Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, thuộc vùng Đông Bắc với diện tích tự nhiên 8.310,09 km2, trung tâm tỉnh lỵ là thành phố Lạng Sơn cách thủ đô Hà Nội 154 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 165 km. Lạng Sơn nằm ở vị trí đường quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 đi qua, là điểm nút giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây là Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông là tỉnh Quảng Ninh, phía Nam là Bắc Giang và phía Bắc tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc, với 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 1 cửa khẩu chính Chi Ma (cửa khẩu quốc gia) và 9 cửa khẩu phụ.
Lạng Sơn là vùng đất địa đầu của Tổ quốc, là cửa ngõ tiếp giáp với phương Bắc nên là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quân sự và ngoại giao. Do là trọng trấn nên Lạng Sơn được các triều đại phong kiến Việt Nam quan tâm. Cùng theo sự biến chuyển của lịch sử dân tộc, địa danh Lạng Sơn cũng có sự thay đổi.
Khi nước Văn Lang - nhà nước sơ khai đầu tiên của Việt Nam được thành lập, Lạng Sơn thuộc bộ Lục Hải. Thời Bắc thuộc, Lạng Sơn được xếp vào quận Giao Chỉ, sau đó là Giao Châu. Thời Đinh, nước Đại Cồ Việt ra đời, Lạng Sơn được đặt làm đạo. Thời Lý, Lạng Sơn có tên là lộ Lạng Giang. Đầu thời Trần, Lạng Sơn được gọi là lộ Lạng Châu, sau đổi là trấn Lạng Giang, đến năm 1397, trấn Lạng Giang được đổi thành trấn Lạng Sơn.
Năm 1407, nhà Minh xâm lược nước ta. Đất nước rơi vào ách đô hộ của nhà Minh, Lạng Sơn trở thành một trong 16 phủ của Giao Chỉ. Trong khởi nghĩa Lam Sơn chống quân xâm lược nhà Minh, Lê Lợi chia đất nước thành 4 đạo, trấn Lạng Sơn được xếp vào Bắc đạo.
Năm 1466, Lê Thánh Tông chia nước thành 12 đạo thừa tuyên, trấn Lạng Sơn được đổi thành thừa tuyên Lạng Sơn.
Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), thừa tuyên Lạng Sơn được đổi thành tỉnh Lạng Sơn gồm 1 phủ là Trường Khánh; 7 châu là Ôn Châu, Thất Nguyên, Lộc Bình, Thoát Lãng, Yên Bác, Văn Quan, Văn Uyên. Đến năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), nhà Nguyễn tách 2 châu (Văn Uyên, Thoát Lãng), 2 huyện Văn Quan, Thất Khê (Thất Nguyên cũ) để thành lập thêm một phủ mới là phủ Tràng Định.
Sau khi đánh chiếm nước ta, năm 1888, thực dân Pháp xếp tỉnh Lạng Sơn vào quân khu 12. Tháng 8/1891, thực dân Pháp bỏ quân khu để thành lập các đạo quan binh. Lạng Sơn là nơi đóng thủ phủ của đạo quan binh thứ hai, gồm 2 phủ (phủ Tràng Khánh và phủ Tràng Định), 2 huyện (huyện Yên Bác, huyện Văn Quan) và 4 châu (Châu Lộc Bình, Châu Ôn, Châu Thoát Lãng, Châu Văn Uyên). Ngày 20/6/1905, thực dân Pháp lại bỏ đạo quan binh và xác lập lại tên gọi cũ là tỉnh Lạng Sơn. Đến đầu thế kỷ XX, tỉnh Lạng Sơn có 1 phủ (phủ Tràng Định) và 9 châu (Châu Cao Lộc, Châu Lộc Bình, Châu Ôn, Châu Văn Uyên, Châu Thoát Lãng, Châu Điềm He, Châu Bình Gia, Châu Bắc Sơn, Châu Bằng Mạc).
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), Lạng Sơn trở thành một trong sáu tỉnh của căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 19/8/1956, khu tự trị Việt Bắc được thành lập gồm 6 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang.
Ngày 27/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa V quyết định bỏ cấp khu trong hệ thống các đơn vị hành chính. Tháng 4/1976, tỉnh Lạng Sơn hợp nhất với tỉnh Cao Bằng thành tỉnh Cao – Lạng. Đến tháng 12/1978, tỉnh Cao - Lạng lại tách ra thành hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.
Ngày 29/12/1978, tái lập tỉnh Lạng Sơn, đồng thời sáp nhập huyện Đình Lập của tỉnh Quảng Ninh về tỉnh Lạng Sơn vừa tái lập.
Nói về chữ “Lạng” trong địa danh “Lạng Sơn”, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh đã có bài “Về chữ Lạng trong địa danh Xứ Lạng” trình bày tại hội thảo khoa học “Xứ Lạng – Lạng Sơn” do tỉnh Lạng Sơn tổ chức tháng 10/1986 để chuẩn bị cho việc biên soạn Địa chí Lạng Sơn. Ông đưa ra giả thuyết: Từ “Lạng” là một từ Hán – Việt cổ, bắt nguồn từ “Lũng” trong ngôn ngữ Tày – Nùng theo ngữ nghĩa cổ. Xứ Lạng là xứ sở gồm nhiều “Lũng” và như vậy, Xứ Lạng, Lạng Sơn có nghĩa là xứ sở của những thung lũng có núi cao đẹp – là xứ núi non hùng tráng mang nặng nghĩa tình gắn bó Việt – Tày – Nùng trong lịch sử.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật