Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thì khi bệnh nhân khỏi bệnh thì sẽ sinh ra kháng thể với virus. Nhưng tuy vào từng cá thể, từng loại virus mà mức độ kháng thể có thể bảo vệ được bao lâu.
Sởi, đậu mùa hay quai bị là những virus có thể tạo được kháng thể suốt đời. Bên cạnh đó, có những virus mà kháng thể không thể diệt sạch được như HIV, viêm gan C,... hay những loại kháng thể chỉ tồn tại được trong khoảng thời gian ngắn hoặc rất ngắn như virus cúm.
Không chỉ vậy, dựa vào đặc tính khác nhau của mỗi người mà khả năng tạo ra kháng thể cũng có thể mạnh hoặc yếu. Tuy nhiên đối với virus COVID-19 thì vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào xác định được những ca tái nhiễm là do đặc điểm miễn dịch của người tái nhiễm hay do đặc tính riêng của virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu virus gây Covid-19 trong phòng thí nghiệm (Ảnh: AFB)
Một số nhà nghiên cứu người Hà Lan cho biết, các kháng thể của một loài virus có họ hàng gần với với virus COVID-19, sẽ yếu dần sau vài tháng. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào xác định được kháng thể của virus COVID-19 sẽ yếu dần theo thời gian giống như “người họ hàng” của chúng.
Hiện nay trên thế giới mới chỉ xuất hiện 3 ca tái nhiễm ở Hong Kong, Bỉ và Hà Lan nên chưa có đủ thông tin để xem khả năng lây lan virus của những người tái nhiễm là cao hay thấp. Việc điều trị cho những người tái nhiễm sẽ phải phụ thuộc vào những diễn biến sức khỏe cụ thể của bệnh nhân.