Hy hữu “liệt sĩ” trở về từ cõi chết sau hơn 30 năm xa cách

15/11/2020 14:18

Ông Chóng được cho là hy sinh vào năm 1985 ở chiến trường Campuchia và được công nhận là liệt sĩ. Tuy nhiên, sau 33 năm, ngay ngày Tết Mậu Tuất 2018, bất ngờ ông Chóng tìm về đoàn tụ gia đình khiến người thân và láng giềng sửng sốt với nhiều cảm xúc xen lẫn.

“Liệt sĩ”… trở về từ cõi chết

Liên tục trong những ngày Tết Mậu Tuất 2018, người dân ở ấp Định Hòa B (xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) xôn xao đến lạ thường. Người dân xôn xao trước việc “liệt sĩ” Trương Văn Chóng (SN 1960) bất ngờ từ cõi chết trở về quê nhà, đoàn tụ cùng gia đình sau hơn 30 năm cách. Theo một số giấy tờ PV có được, năm 1983, ông Chóng nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Đến năm 1985, ông Chóng hy sinh và được Nhà nước công nhận là liệt sĩ vào năm 1993. Kể từ đó đến nay, mẹ ruột của ông Chóng là cụ bà Huỳnh Thị Nía (SN 1931, ngụ ấp Định Hòa B, xã Định Môn) hàng tháng được nhận trợ cấp theo chế độ người có con là liệt sĩ.

Tuy nhiên, sau 30 năm, khi nỗi đau mất đi người thân ở chiến trường Campuchia chưa tìm được xác đã dần lùi về quá khứ, bất ngờ đêm 19/2 (Mùng 5 Tết Mậu Tuất 2018), ông Chóng – người con trai thứ 6 của cụ bà Huỳnh Thị Nía đã vượt hàng trăm cây số trở về quê nhà, trong sự sửng sốt của gia đình, xen lẫn nhiều cảm xúc đặc biệt khó tả. Trao đổi với PV, cụ Nía cho biết, đêm Mùng 5 Tết, cụ bỗng giật mình tỉnh giấc bởi tiếng cãi nhau vang động của ai đó phát ra ngay phía trước sân nhà của cụ. Nghe vậy, cụ liền đẩy cửa bước ra xem chuyện gì thì thấy người con trai thứ 8 của mình đang đôi co với một người đàn ông lạ mặt.

Lúc này, người con trai thứ 8 của cụ Nía liên tục yêu cầu người đàn ông lạ mặt rời đi, để mọi người nghỉ ngơi, không nên gây ồn ào lúc nửa đêm. Bất chấp lời đề nghị này, trong đêm tối, người đàn ông lạ mặt vẫn một mực nhận là anh em ruột của nhau và xưng là Trương Văn Chóng – con trai thứ 6 của cụ Nía, người lưu lạc ở chiến trường Campuchia hơn 30 năm về trước. Sự xuất hiện đột ngột lúc nửa đêm của người đàn ông lạ mặt đã phá vỡ không gian yên tĩnh. Mọi người trong gia đình cụ Nía không ai có thể ai tin nổi cái tên Trương Văn Chóng – người mà họ lập bàn thờ suốt 30 năm qua và không ngơi nhang khói nay lại bỗng dưng từ cõi chết tìm về.

Ông Chóng (người ngồi) đoàn tụ cùng người thân gia đình sau hơn 30 năm xa cách (Ảnh: Thanh Lâm).

Khi chưa tường tận chuyện gì đã xảy đến, người đàn ông lạ chạy đến ôm chặt lấy cụ Nía và xúc động nói: “Má, con Chóng đây, con còn sống đây má”. Cụ Nía bàng hoàng, không thể tin. Bởi, trước mặt cụ là một người đàn ông lạ lẫm gần 60 tuổi, khác xa với tấm hình người thanh niên trẻ mà bà để thờ suốt mấy chục năm qua. Ngay trong đêm, thông tin về Trương Văn Chóng, người tưởng đã hy sinh nhanh chóng được các thành viên trong gia đình cụ Nía tụ họp lại để nhận dạng. Vừa thoáng nhìn người đàn ông lạ, bà Trương Thị Lượng (SN 1954, con gái thứ ba của cụ Nía) đã nhận ra đó là Chóng, người em trai thứ 6 của mình. “Vừa gặp mặt tôi, thằng Chóng gọi tôi ngay là chị ba, rồi hai chị em chạy lại ôm nhau khóc. Hai chị em tôi khóc mà lòng vui sướng, đong đầy cảm xúc”, bà Lượng nói.

Hành trình của “liệt sĩ” sau hơn 30 năm lưu lạc

Nhận ra nhau, suốt cả đêm đó, cả gia đình cụ Nía với mấy chục người con cháu tràn ngập cảm xúc, cứ vây quanh ông Chóng để nghe ông kể lại hành trình sống sót tại chiến trường Campuchia. Điều mà mọi người thắc mắc là vì sao ông còn sống nhưng lại bặt tăm suốt mấy chục năm qua, không tìm về quê nhà. Ông Chóng kể, trong một trận đánh năm 1985, ông và đồng đội bất ngờ bị quân giặc vây ráp tại một cánh rừng ở Campuchia. Trước vũ lực quá mạnh của giặc, mọi người tự chống trả và ai nấy tìm đường thoát thân. Lúc đó, ông cố chạy sâu vào rừng và may mắn thoát chết nhưng bị lạc, không thể tìm được lối ra.

Sau nhiều ngày đói khát, ông được người dân địa phương phát hiện và đem về nhà cưu mang. Do hoảng loạn và bị thương ở tay, ông Chóng ở lại Campuchia để trị thương và lấy vợ, sinh sống luôn ở đây. Thời gian hồi phục sức khỏe, ông Chóng không thể nhớ về nguồn gốc, quê hương của mình. Cũng theo lời ông Chóng, sau khi được người dân cứu, ông không biết mình ở đâu bên đất nước Campuchia và cũng không biết hỏi ai để tìm đường về nhà. Ông chỉ nhớ nhà mình ở Ô Môn, gần Vàm Nhon, còn ở tỉnh nào, xã nào thì không nhớ nổi. Thời gian sống tại Campuchia, ông Chóng có vợ và sinh 2 người con.

Phiếu chi chính sách trợ cấp cho gia đình liệt sĩ Trương Văn Chóng (Ảnh: Thanh Lâm).

Tuy nhiên, sau đó, ông Chóng lấy người phụ nữ khác làm vợ và có thêm 1 người con với người vợ này. Khoảng năm 2010, ông và vợ sau cùng trở về Việt Nam sinh sống tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Có khoảng thời gian, ông Chóng bị bệnh tai biến nhẹ. Tuy nhiên, bệnh khiến cho trí nhớ của ông không còn minh mẫn như trước. “Sống tại Việt Nam, tôi mới dần nhớ lại ký ức của mình. Trước lúc nhập ngũ, tôi đã có vợ và một đứa con trai ở quê nhà. Khi tôi đi lính, đứa con đầu lòng mới chập chững biết đi. Từ tình cảm thiêng liêng và được sự động viên của vợ con đã thôi thúc tôi tìm đường về quê nhà. Sau khi dò hỏi nhiều người đường về quê, chiều mùng 5 Tết, tôi mang theo chiếc xe máy đặt lên xe khách rồi mua vé từ huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) về quận Ô Môn (TP.Cần Thơ)”, ông Chóng kể.

Đến khuya cùng ngày, ông về đến ngã ba Ô Môn. Ông tiếp tục hỏi thăm đường về Vàm Nhon, gần nơi gắn liền với thời thơ ấu của mình. Sau nhiều nỗ lực, ngay trong đêm, ông Chóng cũng đến được Vàm Nhon. Do đêm khuya nên chẳng còn ai để ông Chóng tiếp tục hỏi thăm đường. May mắn lúc này có mấy người đàn ông đi uống rượu về đã chỉ đường ông đến nhà ông Cao – người anh thứ tư của ông. Đó là những thông tin hiếm hoi mà ông Chóng có thể nhớ lại.

“Được người dân tận tình hướng dẫn đường, chỉ qua vài cây cầu là tới, tôi vừa chạy vừa hồi hộp vì sắp được gặp lại những người thân của mình sau bao năm xa cách. Tuy nhiên, khi đến nơi, tôi không biết nhà nào để vô. Tôi đành đứng ngoài sân la lớn tên anh Cao và xưng luôn tên mình là Trương Văn Chóng cho mọi người nghe thấy. Dù không còn nhớ tên mẹ ruột mình, nhưng trong đêm gặp lại bà, tôi nhận ra ngay. Bước vào nhà, tôi nhìn thấy bên bàn thờ cha mình là bàn thờ của mình. Tôi liền đem tấm hình thờ của mình xuống rồi đập bỏ bát nhang”, ông Chóng xúc động.

Xác minh, xem xét xử lý các chế độ trợ cấp cho hợp lý

Ông Nguyễn Hoàng Phủ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) cho biết, ngay sau khi hay tin “liệt sĩ” Trương Văn Chóng bất ngờ từ cõi chết tìm về đoàn tụ cùng gia đình, ngành chức năng đã đến tìm hiểu và có báo cáo về sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.Cần Thơ để có hướng xử lý tiếp theo. Liên quan đến vấn đề trên, ông Trần Thanh Lam, Phó Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.Cần Thơ cũng cho biết, sau khi có báo cáo cụ thể, Sở sẽ làm việc với các bên liên quan, đặc biệt là cơ quan đã cấp giấy báo tử để từ đó xem xét xử lý các chế độ trợ cấp cho hợp lý.

Thanh Lâm
Bạn đang đọc bài viết "Hy hữu “liệt sĩ” trở về từ cõi chết sau hơn 30 năm xa cách" tại chuyên mục Truyền hình Arttimes. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)