“Chuyến đi của thương nhớ” là cách chị Lưu Thị Thu (Hà Nội) dùng để miêu tả chuyến du lịch 3 ngày 3 đêm vừa rồi của mình và những người bạn tại Sa Pa.
“Thương nhớ” là bởi cứ thời gian này hàng năm, Thu và bạn bè đều lên vùng đất mù sương này thư giãn, nghỉ ngơi ít hôm sau thời gian làm việc căng thẳng. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, 2 năm nay, chị đành lỡ hẹn với điểm đến yêu thích.
“Sau chuyến đi, tôi và bạn bè bảo nhau: ‘Thế mới nói du lịch làm chúng ta hạnh phúc hơn’. Trở lại với Sa Pa lần này, cảm giác trong tôi thực sự khó tả song có thể gói gọn trong hai từ ‘hạnh phúc’”, chị nói với PV.
Khoảng thời gian “chữa lành”
Ngay khi biết tin Sa Pa được đón khách du lịch ngoại tỉnh trở lại, chị Thu nhanh chóng lên kế hoạch đi chơi. Vì tình hình dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát, chị không hô hào nhiều, chỉ rủ 3 người bạn thân lên đường. Cả 4 đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 và không có triệu chứng bệnh hay từng tiếp xúc với F0, ca nghi nhiễm.
“Chúng tôi tự lái ôtô đi nên khá chủ động phương tiện cũng như thời gian. Vì đường vẫn chưa có quá nhiều xe, việc di chuyển của nhóm không gặp nhiều khó khăn. Trên đường tới Sa Pa, chúng tôi đi qua hai trạm kiểm soát, sau khi khai báo lịch trình di chuyển tại mỗi trạm, được đóng dấu xác nhận vào tay là có thể tiếp tục lên đường”.
Theo chị Thu, nếu đi xe khách, mọi người sẽ phải khai báo y tế trước khi đi. Khi tới Trạm thu phí Km 237, phía nhà xe sẽ nộp lại các phiếu khai báo này.
Chuyến đi ngắn ngày giúp chị Thu được nghỉ ngơi sau thời gian dài căng thẳng vì dịch bệnh. |
Lần cuối đến Sa Pa vào năm 2019, trong ấn tượng của nhóm bạn, vùng đất này rất nhộn nhịp, luôn tấp nập khách du lịch.
“Lần này trở lại, vẻ đông đúc ấy không còn mà khiến tôi cảm giác như quay lại thời điểm 7, 8 năm trước khi mới đặt chân đến. Đúng là trong dịch, thiên nhiên như được ‘thở’, cảm giác dịu lại rất nhiều”.
Hiện, phần lớn hàng quán, khách sạn tại Sa Pa đã bắt đầu kinh doanh song một số dịch vụ như cáp treo lên đỉnh Fansipan vẫn chưa mở lại. Điều này không quá ảnh hưởng tới 4 người bạn bởi nhóm xác định đến để nghỉ ngơi, tránh chỗ tập trung quá đông đúc.
Trong 3 ngày, nhóm chị Thu chủ yếu đến một số bản của người dân tộc, trải nghiệm hoạt động tại đây và dành thời gian với thiên nhiên.
“Sáng ăn sáng, uống cốc cà phê rồi ngắm màn sương, cây cỏ, hít thở bầu không khí trong lành, mùi củi cháy nấu bếp khiến tôi như được ‘chữa lành’ sau thời gian dài căng thẳng vì công việc, dịch bệnh. Cảm giác như 10 năm rồi mới lại đi du lịch vậy”.
Theo chị Thu, dù tình hình dịch đang dần ổn định hơn và nhiều nơi mở cửa trở lại, mọi người vẫn cần cố gắng tuân thủ 5K, khai báo y tế trung thực. Trong thời gian ở Sa Pa, nhóm của chị tránh các khu chợ đông người và chủ yếu chọn những nơi nghỉ ngơi, ăn uống thoáng đãng.
Cuối tuần này, chị Thu tiếp tục có kế hoạch đến Pù Luông. Mọi hoạt động, lịch trình cũng dự kiến cẩn trọng như chuyến đi Sa Pa vừa rồi.
“Hy vọng đại dịch ngày càng được kiểm soát tốt để việc mở cửa, du lịch nhanh chóng phục hồi. Trước thời điểm đó, tôi nghĩ ý thức của mỗi người vẫn là điều quan trọng nhất”.
Không vội vàng
Về phía các chủ homestay, khách sạn hay đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, việc được đón khách trở lại là tín hiệu đáng mừng song phần lớn không vội vã để đảm bảo an toàn cho cả cơ sở kinh doanh và du khách.
Trong thời gian giãn cách, Phạm Minh Tài, chủ sở hữu Tài homestay Đà Lạt, vẫn cho một số người bạn lên làm việc, bị kẹt lại do dịch bệnh thuê theo tháng với giá tốt. Đầu tháng 11, khi Đà Lạt được đón khách ngoại tỉnh, anh cũng bắt đầu nhận khách với mức độ hạn chế. Hiện, khu homestay đã gần kín chỗ đặt trước trong nửa đầu tháng 11.
“Thông thường, mỗi phòng ở đây có thể đón tối đa 6 khách song hiện tôi chỉ sắp xếp 2 người. Bên cạnh đó, các yêu cầu về sức khỏe, khai báo y tế là yêu cầu bắt buộc. Tiêu chí của homestay vẫn là hạn chế, nắm được thông tin của mọi người để đảm bảo được sự yên bình cho homestay”.
Minh Tài nhận giới hạn số khách đặt phòng để đảm bảo an toàn. |
Đối với Minh Tài, việc được mở cửa lại vừa vui, vừa lo. Anh hy vọng mỗi người đều có ý thức khi di chuyển thời gian này để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người khác.
“Vừa rồi đi qua quảng trường, thấy vài cô bán bánh tráng nướng, sữa đậu nành nóng, tôi cũng thấy mừng, cảm thấy không khí du lịch đang dần trở lại. Mong mọi thứ cứ tiến triển tốt như vậy”.
Trong khi đó, Phạm Hoàng Anh, chủ homestay Chán phố thị (Đà Lạt) cho biết vẫn chưa nhận khách dù đã có nhiều người nhắn hỏi.
“Tính tôi hơi kỹ, tôi sẽ đợi tất cả nhân viên tiêm xong 2 mũi vaccine, đủ 14 ngày rồi mới tính tiếp cho an tâm. Đằng nào cũng tạm nghỉ 5-6 tháng nay rồi, tôi không vội, sức khỏe mọi người vẫn là ưu tiên”.
Trong thời gian này, Hoàng Anh sẽ chú trọng nâng cấp homestay, chăm chút cây cối, chạy sẵn một số chương trình ưu đãi để có thể mở lại vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, tùy vào tình hình và quy định của thành phố.
Hoàng Anh chưa vội mở lại và dành thời gian nâng cấp, trang trí homestay. |
Mai An