Món quà giản dị của gia đình bị cáo dành tặng cho nữ luật sư không ngại đối đầu với nguy hiểm

18/10/2020 14:49

Luật sư Phạm Thị Thanh Huyền từng đam mê nghề báo, thậm chí mơ ước trở thành một nhà báo nổi danh. Thế nhưng, hình ảnh người luật sư đầy kiêu hãnh với nhiệm vụ bảo vệ lẽ phải đã khiến cô gái trẻ “lung lay” để rồi quyết định theo nghề luật sư.

Bị đe dọa, trách cứ khi dấn thân vào nghề

Nếu không quen biết từ trước, ít ai biết luật sư Phạm Thị Thanh Huyền, đoàn Luật sư TP.HCM theo nghề luật. Bởi, trong cách nói chuyện của mình, chị giống như một nữ nhà báo, cái nghề mà chị yêu thích từ nhỏ. Chị tâm sự: “Từ khi còn nhỏ, tôi rất thích nghề báo. Ý thích đó theo tôi đến tận lúc thi đại học”.Tuy nhiên, tình yêu đó sớm“lung lay” khi chị được xem những bộ phim khắc họa hình ảnh một luật sư đầy kiêu hãnh giữa các phiên tòa và nhiệt huyết, đam mê để tìm ra sự thật. Lúc ấy, hình ảnh người luật sư khiến cô gái trẻ bị mê hoặc. Chị bắt đầu muốn trở thành luật sư để góp phần đem hiểu biết pháp luật của mình bảovệ những người yếu thế.

Khi tốt nghiệp 12, tình yêu nghề báo vẫn cháy bỏng nên chị quyết định thi vào trường luật và trường báo chí. May mắn đậu hai trường, phân vân trong việc chọn con đường tương lai nhưngtình yêu dành cho nghề luật quá lớn đã thôi thúc chị trở thành luật sư. Chịchia sẻ, ngay khi quyết định chọn con đường trở thành luật sư, chị biết mình đã chọn lấy nghề gian khó. Chị nói: “Cũng như làm báo, luật sư là một nghề đối mặt với nhiềunguy hiểm. Tôi từng nhiều lần gặp những vụ việc mà khi bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, tôi liền nhận lấy những lời đe dọa. Gần đây nhất, tôi nhận bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình bị khách thuê nhà vi phạm hợp đồng. Tôi là người thích xử lý công việc một cách nhẹ nhàng nên đã viết thư ngỏ lời mời phía bên thuê nhà ngồi lại để bàn bạc, tìm hướng giải quyết có lợi nhất cho đôi bên. Tuy nhiên, họ không phản hồi thư ngỏ của tôi mà ngược lại gọi điện thoại nói những lời thiếu văn hóa và đe dọa sẽ có 100 anh em làm việc với tôi”.

Luật sư Huyền kể thêm, trong vụ việc phải mất một thời gian dài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng ở tỉnh Bình Dương, chị cũng bị nhiều thế lực đe dọa. Để tiếp tục công việc chị tự dặn lòng phải kiên cường và vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân, nếu không sẽ không sống được với nghề.Sự kiên cường cùng sự may mắn đã giúp chị chođến thời điểm hiện tại chưa gặp phải tai nạn nghề nghiệpnào dù có những lúc tưởng chừng như “không còn sức” để tiếp tục sống với nghề.

Chị kể: “Có lẽ lần bảo vệ cho một bà cụ hơn 80 tuổi bị bệnh ung thư giai đoạn cuối khiến tôi buồn và nhiều trăn trở hơn cả. Khi tiếp nhận vụ việc và khách hàng cung cấp thông tin, tôiđược biết bà cụ có một căn nhà. Chồng của bà cụ mất sớm, một mình bà phải nuôi 3 người con. Sau khi trưởng thành, các con của cụ đều thành đạt. Sau khi hai người con gái lập gia đình và ra ở riêng, bà cụ có một thời gian sống cùng với con trai và con dâu tại căn nhà của bà. Để tiện chăm sóc cho mẹ, người con gái lớn đã đón bà về sống cùng và giao lại căn nhà cho người con trai quản lý”.

“Tuy nhiên, người con trai của bà không may đổ bệnh và được người con gái lớn của bà đưa về chăm sóc, ở cùng với mẹ. Lúc này, họ cho thuê căn nhà của cụ bà. Dù được chăm sóc tốt nhưng người con trai duy nhất của cụ bà vẫn không qua khỏi. Sau khi người con trai mất, người con dâu vẫn lấy tiền cho thuê nhà nhưng không hề thăm nom, chăm sóc bà cụ. Thậm chí, khi gia đình phát hiện cụ bà bị ung thư, hai người con gái của bà có báo cho người con dâu này. Tuy nhiên, người nàyvẫn không thăm nom hay góp tiền thuốc thang cho mẹ chồng. Ngược lại, chị nàycòn dùng lời lẽ hỗn hào với hai người chị của chồng mình”, luật sư Huyền kể thêm.

Luật sư Phạm Thị Thanh Huyền đang nghiên cứu hồ sơ của khách hàng.

Để tránh mất tình cảm của người thân trong gia đình, nữ luật sư đã chọn cách hòa giải cho đôi bên. Tuy nhiên, người con dâu vẫn quyết chiếm giữ ngôi nhà của mẹ chồng. “Đến khi không còn chấp nhận được cách sống vô ơn của người con dâu, bà cụ đã khởi kiện để lấy lại căn nhà. Tuy nhiên, bà cụ không đủ thời gian để theo đuổi vụ kiện đến cùng”, luật sư Huyền ngậm ngùi cho biết.

Món quà giản dị của bị cáo được trả tự do tại tòa

Dù rằng phải trải qua nhiều gian khó nhưng luật sư Huyền vẫn cảm thấy phần nàođược an ủi và hạnh phúc khi còn nhiều thân chủ yêu thương và tri ân mình bằng những việc làm hết sức giản đơn. Nữ luật sư nhắc đến một vụ ánkhiến chị nhớ mãi không quên. Đó là lần chị tham gia bảo vệ quyền lợi cho một người đàn ông không biết chữ ở quận Thủ Đức. Theo hồ sơ vụ án,hai nhóm thanh niên hỗn chiến với nhau tại làng mai Thủ Đức và các bên đều đã bị thương. Lúc đó, một người đàn ông tên L.P.C. đi làm về thấy người trong xóm đang ngồi dựa tường rào, người bê bết máu nên đến hỏi thăm.

Khi được biết người đang bị thương dựa tường rào đối diện là người đến gây sự, L.P.C. hết sức bức xúc. Do đó, anh C. đã dùng tay tát vào mặt người này. Sau đó, L.P.C. chở những người bị thương đi bệnh viện rồi về nhà sinh hoạt, lao động bình thường. Vào cuộc điều tra, công an kết luận có nạn nhân bị thương tật đến hơn 80% và bắt, tạm giam những người tham gia vụ hỗn chiến. Liên quan đến vụ việc này, L.P.C.cũng bị tạm giam. Đáng nói hơn, bị can này bị đưa lên đầu vụ vàbị đề nghị mức áncao nhất 11-12 năm.

Luật sư Huyền chia sẻ: “Đây là vụ việc phức tạp vì có quá nhiều bị can, bị cáo, có bị can còn đang lẩn trốn. Hơn thế, thời điểmnhận hồ sơ, vụ việc đã sắp được xét xử, thân chủ lại đang bị tạm giam nên việc xin các giấy tờ, thủ tục để được gặp bị can vô cùng khó khăn. Được sự tạo điều kiện của tòa áncũng như cơ quan điều tra tôi đã được tiếp cận hồ sơ và tiếp xúc với L.P.C. chỉ2 ngày trước khi ra tòa. Với hồ sơ “khá dày”, do có quá nhiều bản lời khai của nhiều bị can, bị cáo, nhiều kết luận giám định, … nên tôi phải nỗ lực làm việc liên tục trong vòng hai ngày để tìm ra những điểm mâu thuẫn, không hợp lý và cần được làm rõ thêm”.  

Tại phiên tòa xét xử L.P.C., luật sư Huyền đã làm rõ các vấn đề mâu thuẫn, chưa rõ ràng trong vụ án. Sau đó, HĐXX đã tuyên bố hoãn phiên tòa, trả hồ sơ vụ việc để điều tra lại. Trong lần vào trại giam lần thứ hai, luật sư Huyền tiếp tục trấn an tinh thần bị cáovà yêu cầu bị cáo khai toàn bộ sự thật để được pháp luật bảo vệ. Bị cáo là lao động chính trong gia đình, đang phải nuôi con nhỏ và một người mẹ già, nếu bị tuyên có tội với mức án cao như lần đề nghị trước, cuộc sống của người thân bị cáo này sẽ điêu đứng. Tuy nhiên, trong lần xử này, những bằng chứng, lập luận của nữ luật sư đã thành công. HĐXX đã tuyên trả tự do cho L.P.C. ngay tại tòa. Chị cho biết đó là thành công khiến chị hạnh phúc và nhớ mãi

Sau đó, gia đình anh L.P.C cám ơn người luật bằng cách gửi tặng cho chị bức tranh thêu chữ thập giản dị.

Hà Nguyễn
Bạn đang đọc bài viết "Món quà giản dị của gia đình bị cáo dành tặng cho nữ luật sư không ngại đối đầu với nguy hiểm" tại chuyên mục Truyền hình Arttimes. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)