Xót xa cho tâm huyết của NSND Hồng Vân
Vốn nổi tiếng là người năng động, việc NSND Hồng Vân mở sân khấu vào năm 2001 không gây bất ngờ với người trong nghề. Hướng sân khấu mới theo phong cách hài kịch và kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học, sân khấu Hồng Vân ở trung tâm văn hóa quận Phú Nhuận lập tức tạo tiếng vang, mang diện mạo khác biệt. Đã có lúc, bà bầu Hồng Vân mở đến 3 điểm diễn. Ngoài “thủ phủ” ở Phú Nhuận, sân khấu Hồng Vân còn xuất hiện ở rạp Kim Châu (quận 1) và SuperBowl (quận Tân Bình).
Suốt 19 năm, sân khấu Hồng Vân tự hào với những Bản chúc thư, Giải oan Thị Màu, Số đỏ, Kỹ nghệ lấy tây, Nỏ thần, Đàn bà mấy tay, Người đàn bà uống rượu… Sân khấu Hồng Vân cũng là nơi nuôi dưỡng đam mê và tiếp sức cho nhiều diễn viên như: NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Đức Thịnh, Ốc Thanh Vân, Lan Phương, Thanh Thúy, Xuân Trang, Kim Huyền, Xuân Nghị…
Thế nhưng, vào tháng 9/2019 vừa qua, NSND Hồng Vân nhiều lần rơi nước mắt khi phải đóng cửa sân khấu Superbowl. Bà bầu trải lòng: “Trước đây, sân khấu hoạt động bị thua lỗ, gồng gánh nhiều quá có lúc tôi mệt mỏi, muốn buông bỏ. Và tôi nghĩ đơn giản khi nào hết hợp đồng, giao lại cho người ta là xong. Nhưng thực tế xảy ra thì tôi buồn vô cùng. Tôi như rơi vào cảm giác có một đứa con hư, giận nó nhưng khi con đi xa thì buồn, nhớ. Tôi nghĩ mình sẽ không viết gì, không nói gì, cứ rút trong im lặng. Superbowl như một ngôi nhà của tôi và học trò. Mọi thứ đều thân thuộc, gắn bó, cảm giác là của mình thật sự. Sân khấu Phú Nhuận có bề dày hơn nhưng ở đó chúng tôi vẫn là khách. Chúng tôi phụ thuộc quá nhiều vào chủ sở hữu. Đóng một cái đinh, tôi cũng phải xin phép họ. Cho dù đăng ký trước, trung tâm có sự kiện gì sẵn sàng đẩy mình ra ngay”.
“Đã là nghiệp rồi, khó bỏ lắm. Sân khấu, mở các lớp đào tạo diễn viên như một phần không thể thiếu của tôi. Mỗi lớp diễn viên thành đạt, tôi sung sướng như người nông dân trồng cây được hái trái ngọt lành. Ngày xưa, sân khấu Phú Nhuận từng đào tạo nên Đức Thịnh, Cát Phượng, Thái Hoà.. Sau này đến lớp Ốc Thanh Vân, Hòa Hiệp... Hiện tại, sân khấu có Xuân Nghị, Lê Lộc, Tuấn Dũng... Các em đồng hành với tôi, chính là nguồn động viên để mình tiếp tục gắn bó với sân khấu. Ở Superbowl không chỉ có sân khấu, chúng tôi còn đào tạo các lớp diễn viên. Các em cùng tôi gánh vác sân khấu. Bên cạnh đó, tôi nhận được sự hỗ trợ của gia đình. Anh Tuấn Anh chưa bao giờ phàn nàn hay khuyên tôi bỏ nghề vì quá cực khổ. Ngược lại, anh động viên, hỗ trợ vợ rất nhiều”, nghệ sĩ Hồng Vân bày tỏ.
NSƯT Mỹ Uyên nặng tình với cội nguồn
Trừ bà bầu Hồng Vân ra mắt sân khấu khi kịch nói vẫn được yêu thích, quyết định mở sân khấu của những “bà bầu” còn lại rơi đúng vào thời điểm sân khấu đang đi vào giai đoạn khó hoặc đã rất khó khăn. NSƯT Mỹ Uyên là trường hợp rất cá biệt, gắn bó với Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ (sân khấu 5B) từ khi mới tốt nghiệp trường Nghệ thuật Sân khấu II. Khi nhiều bạn bè đồng trang lứa và cả thế hệ anh chị đã rời bỏ nhà hát, Mỹ Uyên vẫn ở lại nơi này, giữ vị trí phó giám đốc, rồi trở thành người điều hành, quản lý khi giám đốc nhà hát không còn đủ kiên nhẫn để gồng gánh, duy trì hoạt động của đơn vị.
Quyết tâm gầy dựng lại điểm diễn từng rất được chú ý của sân khấu kịch nói TP.HCM, bà giám đốc Mỹ Uyên trở thành “bà bầu”, dốc tiền túi, vay mượn người thân, bạn bè để sửa chữa khán phòng, đầu tư thêm âm thanh ánh sáng và dựng vở. Nhà hát kịch sân khấu Nhỏ hoạt động trở lại vào tháng 4/2018, đến nay, bầu Mỹ Uyên vẫn đang nỗ lực kéo khán giả trở lại. Vừa chỉnh lý, làm mới một số tác phẩm đang biểu diễn trước khi nhà hát tạm ngưng hoạt động, sân khấu của bầu Mỹ Uyên đã có thêm các tác phẩm mới: Bên đàng dệt mộng, Duyên ai, Đẹp bất chấp, Những giấc mơ lóng lánh, Chuyện tình nữ phạm nhân…
Thấy NSƯT Mỹ Uyên phải cầm nhà để làm sân khấu, nhiều người bảo chị “mắc nợ sân khấu”. Nhưng chị “đính chính”, chị không mắc nợ, mà sân khấu là đam mê, là tình yêu. Suy nghĩ đó giống hệt các “bà bầu” khác. Với họ, sân khấu như cuộc sống, như hơi thở mà họ không thể buông bỏ.
“TP.HCM là thành phố năng động, phong phú các hoạt động giải trí, có nhiều loại hình sân khấu biểu diễn. Một số đơn vị nghệ thuật, tuy cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng mỗi năm đều được TP đầu tư kinh phí hoạt động, còn lại 80% thị phần hoạt động tổ chức biểu diễn trên thị trường là mô hình sân khấu xã hội hóa, đến nay dần trở thành sân khấu tư nhân hóa. Các ông bà “bầu” phải thuê mặt bằng của các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi để tổ chức biểu diễn. Dù các nơi cho thuê có chút ưu đãi dành cho sân khấu, nhưng các đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn lo lắng bán từng tấm vé để duy trì sáng đèn. Áp lực của người làm sân khấu còn là sự đua tranh rất mạnh mẽ của rất nhiều loại hình giải trí khác. Trong khi các rạp phim nằm ở các trung tâm thương mại văn minh, khang trang, hiện đại thì hầu hết các rạp sân khấu đều cũ kỹ, xuống cấp,... Và dù có rất nhiều mặt bằng sân khấu bị bỏ hoang, nhiều nhà hát để không, nhưng khi thuê mướn, chi phí mặt bằng khá nặng, lại phải tốn kém một khoản không nhỏ để tu sửa cho phù hợp với yêu cầu làm nghề thì tư nhân thật sự kham không nổi”, bà bầu Mỹ Uyên nói thêm.
Đạo diễn Ái Như giữ lửa cho thánh đường nghệ thuật
Cùng với NSƯT Thành Hội thành lập sân khấu riêng vào năm 2010, sân khấu Hoàng Thái Thanh của bà bầu Ái Như trở thành điểm hẹn của khán giả yêu thích những vở kịch đề tài tâm lý xã hội, được chăm chút từng chi tiết, từ kịch bản, ngôn ngữ sân khấu, phục trang, xử lý đạo cụ… Nhìn vóc dáng bé nhỏ, nghe giọng nói nhẹ nhàng của nghệ sĩ Ái Như, ít ai ngờ chị lại có nội lực đáng nể đến thế. Gọi là bầu sân khấu, nhưng Ái Như kiêm luôn vai trò đồng tác giả, đạo diễn, diễn viên và cùng NSƯT Thành Hội can thiệp, giải quyết cả chuyện quản lý nhân sự, kiểm toán nội bộ, trả lời thắc mắc của khán giả…
Trăn trở, sống chết với từng tác phẩm, dù trong vai trò đồng tác giả kiêm đạo diễn, diễn viên của vở hay khi trao quyền cho các tác giả, đạo diễn khác và chỉ tham gia ở tuyến nhân vật phụ... Nghệ sĩ Ái Như vẫn cứ ngơ ngẩn buồn vì khán giả ngày một thưa vắng. Giấu nước mắt vào trong, chị miệt mài làm việc, cẩn trọng từng chút, thay khán giả để tự chất vấn, làm khó mình. Không biết bao lần chị và nhóm tác giả phải xếp lại một kịch bản đã mấy tháng trời điều chỉnh, vì chưa thật ưng ý. Có lần, kịch bản gần hoàn chỉnh vẫn bị xáo lên, làm lại, chỉ vì chị vẫn thấy mình có thể làm hay hơn…
Có thể kể ra hàng loạt vở diễn được xếp vào hàng kịch nghệ thuật, thậm chí là nghệ thuật đỉnh cao của sân khấu Việt Nam sau 1975 do Ái Như dàn dựng, như: Cơn mê cuối, Hãy khóc đi em, Trầu Cau, Đèn không hắt bóng, Khúc nhạc lòng của vị mục sư, Sông dài, Đêm thiên nga, Bàn tay của Trời, Ngôi nhà không có đàn ông, Ngôi nhà của những linh hồn, Bao giờ sông cạn, Thử yêu lần nữa, Tình yêu có màu gì, Cảm ơn mình đã yêu em...Đặc biệt, với sự đào tạo của Ái Như từ nhà trường đến sân khấu, nhiều nghệ sĩ dù nội lực còn "mỏng" đã có được những vai để đời, trở thành diễn viên được cả người trong giới lẫn khán giả công nhận.
Làm bầu sân khấu Hoàng Thái Thanh, Ái Như nói không với hài nhảm, với kịch ma thời thượng, nói không với sự qua loa dễ dãi. Chị và nghệ sĩ Thành Hội gồng mình đi trên con đường làm kịch nghệ thuật, kịch đảm bảo chất lượng, tập dượt nghiêm túc, chỉn chu trong cơn lốc giải trí ăn xổi, xô bồ. Cái giá phải trả cho sự kiên định tinh thần, coi sân khấu là thánh đường nghệ thuật đã khiến bà bầu Ái Như và bạn đồng hành Thành Hội từ lỗ tới lỗ. Gia đình xót xa, bản thân lao lực, bao lần muốn gục ngã vì cô đơn, vì gian nan, khốn khó, Ái Như vẫn đang tự thiêu đốt bản thân mình cùng đồng sự để đi trên con đường đã chọn.
Khi được hỏi về nghề hiện nay, Ái Như tủi thân: “Nghệ thuật mong manh như khói. Khói quyện rồi khói tan. Khói làm cay mắt nhưng khói ấm bếp nhà. Không có khói bếp thì không có mái ấm. Không đốt lửa thì không có khói. Nhưng ngày nay không ai cần đốt lửa và bếp đã không còn khói làm cay mắt vì đã có bếp từ”. Câu trả lời nghe thật ngậm ngùi. Nhưng tin rằng một mái nhà và một căn bếp ấm áp luôn là khát khao bền vững với thời gian của tất cả mọi người, cho dù có đôi khi ai kia chao đảo.