Quảng Nam: Hoàn thành việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 11h trưa 4/11 để ứng phó bão số 10

03/11/2020 10:22

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương, kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, hoàn thành trước 11h ngày 4/11/2020.

Quảng Nam: Hoàn thành việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 11h trưa 4/11 để ứng phó bão số 10 - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở để ứng phó cơn bão số 10. Ảnh: PH

Để chủ động ứng phó với bão số 10 và tình hình mưa lũ, sạt lở đất, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các Công văn  về chủ động ứng phó mưa bão.

Các địa phương cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro cấp huyện, cấp xã đến cộng đồng để nhân dân biết, chủ động ứng phó. Đồng thời, kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, hoàn thành trước 11h ngày 4/11/2020; đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.

Đối với các địa phương miền núi có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá cần tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như: nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu,... cần chủ động di chuyển đến nơi an toàn.

Các địa phương ven biển, cửa sông rà soát đảm bảo an toàn các trụ sở sơ tán tập trung, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão.

Chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân và khách du lịch ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản. Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bao an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 16h ngày 4/11.

Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất;

Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; chỉ đạo Nhân dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày;

Phát huy phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng chống thiên tai; triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở địa phương giúp nhân dân di chuyển đến tạm trú nơi an toàn; sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ Nhân dân nơi khó khăn;

Nghiêm cấm tàu thuyền, các đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông, suối, hồ chứa nước và các nơi ngập lũ sâu để chuyên chở người, hàng hóa; nghiêm cấm việc vớt củi trong lũ.

Tổ chức kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra; sẵn sàng phương án ứng phó với tình huống khẩn để chủ động triển khai ứng phó; trong đó đặc biệt lưu ý đến các hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước.

Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, các hồ chứa nước, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình bão và mưa lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 4h ngày 3/11, vị trí tâm bão số 10 (Goni) ở khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10km. Đến 4h ngày 4/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 04 giờ ngày 05/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4h ngày 6/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Trung Bộ sẽ có đợt mưa lớn trong ngày 4-7/11. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có thể hứng chịu lượng mưa phổ biến 300-400 mm/đợt.

pv
Bạn đang đọc bài viết "Quảng Nam: Hoàn thành việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 11h trưa 4/11 để ứng phó bão số 10" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)