PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam đã rơi nước mắt khi nói về những mất mát của lực lượng y bác sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến với Covid-19. Bà cho biết, con số 2.380 nhân viên y tế mắc Covid-19 có thể là thống kê chưa đầy đủ và “sẽ còn tăng lên nhiều nữa”.
3 nhân viên y tế mãi mãi nằm lại trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, gồm 2 điều dưỡng tại TP.HCM và 1 nữ hộ sinh tại Bình Dương. Trong đó, nữ hộ sinh D.N.T.T. công tác tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương tử vong khi mang thai hơn 20 tuần tuổi.
Có cơ hội đồng hành với các đoàn y bác sĩ tuyến đầu, PGS Bình tâm sự, một số bác sĩ phải trải qua áp lực rất lớn khi đối mặt với sự ra đi nhanh chóng của bệnh nhân. “Nhiều cán bộ đã khóc, stress nặng khi không cứu được bệnh nhân. Rồi họ cũng phải nhìn chính những đồng nghiệp của mình hy sinh. Đó là nỗi đau, trăn trở rất lớn với y bác sĩ”, PGS Bình chia sẻ.
Gánh nặng ngành y và sự hy sinh của đội ngũ tuyến đầu
Tại tọa đàm trực tuyến Bảo vệ blouse trắng nơi tuyến đầu ngày 19/8, Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nói: “Cả nước đang phải đối mặt với đợt dịch Covid-19 khốc liệt chưa từng có, là gánh nặng, thách thức rất lớn với ngành y”.
3 tháng nay, các y bác sĩ, sinh viên ngành y tham gia chống dịch ở tất cả vị trí, từ chăm sóc, điều trị bệnh nhân, đi lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết đến tiêm chủng cho người dân.
“Anh em trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 và nhóm lấy mẫu xét nghiệm là lực lượng vất vả nhất. Họ làm việc liên tục trong bộ đồ bảo hộ kín, ca trực lên đến 8 giờ mỗi ngày. Điều kiện thời tiết nóng bức, không có điều hòa ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thầy thuốc. Các y bác sĩ đã phải hy sinh, vất vả trong thời gian dài”, ThS Khoa nói.
Nhân viên y tế vận chuyển vật tư vào Bệnh viện dã chiến tại TP.HCM - Ảnh: Trương Thanh Tùng |
Thống kê sơ bộ, tính riêng lực lượng vào chi viện cho các tỉnh thành phía Nam đã có khoảng 12.000 y bác sĩ, trong đó có 7.000 nhân lực do Bộ Y tế điều động và 5.000 cán bộ do các địa phương cử đi.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là nhân lực chi viện cho 3 tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang từ đầu tháng 7/2021.
Ông cho biết, dịch bệnh tràn qua với con số hàng ngàn bệnh nhân đã tạo “khủng hoảng, áp lực quá lớn” với nhân viên y tế địa phương, bởi khu vực miền Tây trước nay khá bình yên. Trong đó, khó khăn lớn nhất đến từ sự thiếu hụt về nhân lực hồi sức cấp cứu.
“Y bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu có những lúc làm việc đến 500% so với cường độ thông thường vì lượng bệnh nhân nặng rất đông, trong khi bác sĩ chuyên ngành khác không thể thay thế do đặc thù chuyên môn”, bác sĩ Cấp chia sẻ.
Ông kể thêm, khi được sắp xếp chỗ nghỉ tiện nghi như khách sạn, các bác sĩ đều từ chối và xin ở lại bệnh viện để có thể can thiệp ngay nếu bệnh nhân diễn biến bất thường. “Đó là tinh thần tuyệt vời nhưng cũng là sự hy sinh lớn”, bác sĩ nói.
Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh (Bệnh viện K) đang công tác tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM thì tâm sự, nơi anh làm việc là cơ sở y tế tuyến cuối, bởi vậy không có bệnh nhân “thở khí trời”, số lượng ca nặng lại quá đông, thêm áp lực liên tục về người tử vong. “Đây là sức ép chúng tôi chưa từng trải qua trong suốt sự nghiệp”, bác sĩ Tĩnh nói.
Nhân viên y tế chia theo 3 ca 4 kíp, trong đó ca ban ngày làm việc 8 tiếng, ca đêm làm 10 tiếng liên tục. Ngoài vất vả vì khối lượng công việc, các bác sĩ có thêm áp lực phải đảm bảo an toàn cho chính bản thân, phòng tránh lây nhiễm tối đa để “bảo toàn lực lượng”.
“Tuy nhiên, với sự nguy hiểm của chủng virus mới, chiến đấu sẽ có người bị thương”, bác sĩ Tĩnh tâm sự.
Tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM đã có một số cán bộ y tế bị nhiễm bệnh, phải chuyển đi cách ly. Khối lượng công việc đè nặng lên đồng nghiệp ở lại vì nhân lực của các bệnh viện trong thành phố đều đang thiếu, không có người thay thế.
Do vậy, khi lượng virus giảm hết, đảm bảo đủ an toàn, họ lại lập tức quay trở lại phục vụ người bệnh, san sẻ gánh nặng với đồng nghiệp.
“Chúng tôi lên đường, ngoài do sự chỉ đạo của cấp trên còn là vì lương tâm người thầy thuốc, mệnh lệnh từ trái tim. Chúng tôi vẫn sẽ bền bỉ để thực hiện nhiệm vụ vinh quang này, dù có khó khăn”, anh Tĩnh nói.
Bảo toàn lực lượng nhân viên y tế
Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, nhân viên y tế tuyến đầu đang làm nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng nhất hiện nay, là chăm sóc sức khỏe và hạn chế tối đã người tử vong do nhiễm Covid-19.
Bởi vậy, cần bảo toàn cho lực lượng “chiến sĩ áo trắng ra trận” cả về sức khỏe, tinh thần bằng cách làm tốt việc tổ chức hậu cần, đảm bảo phương tiện, điều kiện cơ sở vật chất.
Ông Lộc thông tin, Ban Dân vận Trung ương đã có kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho gia đình, người thân của các y bác sĩ tham gia chống dịch và được Thủ tướng đồng ý, cho triển khai ngay.
Ngoài ra, các giải pháp như đảm bảo chỗ ở tiện nghi cho y bác sĩ sau giờ làm việc; huy động cán bộ y tế nghỉ hưu tham gia vào truy vết, điều phối xét nghiệm, tư vấn khám chữa bệnh thông thường,… để san sẻ, giảm bớt áp lực với đội ngũ tuyến đầu đã được Bộ Y tế thực hiện.
Ông Lộc cũng cho rằng cần tăng cường chính sách cho lực lượng "ra trận", trước mắt là 3 phụ cấp: phụ cấp độc hại, phụ cấp cường độ lao động và phụ cấp ngoài giờ.
Các y bác sĩ chuẩn bị trang thiết bị vật tư trước khi đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến số 14 TP.HCM, đơn vị điều trị Covid-19 tuyến cuối do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách - Ảnh: Trương Thanh Tùng |
Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình cho hay, đơn vị đã 2 lần đề nghị với các cấp có thẩm quyền về việc công nhận liệt sỹ cho cán bộ y tế tử vong khi tham gia chống dịch. Mới đây, Bộ Y tế đã giao Công đoàn y tế Việt Nam hoàn thiện hồ sơ để trình phong liệt sỹ cho các đồng chí hy sinh.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động thông tin, Tổng liên đoàn cũng có chính sách riêng dành cho lực lượng y tế tuyến đầu.
Theo đó, các y bác sĩ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng tiền ăn trong vòng 20 ngày. Tổng liên đoàn đồng ý để Công đoàn y tế hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/người với lực lượng tuyến đầu và triển khai 20.000 bảo hiểm an toàn cho y bác sĩ.
“Các cán bộ y tế, những người đang ngày đêm giành giật sự sống cho nhân dân có vai trò quyết định với thành công của phòng chống dịch. Sự quan tâm chung của toàn xã hội và các chính sách hỗ trợ sẽ giúp thầy thuốc an tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Hiểu nói.
Theo: Vietnamnet