Sóng gió cuộc đời của người phụ nữ từng hạ gục Năm Cam, kết thân cùng Tứ đại thiên vương giang hồ Sài Gòn xưa (bài 2)

13/09/2020 13:22

Dù vậy, tuổi ấu thơ sớm chịu nhiều cay đắng của sư bà cũng phải trải qua những trận thư hùng giành quyền sống. Một trong những trận đấu mà bà không bao giờ quên là đối mặt và đả bại Năm Cam, người về sau này trở thành trùm giang hồ khét tiếng TP.HCM.

Kỳ 2: Dấn thân giang hồ, sánh ngang Tứ đại thiên vương, đả bại Năm Cam tranh giành sự sống

Dấn bước giang hồ

Trong ký ức về đoạn đời nhiều giông tố của mình, sư bà Diệu Thiện không một lần nhắc đến việc bà dấn thân vào con đường giang hồ. Tuy nhiên, bà khẳng định, thế giới giang hồ trong thời đại của bà là giang hồ mã thượng và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của anh em bà. Bà kể: “Tôi còn nhớ, thời của tôi Tứ đại thiên vương giang hồ Sài Gòn (Đại, Tỳ, Cái, Thế và Lâm Chín ngón – PV) lúc bấy giờ chỉ là những chàng thanh niên 13-17 tuổi. Hằng đêm, những người này đều tụ tập tại rạp hát Cathay và Nam Việt để ăn chơi. Họ thường đến ăn cơm của bà Tốn chỉ có 5 hào một dĩa nhưng rất ngon. Để thuận đường bán báo, không bị ăn hiếp, anh tôi nhập băng của anh Đại (Đại Cathay – PV), anh Lâm (Lâm chín ngón – PV)”.

“Đêm về, sau khi bán báo xong, anh tôi lại theo băng này đi ăn nhậu, đánh bài và đánh nhau trong các trận tranh giành lãnh địa giữa các băng nhóm. Trong khi đó, dù là con gái, anh tôi cũng quyết để tôi trông như con trai. Anh bắt tôi cắt tóc húi cua, mặc đồ anh đã chật đi đánh banh, đánh nhau với bọn con trai tại sông Cầu Bông”, sư Diệu Thiện kể thêm. Bà nói, chuyện đánh nhau để tranh giành quyền sống ở nơi bà sống vào những năm 1960 là chuyện hết sức bình thường. Tuy vậy, giữa muôn trùng cạm bẫy, an hem bà vẫn cố vùng vẫy để thoát khỏi mọi cám dỗ với hy vọng trở thành người lương thiện. Những câu chuyện về xuất thân hoàng tộc, lời răn dạy phải sống ngay thẳng của mẹ trở thành thước đo cho anh em bà giữa muôn trùng cạm bẫy.

Những năm 60, sư bà phải bán báo để mưu sinh.

Bà kể, dù nghèo khó, phải bán từng tờ báo để có tiền ăn, học nhưng bà và người anh trai chưa một lần gian tham, trộm cắp vặt. Do đó, bà rất ghét thói ăn cắp vặt của những đứa trẻ sớm phải bước vào con đường du đãng. “Một lần, trong lúc đi bán báo tại nhà hàng Contineltial, tôi thấy 2 thằng chuyên đánh giày ăn cắp quẹt Zippo đắt tiền của khách. Dù không liên quan đến tôi, nhưng tính tôi ghét thói ăn cắp vặt. Thế là tôi lao vào đánh nhau với cả hai. Những trận đánh nhau để dành quyền bán báo ngoài đường đã tôi luyện cho tôi sự gan lỳ. Hơn thế, năm lên 9,  tôi ham học võ và học đòi bạn bè sang lò võ Thiếu Lâm của sư phụ Huỳnh Tiền học. Thế nên, tôi đánh thắng hai thằng đánh giày lớn tuổi hơn tôi là điều bình thường. Sau trận đánh đó, tôi được ưu tiên bán báo tại nhà hàng đông khách bậc nhất lúc bấy giờ”, sư bà kể lại.

Thế nhưng, công việc bán báo giữa thời loạn của cô bé kiên cường chưa bao giờ dễ dàng. Sư bà kể và tự hào cho tôi biết, thời điểm ấy, bà từng 12 lần thoát chết vì chất nổ trong các vụ khủng bố tại tòa đại sứ Mỹ, nhà hàng nổi Mỹ Cảnh và các quán rượu. Bà cho biết, những lần gặp nạn ấy, bà đều đến các địa điểm trên để bán báo và vô tình trở thành nạn nhân của các vụ nổ bom, mìn khủng bố. Bà kể: “Đến bây giờ tôi cũng không biết vì sao mình có thể còn sống sau những vụ nổ ấy nữa. Một lần, tôi đang bán báo ở tòa đại sứ thì nghe tiếng nổ vang trời. Tôi chỉ cảm nhận được rằng có gì đó như đập vào ngực tôi, hất văng tôi đi khoảng 20m. Sau đó, tôi không còn biết gì nữa. Một lần khác, khi đang trên nhà hàng nổi, cũng một tiếng nổ vang lên. Tàu bị cháy, chết cả chục người. Lúc  này, tôi thấy kính vỡ bắn xuống như mưa. Ông đầu bếp có thân hình to lớn bên cạnh tôi bị đổ gục, thi thể không còn nguyên vẹn”, sư bà kể lại.

Đánh bại Năm Cam

Gian khổ vây quanh nhưng bà và anh trai đã hứa với mẹ sẽ sống trong sạch và có ích. Thế nên, bà luôn đặt nặng việc học hành lên hàng đầu. Bà không muốn làm xấu đi gốc tích quý tộc của mình. Sự hiếu học của hai đứa trẻ mồ côi khiến nhiều người cùng thời cảm phục. Bà kể rằng, thời đó, đường Tự Do ngày nay là đường Đồng Khởi có nhà thuốc Tây La Thành Nghệ và tiệm sách Xuân Thu làm ăn rất phát đạt. Thấy an hem bà hiếu học, “cậu Tư”, “cô Ba” của hai cửa tiệm này đã mua sách, vở và khuyến khích bà cùng anh trai học tập. Những sự giúp đỡ tưởng chừng nhỏ nhoi ấy đã khiến con đường đến trường của bà thêm bằng phẳng.

Dù nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, con đường học vấn và giành quyền sống phải do bà quyết định thông qua công việc bán báo dạo. Và, con đường ấy tiếp tục gặp nhiều trắc trở khiến bà phải giải quyết bằng nắm đấm. Sư bà kể, khi còn bé, nhiều người xem bà là con trai hơn là một cô bé thông minh và đầy bản lĩnh. Đặc biệt, sau trận đánh nhau với Năm Cam, người sau này đã thống nhất, quy tụ đàn anh, đàn chị giang hồ Sài Gòn về dưới trướng đã khiến bà nổi tiếng. Kể về kỷ niệm này, sư bà Diệu Thiện cho biết, chuyện xảy ra ở tuổi thiếu thời và không ai biết trở thành câu chuyện nổi tiếng như bây giờ. Bởi, lúc ấy, Năm Cam chỉ là “tà lọt” (lính canh cổng-PV) của Bảy Xi chủ sòng bài ở quận 4.

Ngày còn là tà lọt của Bảy Xi, Năm Cam từng là bại tướng dưới tay cô gái Lê Thị Sự.

Theo các bậc cao niên tại quận 4 (TP.HCM) Bảy Xi tên thật là Nguyễn Văn Xi. Ông được giới giang hồ Sài Gòn những năm 1960 gọi là lão tiền bối về bạc bịp. Bảy Xi từng là thủ lĩnh các sòng bài chuyên nghiệp qua hai chế độ. Khu hẻm 148 Tôn Đản thời những năm 60 là một mê cung chằng chịt ao mương nước đen tù đọng với những khóm nhà lụp xụp, được xây dựng bằng đủ loại tôn, ván, giấy cứng vá víu... Cư dân nơi đây chủ yếu là phu bốc vác bến tàu, phu xích lô, ba gác... Tại đây, gia đình Bảy Xi được xem là thủ lĩnh với những tên tuổi nổi cộm: bà Ba Khòm, bà Tư Sa Lơn (chị ruột Bảy Xi). Cả hai là cao thủ trong làng móc túi. Trong khi đó, Bảy Xi và gã em vợ Năm Cam điều hành sòng me.

Sư bà Diệu Thiện kể: “Chuyện tôi đánh nhau với Năm Cam là thật. Tuy nhiên, chuyện xảy ra khi cả hai còn là những cô, cậu bé mới lớn chứ không phải diễn ra khi chúng tôi đã trưởng thành. Song, đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ. Có một lần tôi đi ngang qua quận 4 học võ với thầy Huỳnh Tiền thì gặp nhóm gánh nước. Ba người trong nhóm của tôi đánh nhau với 4 người bên nhóm gánh nước. Lúc này, Năm Cam mới ra mặt bên nhóm gánh nước vì cùng quận. Lúc đó Năm Cam mới 13 tuổi, tôi được 9 tuổi. Tuy lớn tuổi hơn tôi nhưng Năm Cam thấp lùn. Cam bảo chúng tôi chọn ngày, tìm nơi thách đấu. Tuổi trẻ mà. Tôi nào biết sợ ai. Thế là chúng tôi hẹn nhau ra bãi cỏ thật đẹp ở gần bến Nhà Rồng đánh nhau”.

“Trước khi xung trận, tôi yêu cầu mấy đứa ngồi ngoài của 2 nhóm làm trọng tài với điều kiện trong lúc đánh nhau, bên nào có người chửi thề, có người bị đè xuống là thua. Bên thua phải bao chầu nước mía và bò bía, phải phục bên thắng. Năm Cam và đàn em đồng ý. Bên nhóm tôi toàn nữ trong khi đó, nhóm của Năm Cam  có cả nam lẫn nữ. Chúng tôi xông vào nhau đấm đá thế nào mà cuối cùng, tôi và Cam lại trở thành đối thủ trực tiếp. Dù lớn tuổi hơn tôi nhưng Năm Cam yếu hơn, bị tôi khóa tay, vật ngã, đè xuống đất. Thất thế, Cam phải xin thua và chấp nhận mọi yêu cầu của chúng tôi. Sau này, lớn lên, chúng tôi vẫn thân nhau cho đến khi trưởng thành, mỗi người đi một con đường riêng. Duy kỷ niệm lần đánh nhau ấy, đến nay, nhiều người biết chuyện vẫn nhắc lại. Tôi đâu có ngờ, sau này, Năm Cam trở thành trùm giang hồ khét tiếng đến vậy”, sư bà Diệu Thiện chia sẻ thêm.

Hà Nguyễn
Bạn đang đọc bài viết "Sóng gió cuộc đời của người phụ nữ từng hạ gục Năm Cam, kết thân cùng Tứ đại thiên vương giang hồ Sài Gòn xưa (bài 2)" tại chuyên mục Truyền hình Arttimes. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)