Từ trường giáo dưỡng: Thiếu niên 16 tuổi ước một lần được mẹ gọi điện hỏi thăm

28/11/2020 08:59

Ba mất sớm, mẹ dắt người anh ra tận Quảng Ngãi làm ăn. Rồi Trung nghe người ta nói mẹ đã lấy chồng. Từ đó, mẹ biền biệt chưa một lần quay lại thăm Trung. Nhưng anh em Trung không hận mẹ. Trung chỉ mong một ngày nhận được cuộc điện thoại của mẹ, gọi đến hỏi thăm…

Ba mất sớm, mẹ dắt người anh ra tận Quảng Ngãi làm ăn. Rồi Trung nghe người ta nói mẹ đã lấy chồng. Từ đó, mẹ biền biệt chưa một lần quay lại thăm Trung. Nhưng anh em Trung không hận mẹ. Trung chỉ mong một ngày nhận được cuộc điện thoại của mẹ, gọi đến hỏi thăm…

Vào trường chỉ buồn khi nhớ bà

Nhưng ngay cả cuộc điện thoại tưởng như bình thường ấy, mẹ của cậu bé Nguyễn Tiến Trung (16 tuổi, quê Long An) cũng chưa bao giờ gọi. Trung không biết mẹ vì lý do gì, bận bịu hay đã quên anh em Trung rồi….

Nhưng với cậu bé thì ngày đêm vẫn mong ngóng mỏi mòn, dù biết là khó nhưng chưa bao giờ Trung thôi từ bỏ hy vọng. Cũng  như bao đứa trẻ hư khác, Trung được trường Giáo dưỡng số 4 (Thuộc Tổng cục VIII Bộ Công an đóng trên địa bàn huyện Long Thành, Đồng Nai) nhận vào trường với hành vi trộm cắp tài sản.

 Trung ngồi trước mặt tôi với khuôn mặt lầm lì, ánh mắt có vẻ khó chịu khi được hỏi về quá khứ. Nhưng ngồi tâm sự cởi mở với em một lúc, cậu bé đáng thương này đã vui vẻ trò chuyện một cách thân thiện.

Trung nói em vào đây được 3 tháng rồi, vậy là xa ông bà nội cũng đã 3 tháng. Chưa bao giờ Trung xa ông bà nội lâu như thế, Trung tâm sự: “Em rất nhớ ông bà, dù em ở nhà có hay đi lang thang cùng bạn bè, nhưng tối đến em phải về ngủ với ông bà mới ngon giấc. Em nhớ mùi của ông bà lắm, xa không chịu được. Nhưng bây giờ thì phải xa rồi, đêm nào em cũng nhớ ông bà rồi nằm khóc. Nhưng may mà có bạn bè và các thầy cô giáo luôn động viên an ủi, nên em thấy cũng đỡ phần nào”.

Trung cũng chia sẻ, ở trong trường dù xa nhà nhưng Trung được gặp các bạn, được học văn hóa cũng thấy vui. Trung chia sẻ: “Từ nhỏ em chỉ được học lớp 2, ba mất sớm mẹ bỏ đi nên không có tiền ăn học. Ông bà nội đi bán vé số nuôi 2 anh em em, nên đâu có tiền để cho em ăn học”.

Vậy nên, được vào trường cũng là may mắn của Trung, bởi nơi đây em được học cao hơn một chút, ít ra còn được đọc thông viết thạo. Trung nói: “Tại em buồn là vì ông bà em già rồi, bây giờ băt xe lên đây thăm em xa lắm. Nên từ hôm em vào trường thì ông bà thăm em được có 1 lần, nên em nhớ ông bà nhiều”.

Có lẽ, trong ký ức của Trung chỉ có ông bà nội là vùng ký ức đẹp đẽ, vùng ký ức như hơi ấm của mặt trời dõi theo Trung đến tận bây giờ.

Mồ côi cha …

Theo lời của Trung, Trung sinh ra ở mảnh đất Long An, nhà không có một mảnh đất để cắm dùi. Nhà Trung nhỏ chút xíu, chỉ có cái bếp và cái phòng trải nệm ra cả nhà ngủ chung.

Ba mẹ Trung lấy nhau được 3 người con, dù nghèo nhưng cuộc sống rất hạnh phúc. Trung nhớ lại: “Lúc đó em còn nhỏ, nhưng em biết ba mẹ em ít khi cãi nhau lắm. Ba đi làm thợ hồ, mẹ làm công nhân may nuôi 3 anh em. Còn ông bà nội thì đi bán vé số, nhà em vẫn ở quây quần với nhau rất vui vẻ”.

Nhưng khi Trung lên 9 thì ba Trung mất vì căn bệnh ung thư quái ác. Trung tâm sự: “Vì nhà nghèo, lại bị căn bệnh ung thư nên ba em đã nhanh chóng ra đi, sau khi ba em mất, mẹ em ở với tụi em đượ 6 tháng thì dắt anh lớn đi làm ăn”.

Từ trường giáo dưỡng, Trung chủ mong nhận được điện thoại của mẹ. (Ảnh minh họa).

Trung cũng nghe nói lúc đó mẹ đi ra miền trung xin việc, vì quê ngoại ở ngoài đó. Nhưng từ lúc mẹ dắt anh đi là Trung chưa thấy mẹ trở về, Trung cứ hỏi bà nội mẹ khi nào về, những lúc như vậy bà chỉ ôm Trung vào lòng và khóc.

Trung chia sẻ: “Em cũng không hiểu sao mẹ em dắt anh trai em đi biền biệt luôn, không gọi điện thoại hỏi thăm hay ít ra cũng về thăm anh em em một lần. Em chỉ nghe người ta nói mẹ đã lấy chồng rồi, nghe cũng có hai đứa em nữa”.

Dù được ông bà nội hết mực thương yêu, nhưng Trung vẫn thấy thiếu hụt cái gì đó rất lớn lao. Trung nói: “Bà nội em nhiều lần nói đã có ông bà bên em rồi, nhưng em vẫn thấy muốn có mẹ lắm. Ba em đã mất sớm, em rất buồn rồi, mẹ còn bỏ em đi nên em tủi thân lắm. Bà em dù thương đến bao nhiêu, em vẫn muốn có cả mẹ nữa…”.

Tuổi thơ với những thiếu hụt đủ đường, không có tiền ăn học, ngày hai bửa ngồi đợi ông bà đi bán vé số về nấu cơm cho ăn nên Trung buồn lắm. Trung nói: “Anh trai thứ 2 của em xin người ta đi phụ quán nhậu, anh ấy cũng tự nuôi được bàn thân mình. Em lúc nhỏ không ai thuê làm gì cả, sau đó bà em cứ nói là ở nhà bà nuôi. Nhưng ở nhà em buồn quá nên ra quán nét chơi, chơi miết rồi nghiện lúc nào không hay”.

Từ ngày biết chơi trò chơi điện tử, Trung suốt ngày ngồi trong quán, bà kêu về ăn cơm cũng không về, có khi bà nội phải đưa cơm đến tận quán. Trung nhớ lại: “Đến bây giờ em vẫn luôn tự trách mình là sao lại hư quá mức, đến nỗi đi chơi ngoài quán không thèm về ăn cơm. Bà nội sợ em chết đói nên đã đưa cơm ra tận quán, em cũng cứ mặc bà. Lúc đó em không nghĩ được gì cả, cứ ham chơi nên làm tội bà”.

Tiền xin bà cũng có hạn, vì bà đi bán vé số cũng không được bao nhiêu nên Trung theo bạn đi làm để kiếm tiền mong có tiền chơi điện tử. Nhưng đi làm được vài ngày thì người ta không thuê Trung, thứ nhất vì Trung quá nhỏ, thứ 2 là Trung ham chơi không chăm làm nên không ai thuê nữa.

Khi không xin được bà tiền, lại không ai thuê làm mà trong đầu toàn nghĩ đến trò chơi nên Trung nghĩ cách kiếm tiền để thỏa mạn đam mê của mình. Trung với vài người bạn cũng mê chơi rủ rê nhau đi ăn trộm, có ai hở ra gì là Trung lấy, từ điện thoại đến xe đạp.

Những ngày đó Trung chỉ lao đầu vào chơi rồi đi ăn trộm, những lần đầu không ai bắt được, nhưng sau đó Trung bị người ta bắt giao cho công an. Trung cúi đầu kể lại: “Em với bạn đi ăn trộm vặt rồi đến trộm điện thoại, xe đạp… họ bắt được họ đưa lên công an. Nhưng do chưa đủ tuổi nên công an nói ông bà nội bảo lãnh về dạy dỗ, các chú công an cũng khuyên nhiều, ông bà em cũng khuyên nhủ nhưng em mê chơi quá nên đâu có nghe lời”.

Cứ bị bắt rồi được thả về vì chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nên Trung lại tiếp tục phạm tội. Phạm tội nhiều đến độ đủ “tiêu chuẩn’ vào trường giáo dưỡng nên Trung “được” vào đây.

Trung nói: “Người ta nói phải đi trường giáo dưỡng, nhưng với riêng em là được đi. Bởi vào đây em thấy có bạn bè tâm sự, được học hành, được chơi thể thao nên em thích lắm. Bạn nào mà phấn đấu học giỏi còn được cho đi nghỉ mát, điều đó làm em thấy có ý nghĩa hơn. Thật ra ở ngoài đời em cũng đâu có được sống một cuộc sống lành mạnh, có quy tắc như trong trường. Dù được tình yêu thương ông bà nội, nhưng em như đứa con hoang, muốn ăn lúc nào thì ăn, ngủ lúc nào thì ngủ chẳng ai nói gì hết. Rồi em sinh ra hư hỏng, không biết nghĩ cho người khác, bây giờ em đã biết nghĩ cho ông bà rồi”.

Khi chia tay chúng tôi, Trung vẫn luôn nhắc về ông bà nội. Có lẽ với cậu bé sớm ra đời này, dù hư hỏng đến mức nào, tận sâu thẳm cậu vẫn dành những khoảng trời tươi đẹp để nghĩ về cho những người đã vắt kiệt sức vì mình.

Tên nhân vật đã thay đổi

Mong ông bà khỏe mạnh để sống bênh hai anh em.

Điều ước của Trung bây giờ ngoài việc mong chờ cuộc điện thoại của mẹ, Trung còn có một ước mơ lớn lao là mong ông bà khỏe mạnh. Bởi hai anh em Trung bây giờ có điểm tựa tinh thần duy nhất là ông bà, nếu ông bà có mệnh hệ nào thì Trung rất đau lòng.

Tô Hương Sen
Bạn đang đọc bài viết "Từ trường giáo dưỡng: Thiếu niên 16 tuổi ước một lần được mẹ gọi điện hỏi thăm" tại chuyên mục Tài nguyên. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)