Tò he mỗi cái một đồng…

16/11/2020 11:03

Giữa “kinh đô” đồ chơi thời hiện đại ngày nay, tò he Xuân La vẫn có những giá trị không gì so sánh được...

“Tò he mỗi cái một đồng
Em mua một cái cho chồng em chơi”...

(Đồng dao)

Không biết tò he có từ bao giờ và nghề nặn tò he xuất xứ từ đâu, chỉ biết tò he là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Hà Nội và con tò he có thể ăn được.

Gốc tích tò he làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vốn không phải là… tò he. Nó đơn giản là bánh bột các cụ nghĩ ra để bù đắp những thiếu thốn cho trẻ nhỏ mỗi dịp lễ, tết. Đất chiêm trũng bao đời chẳng đủ ăn nên các cụ mới nghĩ phải làm thế nào để có được một loại mà trẻ vừa có thể chơi, đến khi chơi xong lại có thể bỏ vào miệng ăn ngon lành.

Những người làm nghề thường nặn hoa lá, quả và các con vật như chim, công, gà, trâu, bò, lợn, cá… Rồi nặn bộ tam đa (phúc, lộc, thọ), tứ linh (long, ly, quy, phượng), 12 con giáp, chân giò, đĩa xôi, nải chuối... tạo thành vật phẩm dùng để cúng lễ.

Ngày nay, các nghệ nhân không chỉ nặn tò he với hình thù đơn giản về các con vật, các loại trái cây… mà còn nặn nhiều hình thù phong phú khác, nhiều nhất là các nhân vật mà trẻ con yêu thích như Bạch Cốt Tinh, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, ông già Noel… và các nhân vật trong tích cổ hay trong hoạt hình thời hiện đại.

Từ khi Hồ Gươm trở thành tuyến phố đi bộ vào những ngày cuối tuần, tò he đã trở thành “đặc sản”. Dãy tò he sặc sỡ sắc màu như cổ tích của người Xuân La chưa khi nào thôi làm trẻ nhỏ háo hức, khách phương xa trầm trồ. Vào mỗi dịp lễ, tết, những “gánh” tò he này thực sự trở thành trung tâm, khơi gợi cảm xúc, ký ức và tuổi thơ của biết bao người Hà Nội.

Khi được du khách nước ngoài yêu cầu nặn cái gì, các nghệ nhân đều đáp ứng được ngay với các tiêu chuẩn: Nhanh, đẹp, màu sắc bắt mắt, sinh động khiến khách vô cùng thích thú, thán phục và thừa nhận tò he mang đậm bản sắc văn hóa và tâm hồn Việt Nam.

Nguyên liệu làm tò he là gạo nếp, gạo tẻ đem trộn đều, ngâm nước, sau đó đem xay hoặc giã thành bột, nhào kỹ đến khi không dính tay rồi mới nắm thành những nắm nhỏ, đem luộc chín. Luộc bột là khâu quan trọng nhất. Luộc bột xong mới “đấu” màu.

Nguyên liệu làm màu lấy từ tự nhiên. Người ta sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật và đun sôi với một ít bột: Màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này.

Dụng cụ sản xuất tò he rất đơn giản, chỉ cần một cái vòng bằng nứa, một cái lược nhỏ (một đầu có răng, một đầu vót nhọn), một con dao nhỏ, một miếng sáp ong và một nắm que tre. Dưới bàn tay “phù thủy” của các nghệ nhân, những cục bột màu vô tri vô giác đã được tạo thành những hình tượng sống động, độc đáo và ngộ nghĩnh, không chỉ quyến rũ trẻ thơ mà còn hấp dẫn cả người lớn. 

Có một giai đoạn tò he bị lãng quên. Khoảng từ năm 2000 trở lại đây, tò he Xuân La mới thực sự có mặt trở lại. Yêu nghề, nhạy bén thay đổi mẫu mã, sáng tạo, các nghệ nhân Xuân La được mời xuất ngoại ngày một nhiều để giới thiệu với bạn bè quốc tế thú chơi đơn giản nhưng đậm nét văn hóa dân gian, truyền thống Việt Nam.

 

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết "Tò he mỗi cái một đồng…" tại chuyên mục Văn hóa - Thể thao. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)