Sự hy sinh thầm lặng của vợ chồng già chuyên vớt xác người trên sông Sài Gòn

09/11/2020 16:47

Hơn 40 năm neo ghe trên sông nước, vợ chồng ông Ba Chúc sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Bên cạnh đó, vợ chồng ông còn chuyên vớt xác và cứu người trên sông Sài Gòn.

Cuộc sống vất vả, lênh đênh sóng nước                                                                                          

Tại chân cầu Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM), ông Nguyễn Văn Chúc (1957) và bà Nguyễn Thị Hinh (1959) sinh sống trên sông nước bằng nghề đánh bắt cá. Cuộc sống của hai vợ chồng tuy nghèo khó nhưng luôn thường trực nụ cười trên môi. Ông bà luôn tạo cho người đối diện cảm giác thoải mái và gần gũi.

Đã ngoài 60, dáng người gầy thêm làn da sạm nắng cùng những nếp nhăn, trông ông khắc khổ đến nao lòng. Thế nhưng, trên khuôn mặt khắc khổ ấy lại luôn hiện hữu nụ cười ấm áp. Nụ cười sáng bừng ấy đã che đậy hết những khốn khổ của cuộc đời. Bên cạnh làm nghề chài lưới đánh bắt cá trên sông, ông Chúc còn tiếp nối việc vớt xác của cha ông. Công việc ấy đến nay cũng đã hơn 40 năm.

Ngay từ nhỏ, ông Chúc thường được cha cho đi theo chài lưới và vớt xác người xấu số. Ngày còn nhỏ, ông vốn là đứa trẻ khá nhanh nhẹn và dạn dĩ. Hơn thế, ông còn bơi giỏi hơn các anh chị em trong gia đình. Lúc đầu, Chúc còn giả bị bệnh để tránh bị cha kêu đi vớt xác. Nhưng sau một thời gian, khi hiểu được ý nghĩa của công việc mà ông cho là đáng sợ và cảm thấy cảm thông, thương cha nhiều hơn, ông Ba Chúc luôn đồng hành cùng cha mỗi khi có xác chết trôi sông. Cứ thế, ông rong ruổi cùng cha khắp các con sông trên chiếc ghe nhỏ.

Cuộc sống tuy vất vả nhưng vợ chồng ông Ba chúc vẫn luôn thoải mái và tràn ngập tiếng cười.

Khi đến tuổi trưởng thành, ông Ba Chúc cưới bà Nguyễn Thị Hinh, hai vợ chồng ra riêng và sống trên một chiếc ghe nhỏ ngay dưới chân cầu Bình Lợi. Hai vợ chồng ông Chúc ra riêng với hai bàn tay trắng, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá sinh sống qua ngày. “Lúc chúng tôi bắt đầu ra ở riêng, vì khó khăn nên chúng tôi không nhận được sự giúp đỡ nào từ hai bên gia đình. Lúc đó, trên sông tôm cá còn nhiều, vợ chồng tôi cũng đủ sinh sống qua ngày. Hằng ngày, ông Chúc đi đánh cá, tôi thì đi theo phụ chèo ghe. Vậy mà cũng đủ sống và nuôi 5 đứa con”, bà Hinh nói.

Lần đầu tiên thấy chồng vớt xác chết bà Hinh phát hoảng và cảm thấy lo sợ. Sau nhiều lần chứng kiến, bà Hinh càng ngày càng nhận ra rằng, đây là một việc làm tốt đẹp và bà càng ủng hộ chồng trong công việc này.

Bà nói: “Lúc đầu, khi mới cưới nhau, tôi đâu có biết ông ấy làm công việc này đâu. Mang tiếng là sống cùng xóm ngay từ nhỏ nhưng hai người không mấy khi gặp nhau. Bởi, khi đó, làm ở cuối sông, ông ấy làm ở đầu sông. Đến khi cha mẹ gả cưới mới gặp được vài lần rồi cưới thôi. Cưới được một hai hôm, vợ chồng tôi đang nằm ngủ thì ngoài sông có tiêng kêu: “Nhảy cầu, nhảy cầu”. Lúc đó, ông ấy liền giật mình dậy, nổ máy chạy ghe ra cứu người. Lần đó, ông ấy cứu được người nhảy cầu”.

 “Một lần khác, vợ chồng tôi đang đi đánh cá thì thấy có một xác người trôi lềnh bềnh trên sông. Ông ấy liền chạy ghe lại vớt xác lên. Lần đầu tiên tôi chứng kiến việc này. Xác người đang trong tình trạng phân hủy, bốc mùi hôi thối không thể nào chịu được.

Tối đó về, tôi còn cảm thấy ghê và không cho ông ấy ngủ chung. Thậm chí, tôi cấm ông ấy luôn một tuần không được chung phòng. Nhưng sau đó, khi nghe ông ấy giải thích, tôi cũng phần nào hiểu được công việc này. Tôi biết việc này là giúp người, giúp đời nên tôi đã ủng hộ và cảm thấy tự hào về việc mà ông ấy làm”, bà Hinh chia sẻ thêm.

Hy sinh thầm lặng

Khi nhắc đến việc vớt xác người trên sông, ông Ba Chúc chia sẻ: “Cuộc đời tôi lênh đênh trên sông nước này đã mấy chục năm qua. Hơn ai hết tôi hiểu được cảm giác lênh đênh khổ cực như thế nào. Thế nên, tôi không muốn những mảnh đời bất hạnh chỉ vì một phút nông nổi sẽ mãi lênh đênh, trôi dạt như chính cuộc đời tôi. Tôi sẽ, đang và mãi là con đò đưa những mảnh đời đó về với miền đất mới để họ được yên ấm hơn. Được có nơi cố định để yên nghỉ chứ không còn mãi lênh đênh”.

Chân dung đôi vợ chồng chuyên vớt xác dưới chân cầu.

“Lúc đầu vợ và các con tôi không đồng ý việc tôi đi làm, vì sợ hít phải những mùi của xác chết thì đâm ra bệnh tật. Gia đình thì nghèo khó lỡ bị bệnh thì không có tiền chưa trị. Nhưng được cái là những khi tôi tiếp cận với xác trôi sông thì không hề nghe một mùi gì cả. Chắc được nhờ ân trên ban phước nên tôi từ trước đến nay không hề ốm đau hay bệnh tật”, ông Ba Chúc tâm sự. Hơn 40 năm vợ chồng ông Ba Chúc đã cứu vớt được hàng trăm xác người trôi sông và cứu sống được mười mấy mạng người tự tử.

Ông nói, cứu người là việc mà vợ chồng ông phải làm và không mong nhận được sự giúp đỡ hay báo đáp ân tình nào từ phía người nhà nạn nhân. Sau khi kéo được xác chết vào bờ, ông Ba Chúc sẽ làm theo đúng quy trình mà ông vẫn thường làm. Ông sẽ gọi công an khu vực đến và ông bàn giao xác chết lại cho công an làm việc. Còn nếu như cứu được người sống, ông sẽ hô hấp nhân tạo và hỏi thông tin nạn nhân và bắt xe ôm để đưa nạn nhân về đến nơi.

“Có một đợt cứu người mà làm tôi không thể nào quên được. Vào năm 2002 khi có một đám người đang thi công công trình đường sắt Bình Lợi thì bị sập giàn, 5 người rớt xuống sông. Trong đó có 3 người biết bơi nên bơi được vào bờ, còn lại một người bị chìm sâu dưới sông. Người tôi cứu được đã nhận tôi làm cha nuôi. Năm 2015, sau nhiều lần được mời thì vợ chồng tôi cùng con gái út có ra thăm người con nuôi ở TP.Vinh (tỉnh Nghệ An) và cho đến tận bây giờ cha con chúng tôi vẫn còn liên lạc và xem nhau như cha con ruột”.

Công việc tuy vất vả nhưng chưa bao giờ ông Ba Chúc cảm thấy nản lòng và từ chối vớt một xác chết trôi sông nào. Hơn 40 năm ông vớt hàng trăm xác chết nhưng ông không hề nhận một đồng nào từ người nhà nạn nhân. Ông làm với mong muốn những xác chết có thể có được một nơi “mồ yên mả đẹp”. Sau mỗi lần cứu vớt được xác người, vợ chồng ông Ba Chúc thật sự cảm thấy mãn nguyện. Ngược lại, những lúc chưa tìm thấy được thi thể người xấu số, ông sẽ chờ đúng 24 tiếng đồng hồ để xác nổi lên để đưa vào bờ.

Cuộc sống tuy vất vả, nhà cửa không có để ở, chỉ sống lênh đênh trên sông nước. Thế nhưng, vợ chồng ông Ba Chúc vẫn luôn lạc quan và hy sinh thầm lặng để giúp đỡ người và những mảnh đời bất hạnh mà không mong muốn sẽ nhận được sự báo đáp ân tình nào. Lặng lẽ cống hiến, âm thầm hy sinh và chỉ mong sẽ giúp đỡ được những mảnh đời bất hạnh là cách mà vợ chồng ông Ba Chúc lựa chọn để bước đi trong cuộc đời. Vợ chồng ông quan niệm, “giúp người sẽ giúp ta” không cần được giúp đỡ về mặt vật chất, nhưng vợ chồng ông mong muốn sẽ có được tâm hồn thoải mái và sức khỏe tốt.

Huy Hoàng
Bạn đang đọc bài viết "Sự hy sinh thầm lặng của vợ chồng già chuyên vớt xác người trên sông Sài Gòn" tại chuyên mục Truyền hình Arttimes. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)