Thư viết cho người đã đi qua mùa thu và hoa sữa

18/10/2021 17:30

Anh đã ngỡ chúng mình chẳng bao giờ có thể cách xa. Anh đã ngỡ em sẽ đi bên anh đến cuối con đường cùng những mùa hoa sữa…

Mùa thu sắp qua rồi em ạ, những cơn mưa gió cuối thu làm tàn rơi những cánh hoa sữa li ti dưới tán lá khiến hương hoa dịu hơn nhưng vẫn đủ để cho ai đó thấy nồng nàn. Chưa bao giờ anh thấy từ “nồng nàn” hợp với mùi hương hoa nào hơn hoa sữa.

Mỗi lần đi qua những con phố có hàng hoa sữa đều có cảm giác như cái hương thơm nồng ấy còn vương lại trên tóc, trên quần áo mãi chưa tan. Anh không thích mùi hoa sữa vì mùi thơm của nó làm anh như bị ngạt thở.

Nhưng vì yêu em, anh vẫn đi cùng em trên những con đường ngào ngạt mùi hoa sữa. Khi có cơn gió thoảng qua, những cánh hoa trắng ngà rơi lả tả, em thích thú giơ tay ra hứng xem có bông sữa nào rụng vào tay hay vương trên tóc và cứ hít hà mãi những cánh hoa nhỏ xíu ấy làm nhiều khi anh phải thắc mắc: Sao em lại có thể thích cái mùi hoa sữa ấy đến thế?

Em lắc đầu: Em không biết, thế sao anh lại yêu em?

Anh cũng chẳng lý giải được vì sao anh yêu em.

Em nói: Đấy, anh thấy không, khi người ta yêu thì chẳng cần có một lý do nào hết. Yêu chỉ đơn giản vì yêu thôi.

Chúng mình đã có một thanh xuân tươi đẹp bên nhau trên những con đường Hà Nội nồng nàn mùi hoa sữa. Dù tình yêu của chúng mình có cả những giận hờn, trách cứ thậm chí cả những đau khổ, bế tắc nhưng em vẫn yêu anh như yêu mùi hoa sữa và anh cũng vẫn yêu em bất chấp sự ngăn cản của cả hai bên gia đình.

Đời sống - Thư viết cho người đã đi qua mùa thu và hoa sữa

Mỗi lần đi qua những con phố có hàng hoa sữa đều có cảm giác như cái hương thơm nồng ấy còn vương lại trên tóc (Ảnh minh họa)

Bố mẹ em không đồng ý cuộc hôn nhân của chúng ta vì anh chỉ là một chàng trai tỉnh lẻ, gia đình lại không có điều kiện, tương lai cũng chưa thấy gì sáng sủa.

Gia đình anh phản đối vì em là cô gái xuất thân thành phố, gia đình giàu có. Em là con một được nâng niu, chiều chuộng từ bé làm sao có thể thích nghi với cuộc sống ở nông thôn vất vả, thiếu thốn đủ đường…

Đã tưởng anh và em phải chia tay nhau vì những lý do đó. Nhưng chúng mình đã có nhau chính vì sự can đảm của em. Em – cô tiểu thư phố thị chấp nhận theo anh về miền quê nghèo sau đám cưới đẹp như mơ nhưng cũng có chút ngậm ngùi của các bậc sinh thành.

Lúc đón dâu, bố dẫn em từ trên tầng xuống trao em cho anh, chỉ nói một câu: Bố trao con gái bố cho con vì bố tin con sẽ không bao giờ làm con gái bố phải buồn, phải khóc.

Vậy mà lúc em bước lên xe hoa, cánh cửa xe còn chưa khép lại, bố đã quay đi rút khăn lau nước mắt. Còn mẹ thì chắc đã đang khóc ở trong buồng.

Không hiểu sao lúc ấy anh thấy thương bố quá. Xe chạy rồi, ngoái lại nhìn bố đứng trông theo, lúc bấy giờ em mới khóc nức nở. Anh chẳng biết làm gì lóng ngóng lau nước mắt cho em, làm lem hết cả lớp trang điểm cô dâu.

Em cứ khóc thế này xấu lắm, bố mà biết lại mắng anh làm em khóc. Em bật cười nhìn gương mặt mình nhòe nhoẹt vì nước mắt qua gương xe và xiết chặt tay anh:

-Em khóc hôm nay thôi nhưng anh hứa không bao giờ làm em phải khóc đâu đấy.

-Ừ, anh hứa, anh hứa sẽ không bao giờ làm em khóc.

Anh đã hứa với bố, hứa với em như thế nhưng hình như anh vẫn có đôi lần làm em khóc…

Cuộc sống của chúng mình sau kết hôn cũng dần ổn định dù em phải làm quen với những thứ em vốn không quen. Công việc của anh cũng thuận lợi và trở thành giám đốc kinh doanh tại một doanh nghiệp nước ngoài khi mới hơn 30 tuổi cũng có thể coi là một thành công.

Tất nhiên thành công đó của anh không thể thiếu những vất vả, hy sinh của em. Nhưng anh đã có thể lo cho em và gia đình mình cuộc sống tốt hơn.

Đời sống - Thư viết cho người đã đi qua mùa thu và hoa sữa (Hình 2).

Chúng mình đã cùng nhau đi qua bao mùa thu rồi em nhỉ? (Ảnh minh họa)

Sau 5 năm sống ở quê cùng bố mẹ, chúng mình chuyển về thành phố vì công việc và cũng vì các con cũng đã đến tuổi đi học, bố mẹ em cũng đã nghỉ hưu cần có người chăm sóc lúc ốm đau.

Chúng mình đã  mua một căn chung cư cao cấp ở gần nhà ngoại để tiện cho công việc của hai vợ chồng cũng như việc đưa đón các con học hành. Ông bà ngoại ở gần chạy qua, chạy lại liên tục. Có con, có cháu, hai ông bà như khỏe hẳn ra.

Ông bà nội ở quê thỉnh thoảng nhớ con, nhớ cháu lại tay xách, nách mang tha lôi đủ các loại thực phẩm sạch của nhà làm ra lên chất đầy tủ lạnh cho con cháu ăn dần. Với anh, những ngày đó chúng mình thật là hạnh phúc.

Ban công nhà mình nhìn xuống sân chơi có mấy gốc sữa em còn nhớ không? Và đó cũng là lý do khi đi xem nhà em đã chọn căn hộ đó. Lúc ấy anh đã càu nhàu nhưng rồi cũng chiều theo ý em vì thấy mấy cây sữa còn nhỏ chắc còn lâu mới ra hoa.

Em hào hứng nói: Sau này chúng ta sẽ mua một bộ bàn ghế cà phê đặt ở ban công, mình sẽ uống cà phê mỗi tối và ngửi mùi hoa sữa, không cần phải mất công đi ngắm hoa sữa ở những con đường ồn ào, bụi bặm nữa…

Em vẫn thế, dù đã là mẹ của hai con, em vẫn cứ háo hức nhìn mấy cây sữa lớn lên từng ngày và chờ đợi những chùm hoa đầu tiên của nó như thời thiếu nữ.

Chúng mình đã cùng nhau đi qua bao mùa thu rồi em nhỉ? Mùa thu nào em cũng mong chờ từng chùm hoa từ lúc còn bé xíu và xanh như màu lá cho đến khi hoa lớn dần và bung nở một màu trắng ngà dịu ngọt rồi rắc những cánh li ti xuống gốc như một trận mưa hoa.

Anh đã ngỡ chúng mình chẳng bao giờ có thể cách xa. Anh đã ngỡ em sẽ đi bên anh đến cuối con đường cùng những mùa hoa sữa…

Nhưng em đã rời xa anh vào một ngày mùa thu hoa sữa còn chưa kịp nở. Anh ngơ ngác không tin đã mất em thật sự.

Hàng tháng trời anh vẫn cứ nghĩ như em đang đi công tác rồi sẽ trở về. Mỗi buổi tối anh cứ ngồi hàng giờ với hai tách cà phê bên ban công như những lần ngồi cùng em ngắm hoa sữa dưới ánh đèn đường. Em sẽ nhẹ nhàng bước tới sau anh vòng tay ôm lấy cổ anh…

Vậy mà cũng đã 5 năm từ ngày em rời bỏ bố con anh sau vụ tai nạn kinh hoàng ấy. Mùa thu đã về từ bao giờ anh cũng không biết nữa, cho đến đêm nay mở cửa ra ban công chợt thấy hương hoa sữa ùa vào căn phòng cùng những cơn gió cuối thu se lạnh. Mùi hương nồng nàn của hoa sữa lại làm anh nhớ em vô cùng.

Chợt nhìn xuống dưới sân, em biết anh thấy gì không? Một đôi trai gái dừng xe dưới gốc sữa, cô gái xuống xe cởi mũ bảo hiểm đưa cho chàng trai rồi ngước nhìn lên vòm cây hít hà mùi hoa sữa. Anh chàng vụng về giơ tay gỡ những cánh hoa vương trên tóc bạn gái.

Từ trên tầng cao nhìn xuống dưới ánh đèn chung cư anh vẫn nhận ra cô gái đó là con gái chúng ta. Con bé năm nay đã 18 tuổi, nó vừa có giấy báo nhập học ở ngôi trường đại học ngày trước em đã học.

Tối nay nó xin phép anh đi sinh nhật đứa bạn cùng lớp và cũng để gặp mặt bạn bè sau một thời gian dài Hà Nội giãn cách trước khi mỗi đứa bước vào một ngôi trường mới. Chàng trai đưa con bé về có lẽ là bạn trai của nó.

Anh cũng có chút lo sợ, liệu bọn chúng có đi quá giới hạn và làm ảnh hưởng đến chuyện học hành không nhưng thấy con bé vụt hôn lên má chàng trai rồi chạy vào sảnh tòa nhà bỏ mặc anh chàng đứng ngẩn ra.

Anh cũng vội bước vào nhà và đóng cửa ban công. Anh không muốn con bé biết anh đã nhìn thấy nó và cậu bạn dưới gốc cây hoa sữa.

Con bé mở cửa, ào vào nhà như một cơn gió, ánh mắt nó lấp lánh ánh sáng của hạnh phúc. Nó hít hà khắp căn phòng và liến thoắng:

-Mùi hoa sữa thơm quá, bố vừa mở cửa ban công à hay tại con vừa đứng dưới gốc sữa mà sao nhà mình toàn mùi hoa sữa thế nhỉ? Mà bố ơi, hôm nay cô giáo chủ nhiệm cấp 3 của con hỏi thăm bố đấy.

Nó chợt hạ giọng nói với anh: Bố ơi, bố lấy vợ đi. Chắc mẹ không trách bố đâu. Chúng con cũng lớn rồi, chúng con không sợ ai lấy mất bố nữa. Con và em rồi sẽ đi học đại học, rồi sẽ có gia đình riêng, bố phải có người bầu bạn chứ…

Con gái chúng ta đã trưởng thành thật sự rồi em ạ. Nó giống em đến mức có lúc anh cứ nghĩ em vẫn đang ở đây bên anh, bên các con. Em vẫn đi cùng anh trên những con đường mùa thu dưới những hàng hoa sữa. Em biết không, chẳng biết từ bao giờ anh cũng đã yêu cái mùi hương nồng nàn ấy.

Một mùa thu nữa lại sắp qua rồi không có em, chỉ còn anh và hoa sữa…

Theo: Người Đưa Tin

Bạn đang đọc bài viết "Thư viết cho người đã đi qua mùa thu và hoa sữa" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)