cũng được hít hay truyền cho người khác qua tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt virus có thể sống nhiều giờ trên các vật dụng như bàn và đồ chơi. Trẻ sẽ có khả năng nhiễm các virus gây bệnh nếu vô tình chạm vào những đồ vật có chứa virus và đưa lên miệng.
Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng hệ miễn dịch cho trẻ, bổ sung các vitamin cần thiết cho trẻ hằng ngày.