Sóng gió cuộc đời của người phụ nữ từng hạ gục Năm Cam, kết thân cùng Tứ đại thiên vương giang hồ Sài Gòn xưa (bài 3)

15/09/2020 09:01

Dông tố cuộc đời không những không thể xô ngã người con gái kiên cường mà còn giúp cô tôi luyện để trở thành doanh nhân thành đạt. Thế nhưng, đương lúc trái ngọt vừa tỏa hương, bà bỗng dưng buông bỏ tấm áo bụi trần để quy y cửa phật.

Kỳ cuối: Rũ bỏ danh phận doanh nhân thành đạt, quy y cửa phật bắt mạch cứu người

Khổ tận cam lai

Sư bà Diệu Thiện tâm sự, cuộc đời bà trải qua mọi thăng trầm cùng những nỗi đau tưởng chừng chỉ có trong tiểu thuyết. Năm 1963, “nghiệp” bán báo của anh em bà thêm một lần xáo trộn khi Mỹ nhảy vào miền Nam. Pháp rút quân về nước khiến một số tờ báo đang bán chạy trở nên ế ẩm. Tuy nhiên, sự nhạy cảm của người có đầu óc kinh doanh cho bà thấy rằng bà cần tìm ra sản phẩm mới. Bằng sự khéo léo của mình, bà và anh trai lãnh được tờ Time và New Week để bán “kiếm cơm”. Thế nhưng nghiệt ngã cuộc đời một lần nữa tách bà ra khỏi vòng tay người thân. Năm 1965, anh trai bà bị bắt đi quân dịch.

“Mất mẹ từ nhỏ, anh em tôi côi cút, nương tựa vào nhau mà sống. Năm 1965, anh tôi bị bắt đi lính, tôi một lần nữa bơ vơ. Tuy nhiên, lúc này tôi đã là một thiếu nữ, phần nào đó có thể tự lo cho mình. Thấy việc bán báo không còn phù hợp, tôi quyết đi tìm việc làm nuôi thân. Rất may một người hàng xóm tốt bụng đã giới thiệu tôi vào làm nhân viên pha chế trong nhà hàng Thanh Bạch trên đường Lê Lai. Tại đây, chỉ sau 2 năm, cuộc đời tôi bước sang một bước ngoặt mới. Nói đúng hơn là một niềm đau mới”, sư Diệu Thiện chia sẻ.

Sư Diệu Thiện điều trị bệnh cho một người nước ngoài.

Hai năm làm việc tại nhà hàng Thanh Bạch giúp thiếu nữ Lê Thị Sự chín chắn và đằm thắm hơn. Lúc này, dường như không còn ai nhận ra cô bé tóc húi cua, sẵn sàng lào vào đánh tay đôi với bọn con trai để bảo vệ lẽ phải nữa. Sau hai năm làm nhân viên pha chế, bà quen biết và đem lòng yêu rồi lập gia đình cùng anh đồng nghiệp có chung hoàn cảnh mồ côi. Sư Diệu Thiện tâm sự: “Tưởng lấy chồng, tôi sẽ bớt khổ. Nào ngờ, tôi càng lam lũ hơn. Tôi và chồng làm việc đến lao lực để lo cho các con. Lúc này, chiến tranh ngày càng khốc liệt. Để mưu sinh, tôi quảy gánh ra đường bán dạo. Công việc này đã khiến tôi sinh non 2 lần vì bị cảnh sát rượt đuổi do mua bán lấn chiếm lòng lề đường”.

“Cuối cùng đất nước cũng hòa bình, thống nhất. Ngày thống nhất đất nước tôi vui đến rơi nước mắt. Tôi nghĩ không còn chiến tranh, tôi và chồng cùng làm sẽ đỡ vất vả hơn. Thế nhưng khi niềm vui đất nước thống nhất của tôi chưa dứt thì nỗi buồn đã vội tìm đến. Năm 1978, tôi và chồng ly hôn. Tôi ôm 4 đứa con, dắt díu nhau về vùng kinh tế mới Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh ngày nay). Lúc này để mưu sinh và nuôi các con, tôi lao vào làm việc như con thiêu thân. Việc gì có thể làm và không vi phạm pháp luật là tôi lao vào. Thôi thì kinh doanh mía đường, thu mua, bán lại cừ tràm, chất đốt rồi mở quán nhậu, cò đất, … Cuối cùng, khi có chút vốn, tôi mở nhà hàng karaoke”sư Diệu Thiện kể.

Cần cù, thông minh cùng sự nhạy bén, việc kinh doanh của bà ngày càng phát đạt. Từ một người mẹ đơn thân chật vật nuôi đàn con lam lũ, bà chuyển mình thành nữ doanh nhân thành đạt. Các con của bà không chỉ được ăn học tử tế mà còn được ra nước ngoài học và định cư ở Pháp. Khổ tận cam lai, sau quãng đời ngả nghiêng sóng gió, bà đang được hưởng trái ngọt. Tuy nhiên, giữa lúc việc kinh doanh đang trên đà phát triển, bà bỗng chốc buông bỏ tất cả, quyết cởi bỏ thân phận doanh nhân để màu nâu áo Phật. Bà nói, sự thay đổi khiến dư luận lúc bấy giờ bàng hoàng, khó lý giải ấy xuất phát từ lần nhà hàng bà được khách đặt món ăn có 20 con cá diêu hồng.

“Phật bà” của dân nghèo

Theo tìm hiểu của PV, những năm 2000, bà Lê Thị Sự được biết đến như một doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực nhà hàng. Các hoạt động của chuỗi nhà hàng karaoke do bà quản lý hết sức phát triển và đem lại cho bà nguồn thu lớn. Tuy nhiên, giữa năm 2005, đang lúc công việc kinh doanh phát đạt, bà Sự bất ngờ tuyên bố rời khỏi ngành kinh doanh nhà hàng. Bất ngờ hơn, bà nhượng lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình mà trước đó, bà đánh đổi thanh xuân, sức khỏe để gây dựng. Quyết định trên đã khiến giới kinh doanh nhà hàng, quán ăn bất ngờ, tò mò với nhiều đồn đoán. Càng bất ngờ hơn, sau khi tuyên bố rời bỏ hoạt động kinh doanh, bà đi học ngành y học cổ truyền rồi xuất gia theo Phật.

Chia sẻ về quyết định chấn động nhưng theo bà là hết sức nhẹ nhàng, mãn nguyện, sư Diệu Thiện kể: “Tôi gọi đó là một sự thay đổi kỳ diệu và chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc về sự thay đổi đó. Chuyện xảy ra vào năm 2005. Tháng 10/2005, một người bạn tôi đến nhà hàng của tôi đặt 20 bàn tiệc đãi đám cưới cho con. Họ yêu cầu nhà hàng làm 7 món trong đó có gà, tôm, cá và lẩu. Ngày nấu tiệc nhà hàng phải làm 20 con cá diêu hồng. 20 con cá này bị người phụ bếp đập đầu, móc mang rồi thả vào chậu nước lớn để rửa chuẩn bị nấu tiệc. Lúc đó, tôi vừa đi chợ về, ngang qua chậu nước ấy thấy những con cá bị đập đầu, móc mang nằm im, phơi bụng. Tuy nhiên, có một con dù đã bị đập, cắt mang vẫn quẫy đuôi bơi lội. Trong cái cách bơi của con cá, tôi thấy nó không tỏ vẻ đau đớn. Thấy vậy, tôi liền gọi người phụ bếp vớt con cá này ra rửa sạch rồi bỏ qua thau nước khác”.

Những căn phòng thoáng đãng dành cho bệnh nhân nghèo trong khuôn viên chùa Lá.

“Lạ kỳ thay, con cá không có biểu hiện suy yếu mà vẫn bơi lội tung tăng. Thấy lạ và thương con cá, tôi gọi một nhân viên cùng tôi đem nó đến sông Cầu Xáng thả. Lúc thả, tôi thì thầm cầu nguyện rồi buông tay. Thật lạ lùng, con cá diêu hồng bị đập đầu, móc mang bơi lội 2-3 vòng rồi mới lặn mất dưới mặt nước mênh mông. Chứng kiến cảnh tượng lạ lùng ấy, bất giác tôi nhớ đến câu: “Cuộc đời sắc sắc không không chúng sinh hãy sống hết lòng với nhau”. Thế rồi tôi trở về nhà hàng và yêu cầu ngay ngày hôm sau không sát sinh, ngưng nấu bếp chỉ bán cà phê và đồ uống”, sư Diệu Thiện chia sẻ thêm.

Cũng theo bà, sau đó một năm, bà tiếp tục đưa ra quyết định đầy khó hiểu là nhượng quyền kinh doanh nhà hàng cho người khác để đi học ngành y học cổ truyền với ước nguyện có thể bốc thuốc cứu người. Khi có chứng chỉ hoạt động bốc thuốc cổ truyền, bà không mở phòng mạch thu lợi mà rong ruổi đến các vùng sâu, vùng xa để khám chữa bệnh miễn phí. Sau này, khi nhận thấy còn quá nhiều người bệnh nghèo cần thuốc, bà liên tục xây dựng các điểm bắt mạch, bốc thuốc từ thiện tại Long An, huyện Bình Chánh (TP.HCM).

Năm 2008, bà tiếp tục khiến người thân, bạn bè bất ngờ, khó hiểu bằng quyết định quy y cửa Phật với pháp danh Diệu Thiện. Bà nói, quyết định trên khiến nhiều người ngăn cản mà quyết liệt nhất là các con của bà. “Các con tôi khóc mà rằng, mẹ đã trải qua tuổi thơ bất hạnh, khi có chồng lại phải lam lũ lo toan nay lại tìm trong khổ hạnh, trai giới. Các con đau lòng lắm và không thể an tâm. Tuy nhiên, tôi đã quyết và có duyên với cửa Phật nên hoan hỷ lý giải rằng, tôi được Phật chọn căn nghiệp nên sẽ theo kinh kệ mà giải thoát từ từ. Các con hãy để mẹ tìm cảnh giới thanh tịnh, cuộc đời phước huệ song tu, niệm Phật nhập thiền. Nghe vậy, các con tôi đồng ý và không còn vướng bận chuyện này nữa”, sư Diệu Thiện nói.

Theo tìm hiểu của PV, sau khi tiếp quản vị trí quản tự chùa An Nhiên từ đời trụ trì trước, sư Diệu Thiện vẫn hoạt động khám chữa, bốc thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo.  Tài bắt mạch trị bệnh của sư bà được khẳng định qua độ đông đúc của các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh thành. Thậm chí, PV ghi nhận nhận, nhiều trường hợp người bệnh là người nước ngoài, nghe danh của sư cũng đến để được điều trị. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, sư bà chỉ tay về phía sảnh trước của chùa nói: “Anh này là người Canada đó. Anh ta bị ung thư nên đến chùa cho bà trị. Đến nay, sức khỏe đã ổn định. Bà không lấy tiền, chỉ làm từ thiện mà anh này cứ đòi trả ơn. Không từ chối được, bà cho anh ta quét chùa vậy”.

Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, do số lượng bệnh nhân quá đông, sư bà đã cho xây dựng trong khuôn viên chùa dãy phòng trọ kiên cố, sạch sẽ, thoáng đãng. Những căn phòng ẩn hiện dưới tán cây, hoa lá mát rượi này là nơi các bệnh nhân có bệnh nặng, phải điều trị lâu dài dưỡng bênh. Trao đổi với PV, sư Diệu Thiện tâm sự: “Ước mơ của tôi là muốn mở thêm những dãy nhà nuôi dưỡng người bệnh neo đơn và săn sóc cụ già, em nhỏ, trẻ bị bỏ rơi, người không nơi nương tựa”.

Hà Nguyễn
Bạn đang đọc bài viết "Sóng gió cuộc đời của người phụ nữ từng hạ gục Năm Cam, kết thân cùng Tứ đại thiên vương giang hồ Sài Gòn xưa (bài 3)" tại chuyên mục Truyền hình Arttimes. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)